Sự kiện hot
11 tháng trước

Người dân ngày càng có xu hướng sử dụng thanh toán không tiền mặt nhiều hơn

Theo thông kế, trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 52,8% về số lượng.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt sau đại dịch
Người dân ngày càng có xu hướng sử dụng thanh toán không tiền mặt nhiều hơn

Tại Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội" thuộc chương trình "Ngày không tiền mặt năm 2023", Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đánh giá, hạ tầng thanh toán đã phát triển mạnh mẽ, bình quân thanh toán 40 tỉ USD/ ngày.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ người dân Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt khoảng 74,63%. Đáng chú ý, các chỉ số thanh toán không tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch.

Trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 52,8% về số lượng. Cụ thể, qua kênh Internet tăng 83,76% về số lượng và 2,83% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,84% và 9,47%; qua phương thức QR code tăng 161,6% và 36,62%; qua POS tăng 33,98% và 29,15%; qua ATM giảm 3,49% về số lượng và 5,45% về giá trị.

Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu thế thời đại - Ảnh 2.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái bày tỏ vui mừng tham dự chương trình "Ngày không tiền mặt năm 2023".

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ vui mừng tham dự chương trình "Ngày không tiền mặt năm 2023" với chủ đề "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội" do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện.

Đánh giá cáo sáng kiến "Ngày không tiền mặt", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đây là sự kiện quan trọng góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ đã được xác định tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.

Phó Thủ tướng cho rằng, tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh internet, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%;... nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng cùng với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu thế thời đại - Ảnh 1.
Toàn cảnh hội thảo

Cũng tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố rất quan tâm đến xu hướng mới như kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt. Thành phố luôn có ý thức, có sự chuẩn bị cũng như những giải pháp để tiếp nhận những xu hướng này nhằm tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển của TP HCM.

Chủ tịch UBND TP HCM chi sẻ, đến nay các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông đã tiến hành thanh toán không tiền mặt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại thành phố đã đạt 30%. Thời gian tới, thành phố sẽ thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt rộng rãi hơn.

Để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, hiện thành phố đã ban hành chiến lược dữ liệu làm nền tảng cho thanh toán không tiền mặt, kể cả chính sách khuyến khích không tiền mặt.

Mong muốn thành công trong phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thành phố luôn lắng nghe ý kiến, giải pháp của các ngân hàng, các chuyên gia, nhà cung ứng… Đồng thời, cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: