Sự kiện hot
12 năm trước

Ngân hàng vẫn khó cho vay

Mặc dù tín dụng cả năm 2011 chỉ tăng trưởng hơn 10% và nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết “room” cho phép, song áp lực lãi suất hiện nay vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp.

Mặc dù tín dụng cả năm 2011 chỉ tăng trưởng hơn 10% và nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết “room” cho phép, song áp lực lãi suất hiện nay vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp.

Năm 2012, hoạt động cho vay của ngân hàng chưa thể cải thiện nhiều so với năm 2011

Với chủ trương tiếp tục thắt chặt tiền tệ để chủ động kiểm soát lạm phát, theo thông tin định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2012, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ ở khoảng 15 - 17%. Tuy chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể chưa được ấn định cho các tổ chức tín dụng, nhưng với dự báo còn nhiều thách thức trong cả năm nay, theo các ngân hàng, vốn đầu ra vẫn khó khơi thông, vì áp lực lãi suất khi chi phí đầu vào chưa giảm. 

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc HDBank thừa nhận, với lãi suất cho vay cao như hiện nay, rõ ràng là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải rất cân nhắc khi quyết định vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Bởi theo ông Long, nếu vay với lãi suất cao như vậy, thì hiệu quả đầu tư, kinh doanh mang lại cũng sẽ thấp và có khi không hiệu quả. Chính vì vậy, theo ý kiến của ông Long, trong thời điểm hiện tại, cũng tùy vào tình hình các ngân hàng mà đưa ra quyết định có nên đẩy mạnh việc cho vay hay không.

“Với diễn biến thị trường năm 2012, việc cho vay sẽ gặp một số khó khăn nhất định”, ông Long nói và cho biết, trong năm qua, HDBank chỉ sử dụng hết 18% so với room tín dụng cho phép là 20% và hiện Ngân hàng đang hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, HDBank dành nhiều ưu đãi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu (gạo, cà phê, cao su…) lãi vay 18 - 19%/năm”, ông Long cho biết.

Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình nhận định, năm 2012, hoạt động cho vay của ngân hàng chưa thể cải thiện nhiều so với năm 2011, bởi theo dự báo của ông Bình, 2012 sẽ tiếp tục là năm khó khăn, thách thức, thậm chí còn khó hơn năm 2011 khi quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ vẫn chỉ đang ở bước đầu và khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn đang diễn ra. Trong bối cảnh đó, hoạt động của ngành ngân hàng năm 2012 theo định hướng Chính phủ vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, theo ông Bình, vấn đề về lãi suất, tăng trưởng tín dụng... vẫn sẽ là bài toán khó giải cho các ngân hàng trong cả năm nay.

Theo kế hoạch đặt ra cho năm 2012, số dư nợ tín dụng đến cuối năm nay của DongA Bank dự kiến đạt 50.600 tỷ đồng so với năm 2011 là 44.005 tỷ đồng. Năm 2011, DongA Bank cũng chỉ sử dụng hết hơn phân nửa “room” tín dụng cho phép mà NHNN đưa ra.

Lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm, song điều đó còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường, cũng như thanh khoản của các ngân hàng. Số liệu từ NHNN Chi nhánh TP.HCM cho thấy, tổng huy động vốn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đến cuối tháng 1/2012 tăng 1,7% so với cuối năm trước và tăng 17,76% so với cùng kỳ năm 2011, trong khi đó, tổng dư nợ cho vay chỉ tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 8,46% so với cùng kỳ năm 2011.

Thế nhưng, trên thực tế, nguồn vốn huy động trong dân hiện không dễ như trước. Cạnh tranh trong việc tìm nguồn tiền nhàn rỗi giữa các ngân hàng không bớt nóng, nên khó tránh được “lách” trần lãi suất huy động 14%/năm. Vì thế, dù việc giảm lãi suất là mục tiêu hàng đầu, vì khi lãi suất giảm, sẽ tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp các nhà sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh doanh cao, qua đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. So với cuối năm 2011, hiện lãi suất cho vay đã giảm 1- 2% cho một số đối tượng, khách hàng ưu tiên.

Tuy nhiên, vị Phó tổng giám đốc trên của HDBank cho rằng, lãi suất giảm hay không còn phụ thuộc chủ yếu vào lạm phát của nền kinh tế và thanh khoản. “Lạm phát thấp là cơ sở để giảm lãi suất. Với chỉ số lạm phát như hiện nay, đi cùng là sự quyết liệt của Chính phủ, NHNN và bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tôi tin rằng, lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2012 chắc chắn sẽ có xu hướng giảm”, ông Long nói.

Mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp vừa kết thúc, các ngân hàng cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong tháng 2/2012 đã  giảm trở lại, đặc biệt là với tín dụng cá nhân, áp lực lãi vay 22 - 24%/năm là gánh nặng đối với khách hàng.

Vân Linh
Theo Dau tu


Từ khóa: