Sự kiện hot
10 năm trước

Ngành Hải quan: Hàng thông quan ở cửa khẩu biển có thể mất 1.400 giờ

Thời gian giải phóng hàng hóa có những nơi lên tới 1.400 giờ tuy nhiên phần lớn trong đó là do hoạt động tác nghiệp của đơn vị như: doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu,..


Bốc dỡ hàng ở cảng Hải Phòng. (Ảnh mang tính minh họa-nguồn: TTXVN)

Tự soi mình

Lần đầu tiên công bố kết quả đo thời gian giải phóng hàng của hải quan Việt Nam năm 2013 trong phiên hội nghị tổ chức sáng nay (19/9), báo cáo ngành hải quan cho biết, với hàng nhập khẩu, thời gian từ khi hàng hóa đến cảng, cửa khẩu cho tới khi hàng đã có quyết định thông quan, giải phóng hàng là hơn 115 tiếng.

Cụ thể hơn, theo bà Lê Như Quỳnh, Vụ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan, đây là con số sau khi cơ quan chức năng khảo sát tại 11 chi cục hải quan cảng, cửa khẩu thuộc 7 cục hải quan tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội,... năm 2013.

Với con số 115 giờ trên, bà Quỳnh cho hay, đây là thời gian thông quan trung bình. Trong số này, thời gian thông quan nhanh nhất có thể chỉ vài giờ đồng hồ nhưng cũng có những mặt hàng như tại cửa khẩu biển mà ngành hải quan ghi nhận có thể lên tới 1.400 giờ.

Tuy vậy, đại diện ngành hải quan cho rằng, giá trị lên tới 1.400 giờ này không thể hiện thời gian tác nghiệp của ngành hải quan mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là khâu chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.

Đây cũng là vấn đề được bà Quỳnh nhắc tới khi nói về thời gian trung bình 115 giờ để giải phóng hàng hóa. Theo bà, trong số 11 giờ, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho đến khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan là 32,37 tiếng, chiếm khoảng 28% tổng thời gian.

"72% thời gian còn lại hoạt động tác nghiệp của các cơ quan khác cơ liên quan tới xuất nhập khẩu hàng hóa như: doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan kiểm tra chất lượng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu,..." đại diện Tổng cục Hải quan nói.

Ở hướng ngược lại, kết quả được ngành hải quan công bố cho thấy, đối với hàng xuất khẩu, thời gian từ khi đăng ký tờ khai cho tới lúc cơ quan hải quan ra quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa là trên 11,6 giờ. Những kết quả này theo lãnh đạo ngành hải quan sẽ là cơ sở để các đơn vị liên quan cùng "ngồi lại" để làm rõ từng khoảng thời gian xuất, nhập hàng và từ đó tìm ra biện pháp hiệu quả hơn.

Vẫn còn sách nhiễu doanh nghiệp

Chưa đưa ra đánh giá về những con số vừa công bố, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ cho rằng, đây là những kết quả để "ngành hải quan tự xem xét lại bản thân mình."

Đặc biệt, theo vị lãnh đạo này, những kết quả trên cũng giúp cơ quan chức năng nhận biết và tăng cường hơn nữa việc chống phiền hà, sách nhiễu trong chính cán bộ ngành. Đây là vấn đề được ông thẳng thắn chỉ ra là vẫn có những cán bộ chưa thực thi tốt và gây phiền hà cho doanh nghiệp.


Lãnh đạo ngành hải quan khẳng định sẽ tăng cường công tác chống phiền hà, sách nhiễu trong cán bộ ngành. (Ảnh minh họa: TTXVN)


Cũng từ những tổng kết trên, ông Hoàng Việt Cường cho biết, ngành hải quan đã tổ chức rà soát quy trình làm thủ tục của từng cửa khẩu để chỉ ra những công đoạn nào còn bất cập và đề xuất sửa đổi.

Cụ thể, ông Cường cho biết, cơ quan chức năng đang xem xét sửa đổi quy trình kiểm tra hoàng hóa với hàng luồng vàng và luồng đỏ để đảm bảo giảm tối đa thời giam kiểm hàng thực tế.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành hải quan cũng nhấn mạnh việc sẽ triển khai nộp thuế điện tử rộng rãi hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo ông, thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế, lệ phí của doanh nghiệp đang chiếm lượng thời gian tương đối lớn khi thông quan.

"Doanh nghiệp có khi mất 3-4 ngày hoặc thậm chí cả tuần để đi vay tiền ngân hàng rồi lại mất thời gian để chuyển cho hải quan, sau đó báo cáo kho bạc Nhà nước, cuối cùng lại vẫn phải quay lại cơ quan hải quan để trình báo. Điều này rất mất thời gian," lãnh đạo ngành hải quan lên tiếng.

Đây là vấn đề theo ông Cường, đã được ngành hải quan nhận biết và triển khai thực hiện thanh toán thuế điện tử bằng việc liên kết với một số ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan nhận định, số lượng ngân hàng và mạng lưới hiện vẫn chưa thực sự rộng rãi.

Ngoài ra, một biện pháp khác mà ngành hải quan hướng tới là củng có khả năng quản lý rủi ro.

"Chúng tôi sẽ hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và kiểm tra, giám sát chặt những doanh nghiệp tuân thủ ở mức 'trung bình' hoặc vi phạm," ông Hoàng Việt Cường khẳng định.

Cũng theo ông, việc đo thời gian giải phóng hàng hóa sẽ được thực hiện định kỳ 3 lần trong 5 năm. Lần tiếp theo để thực hiện công tác tổng kết trên là vào năm 2015.

Theo báo cáo ngành hải quan, phương thức đo lường, lấy mẫu, tổng kết được thưc hiện theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Theo đó, thời gian thực hiện thu thập mẫu là từ ngày 9/9/2013 tới 14/9/2013 tại 11 chi cục hải quan. Tổng lượng mẫu thực tế là hơn 7.400 mẫu tờ khai đăng ký.

11 chi cục hải quan thực hiện kiểm tra bao gồm cả 3 tuyến là đường biển, hàng không và đường bộ. Cụ thể, tuyến đường biển có 6 chi cục là: cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I, II; cảng Đình Vũ; chi cục hải quan quản lý hàng đầu tư-gia công (Hải Phòng); cửa khẩu cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh); cửa khẩu Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu). Tuyến hàng không bao gồm: Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). Với tuyến đường bộ, 3 chi cục đã kiểm tra là cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Xuân Dũng
theo Vietnam+

Từ khóa: