Sự kiện hot
12 năm trước

Ngân hàng yếu kém: Thiệt hại cổ đông tự chịu

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có liên quan đến lợi ích của nhiều bên, vì vậy đòi hỏi phải xử lý một cách thận trọng và mất nhiều thời gian”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có liên quan đến lợi ích của nhiều bên, vì vậy đòi hỏi phải xử lý một cách thận trọng và mất nhiều thời gian”.

Từ tháng 10/2011 đến nay mới chỉ có hai phương án tái cơ cấu cụ thể được công bố và triển khai. Tiến độ này chậm hơn dự tính mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra hồi đầu năm.

Hai phương án đã cụ thể là hợp nhất ba ngân hàng thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), cơ bản đã hoàn tất thủ tục; sáp nhập Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), hiện còn chờ khâu phê duyệt cuối cùng.

Trong khi đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng dự tính sẽ xử lý xong 5 - 8 ngân hàng yếu kém ngay trong quý 1/2012.

Về tiến độ trên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước giải thích rằng: “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có liên quan đến lợi ích của nhiều bên, vì vậy đòi hỏi phải xử lý một cách thận trọng và mất nhiều thời gian trong khi nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ cho tái cơ cấu ngân hàng rất hạn chế”.

Cũng theo Thống đốc Bình, trong quá trình triển khai, cơ quan quản lý gặp những khó khăn, vướng mắc đã ảnh hưởng đến tiến độ.

Thứ nhất, quá trình thanh tra toàn diện và kiểm toán để đánh giá thực trạng tái chính của các ngân hàng yếu kém mất khá nhiều thời gian.

Thứ hai, quá trình lựa chọn phương án cơ cấu lại của từng ngân hàng, đặc biệt là các phương án tự cơ cấu lại phụ thuộc vào năng lực của đối tác tham gia và ý chí của các bên liên quan nên đòi hỏi phải có thời gian để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Thứ ba, cơ sở pháp lý về cơ cấu lại ngân hàng thương mại đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng cũng chưa điều chỉnh được một cách toàn diện tính đa dạng, phức tạp trong quá trình thực hiện cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thực tế thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập tổ giám sát tại từng ngân hàng yếu kém để giám sát toàn diện, bên cạnh việc tích cực hỗ trợ thanh khoản và đảm bảo khả năng chi trả.

Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra toàn diện và lựa chọn công ty kiểm toán quốc tế thực hiện kiểm toán tài chính, đánh giá chất lượng tài sản, nợ xấu và vốn chủ sở hữu thực tế của từng ngân hàng yếu kém, trên cơ sở đó để áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thích hợp.

Việc thanh tra toàn diện và sự vào cuộc của kiểm toán, đánh giá lại tài sản như vậy đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng là bước quan trọng để cho ra kết quả chính xác về tình hình sức khỏe của các ngân hàng yếu kém, từ đó có phương án xử lý để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

Trên cơ sở phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt về cơ cấu tài chính, hoạt động và quản trị của các ngân hàng yếu kém.

“Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thông qua việc trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng lành mạnh góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Cổ đông của các ngân hàng thương mại cổ phần phải bù đắp đầy đủ tổn thất về vốn, tài chính phát sinh và bảo đảm đáp ứng được các quy định an toàn hoạt động ngân hàng. Nếu không, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi, tài sản của Nhà nước và người gửi tiền”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Giải trình trước Quốc hội cuối tuần qua, Thống đốc Bình cũng đã nêu một lộ trình khá cụ thể: trong số 9 ngân hàng yếu kém thì 2 trường hợp đã có phương án xử lý và được Thường trực Chính phủ thông qua; dự kiến mỗi tuần sẽ trình Chính phủ 2 đề án, qua đó hoàn tất phương án xử lý 7 ngân hàng còn lại ngay trong tháng 6 này.

Theo Vneconomy

Từ khóa: