Sự kiện hot
5 năm trước

Người dân Cơ Tu sống lay lắt cạnh dự án thủy điện treo

Sau ngày khởi công hành tráng, dự án thủy điện đầu tiên của TP Đà Nẵng tại huyện Hòa Vang do Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn làm chủ đầu tư bị rơi vào quên lãng. Đẩy người dân rơi vào cảnh "đi không nỡ mà ở cũng không yên".

Khu vực xây dựng dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc
Khu vực xây dựng dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc

Vài tháng nay, sau khi dự án thi công đường cao tốc La Sơn – Túy Loan cơ bản được hoàn thành, nhiều đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống tại địa bàn miền núi của xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã đỡ lo lắng, bất an vì trước đó phải sinh hoạt trong cảnh bụi bặm, ngập úng kéo dài nhiều năm liền.

Trong căn nhà cấp 4 sơ sài nằm sát chân cầu Tà Lang – Giàn Bí, hộ của anh Phan Văn Cảnh (tổ 1, thôn Giàn Bí) vẫn không giấu nỗi bức xúc kìm nén của gia đình trong suốt gần 10 năm nay.

Dẫn chúng tôi ra khu vực đất vườn đã vị một đơn vị thi công dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc lắp đặt hệ thống trụ điện để dẫn đường dây vào dự án, anh Cảnh nói với giọng ấm ức: “Đó, 4 trụ điện cao thế đã tồn tại ở đây từ năm 2012. Công trình đã nằm trên đất gia đình nhưng chúng tôi lại chưa được nhận tiền đền bù. Họ sai nhưng đến nay vẫn không thấy lên đây để giải quyết dân lấy lại đất”.

Dự án đền bù đất vườn nhà chỉ được áp giá 10.000 đồng/m2
Khu vực xây dựng dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc

Khi được hỏi vì sao gia đình chưa được nhận tiền đền bù. Anh Cảnh cùng chị Trương Thị The (vợ anh Cảnh) chỉ biết lặng người. “Họ đưa 2 phiếu cho gia đình và hẹn xuống đường Hoàng Văn Thụ để nhận tiền đền bù vào năm 2012. Chúng tôi ngơ người vì cả diện tích đất lên đến 373 m2 đất vườn nhà chỉ được áp giá 10.000 đồng/m2. Chúng tôi là đồng bào dân tộc, đời sống khó khăn. Đất nằm trong dự án mà đền bù kiểu này thì lấy gì mà sống” – chị The than thở.

Sau đó, gia đình anh Cảnh lúc đó được thành phố chủ trương cấp 4 hecta để trồng rừng sản xuất. Mặc dù không thuận lợi nhưng đây là nguồn thu để cải thiện sinh hoạt kể từ khi dự án thủy điện được động thổ (16/6/2010) nhưng rồi đi vào quên lãng. Cả anh Cảnh và chị The giờ chỉ muốn thành phố và huyện nên vào cuộc để giải quyết sớm để gia đình lấy lại đất có công trình nằm trên khiến việc sản xuất hầu như không thể thực hiện được.

Cùng cảnh ngộ, bà Trương Thị Mụn (ngụ tổ 2, thôn Tà Lang) cũng kể: “Trước đây, gia đình bị thu hồi 2 hecta đất màu do nằm trong dự án thủy điện vào năm 2007, với tổng số tiền là 26 triệu đồng. Còn 5 hecta đất rừng cũng bị kiểm định và áp giá đền bù chỉ với giá 7 triệu đồng. Do quá thấp nên gia đình phản đối và không nhận tiền”.

Theo bàn Mụn, khoảng thời gian này, đơn vị thi công cho trồng hàng loạt trụ điện trên đất rừng khiến việc canh tác rơi vào cảnh khốn đốn vì bề mặt đất rừng toàn là đá nằm lăn lóc.

“Đã hơn 8 năm rồi, chúng tôi vẫn không biết dự án sẽ dừng hẳn hay là thi công trở lại. Người dân miền núi đã khổ vì thiếu đất canh tác trong khi tiền đền bù lại thấp, nhiều năm trôi qua cũng đã tiêu hết, nay đất không còn nên chỉ trông chờ vào rừng” – bà Mụn nói.

Dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc đã “treo” suốt nhiều năm nay.
Khu vực xây dựng dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc

Trước đó, để phục vụ dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc, có đến gần 150 hộ dân ở xã Hòa Bắc (đa phần là người dân tộc Cơ Tu) đã phải chấp nhận nhường đất cho dự án. Thống kê sơ bộ cho thấy, TP Đà Nẵng lúc đó thu hồi hơn 1.000 hecta đất rừng và đền bù cho người dân đất chỗ khác phục vụ canh tác và sản xuất theo Quyết định số 755/QĐ-Ttg 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc dự án dừng triển khai đã nhiều năm, nhưng không được thông báo rộng rãi khiến người dân nơi đây rơi vào cảnh sống lay lắt vì đất canh tác, sản xuất gặp khó. Nhiều hộ dân có công trình nằm trên đất ở, đất vườn và sản xuất nhưng chưa nhận tiền đền bù đang rất bức xúc vì dự án thủy điện đã “treo” suốt nhiều năm nay.

Trước thực trạng trên, phóng viên đã liên hệ trực tiếp lãnh đạo huyện Hòa Vang thì nhận được thông tin là dự án này đã “dừng lâu rồi”.

Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết: “Sau khi dự án được thành phố cho dừng, người dân vẫn được sản xuất và canh tác cây trồng hàng năm trên đất của dự án. Hiện dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố và chủ đầu tư (Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn – PV)”.

Sau một thời gian thi công một số hạng mục, dự án bất ngờ dừng thi công
Khu vực xây dựng dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc

Theo ông Hành, đối với những bức xúc của những hộ dân chưa nhận tiền đền bù do có công trình của dự án nằm trên đất ở, đất vườn thì nên làm đơn gửi lên UBND huyện. Từ đó, huyện mới có căn cứ và cử lực lượng lên kiểm tra, xác mình và có hướng xử lý để giúp dân.

“Hiện người dân trên đó vẫn đang sản xuất, canh tác bình thường. Việc dự án không triển khai nữa thì thành phố sẽ có nhiều hướng giải quyết trong thời gian đến, chứ UBND huyện không có thẩm quyền giải quyết. Hòa Bắc là xã miền núi khó khăn nên chính quyền huyện đang nỗ lực giúp đỡ người dân ổn định sản xuất, an tâm định cư” – ông Hành thông tin.

Thủy điện Sông Nam – Sông Bắc được chính thức khởi công vào năm 2010. Dự án được cấp giấy Chứng nhận đầu tư vào 2009 và do Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án bao gồm 4 cụm thủy điện có tổng công suất lắp máy là 49,2 MW. Sau thời gian thực hiện việc thăm dò, rà phá bom mìn, thi công đường và đường dây điện, dự án bất ngờ dừng thi công.

Theo Tuoitrethudo

Từ khóa: