Sự kiện hot
6 năm trước

Nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy hệ sinh thái Fintech

Ngày 25/9/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tập đoàn VinaCapital (VinaCapital Ventures) đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm Quốc tế về xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực Fintech”.

Tham dự Hội thảo có ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phó Trưởng Ban chỉ đạo lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) của Ngân hàng Nhà nước; bà Sona Shrestha, Giám đốc phụ trách Quản lý công, Khu vực Tài chính và Thương mại, Vụ Đông Nam Á – Ngân hàng Phát triển châu Á cùng các chuyên gia quốc tế đến từ Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore, Cơ quan Quản lý Tài chính Indonesia và đại diện các doanh nghiệp Fintech, đại biểu đến từ các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Fintech là lĩnh vực mới, liên tục phát triển và sáng tạo với tốc độ nhanh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán khẳng định, vài năm trở lại đây, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp Fintech dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại là thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Fintech đã mang tới những sự đổi mới, sáng tạo làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống; nhờ đó có thể có thể giải quyết tính thiếu hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống (vốn bị giới hạn về thời gian, không gian cũng như quy trình, thủ tục giao dịch phức tạp...).

Bên cạnh đó, Fintech cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phổ cập tài chính của các Quốc gia thông qua tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng truyền thống; hỗ trợ các quốc gia nhanh chóng đạt được mục tiêu phổ cập tài chính qua đó thúc đẩy sự phát triển cũng như công bằng xã hội.

Tuy nhiên, do Fintech là lĩnh vực rất mới, lại được liên tục phát triển và sáng tạo với tốc độ rất nhanh đã khiến cho các quy định pháp lý và quản lý đối với lĩnh vực này nhìn chung còn thiếu hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường, không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn trên khắp toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, một số quốc gia có thị trường tài chính và công nghệ phát triển trên thế giới đã tiên phong trong việc xây dựng và phát triển khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp Fintechthông qua việc ban hành một cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động của các công ty Fintech, gọi là khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (“Fintech Regulatory Sandbox”).

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, khuôn khổ pháp lý thử nghiệm Fintech đã được xây dựng và triển khai ở nhiều trung tâm tài chính lớn trong khu vực và trên toàn cầu; tại khu vực Đông Nam Á cũng đã có 4 Quốc gia xây dựng và triển khai Sandbox bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Ông Nghiêm Thanh Sơn tin tưởng, Hội thảo sẽ giúp NHNN cũng như các Bộ, ngành liên quan có hiểu biết sâu sắc hơn về mô hình Quản lý thử nghiệm Fintech của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực ASEAN và khả năng áp dụng, xây dựng một mô hình quản lý và pháp lý tương tự tại Việt Nam; qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán NHNN cung cấp toàn cảnh hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, cụ thể: hiện 27 tổ chức đã được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thanh toán di động dần trở thành xu hướng trong thời đại hiện nay với các phương thức thanh toán mới ra đời trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, giao diện hiện đại như mã QR, số hóa thông tin thẻ, ví điện tử… 12 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code với số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán lên tới hơn 5000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.

Từ xu hướng phát triển tất yếu của lĩnh vực Fintech và hiện còn tồn tại khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, ông Ngô Văn Đức nêu lên một số nội dung dự kiến trong cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech. Mục tiêu hướng đến hiện thực hóa các giải pháp tại Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng, qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân;

Tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý; Hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ Fintech chưa được cấp phép chính thức.

Theo ông Ngô Văn Đức, Fintech là lĩnh vực mới, biến đổi không ngừng, do vậy, trong quá trình xây dựng và triển khai có nhiều thách thức trong xác định phạm vi dịch vụ, rủi ro chưa thể dự đoán, ảnh hưởng tới niềm tin và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, sự gia tăng không ngừng của các dịch vụ xuyên biên giới lợi dụng cho mục đích phi pháp như rửa tiền, tài trợ khủng bố…

Đồng thời, hiện nay chưa có khuôn khổ về thể chế quản lý nên khó xác định điều kiện và tiêu chuẩn khi thẩm định đơn vị tham gia Sanbox, hạn chế về năng lực đội ngũ cán bộ quản lý. Do vậy, ông Ngô Văn Đức cho biết, trong năm 2018, NHNN sẽ xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech, nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình ngân hàng đại lý, tiền điện tử, chính sách về hoạt động ngân hàng tương thích với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ban hành chính sách, quy định khuyến khích sự phát triển các giải pháp, công nghệ thanh toán đổi mới, sáng tạo, hướng tới hỗ trợ phổ cập tài chính ở Việt Nam, tiến đến xây dựng Nghị định về Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo

Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và khuyến khích phát triển Fintech

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý tài chính, tiền tệ, các chuyên gia hàng đầu về Fintech đã chia sẻ những cách thức tiếp cận khác nhau của cơ quan quản lý trong khu vực Đông Nam Á đối với lĩnh vực Fintech; giới thiệu khuôn khổ pháp lý thử nghiệm Fintech đang được triển khai tại Thái Lan, Indonesia và Singapore; thảo luận tình huống về hoạt động cấp phép và giám sát của khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực thanh toán và cho vay ngang hàng (P2P lending) của Thái Lan và Indonesia; nghiên cứu tình huống của doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech trong lĩnh vực P2P lending; và một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Ông Buncha Monoonkunchai, Vụ trưởng Vụ Fintech, NHTW Thái Lan (BOT) đã giới thiệu sự phát triển của Fintech và thanh toán tại Thái Lan từ tiền mặt đến kỹ thuật số, các dự án trong Quy hoạch phát triển Thanh toán điện tử quốc gia do BOT chỉ đạo.

Theo đó, có 6 công nghệ cơ bản có tính cách mạng ở Thái Lan, đó là thanh toán QR, công nghệ Blockchains và Sổ cái phân tán (DPL), công nghệ sinh trắc học, Công nghệ Big Data/phân tích dữ liệu, công nghệ Machine Learning/ Trí tuệ nhân tạo và chuẩn mực/Open APIs (giao diện lập trình ứng dụng mở).

Ông Buncha cho biết, Chiến lược Fintech của Ngân hàng Trung ương Thái Lan là sử dụng khuôn khổ thử nghiệm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo xây dựng hệ sinh thái Fintech bền vững. Vụ trưởng Vụ Fintech, NHTW Thái Lan cũng giới thiệu về khuôn khổ pháp lý thử nghiệm của BOT, các lợi ích của người tham gia, các sản phẩm và dịch vụ tài chính có tính sáng tạo đã được thử nghiệm trong khuôn khổ pháp lý thử nghiệm của BOT.

Nhấn mạnh: “Một quốc gia thông minh cần một trung tâm tài chính thông minh”, diễn giả Ken Chua, Phó Vụ trưởng Vụ Fintech, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết, một trung tâm tài chính thông minh là nơi sáng kiến đổi mới được phổ biến và công nghệ được sử dụng rộng khắp nhằm tăng cường hiệu quả, quản lý rủi ro tốt hơn, tạo ra các cơ hội mới, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đó cũng là nơi mà bức tranh Fintech đầy rực rỡ, kết nối và số hóa.

Ông cũng nêu kinh nghiệm về khuôn khổ pháp lý thử nghiệm, quá trình xây dựng khuôn khổ thử nghiệm thông qua các kênh phản hồi chính: Nhóm công tác về khuôn khổ thử nghiệm của MAS, tham vấn cộng đồng, các đơn xin tham gia khuôn khổ thử nghiệm, tương tác với các bên tham gia Fintech, tương tác với các cơ quan quản lý khác...

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Nghiêm Thanh Sơn tin tưởng những trao đổi, chia sẻ thông tin từ các chuyên gia tại Hội thảo đã mang đến cái nhìn rõ nét về một khuôn khổ pháp lý thử nghiệm Fintech (bao gồm mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng tham gia thử nghiệm, các lĩnh vực được phép thử nghiệp, cấp phép...) và những vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý trong việc đảm bảo đồng thời mục tiêu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo về công nghệ tài chính, đang lại lợi ích chính đáng của người sử dụng dịch vụ Fintech trong khi có thể hạn chế tối đa những rủi ro.

Đánh giá cao những bài học kinh nghiệm quốc tế từ một số quốc gia trong khu vực đã triển khai thành công mô hình này, ông Nghiêm Thanh Sơn khẳng định, đây là những thông tin đầu vào rất hữu ích và thiết thực để NHNN nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ Việt Nam về việc tạo lập môi trường pháp lý và kinh doanh thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia đến năm 2025”.

Trong thời gian tới, NHNN mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp Fintech..., đặc biệt trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, cũng như trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam trong dài hạn.

PV

Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: