Sự kiện hot
12 năm trước

Người đi chợ chọn mua thức ăn: giá rẻ, số lượng ít

Ăn là nhu cầu cơ bản nhất, thường xếp cuối cùng trong danh mục cắt giảm chi tiêu. Việc cắt giảm cả nhu cầu ăn là một chỉ dấu báo động mạnh về sức mua cạn kiệt.

Ăn là nhu cầu cơ bản nhất, thường xếp cuối cùng trong danh mục cắt giảm chi tiêu. Việc cắt giảm cả nhu cầu ăn là một chỉ dấu báo động mạnh về sức mua cạn kiệt.

Đã 11 giờ trưa ngày 10.4, khay đựng cá của sạp 64 chợ Thị Nghè vẫn còn nguyên 2kg cá kèo sống. Bà Nguyễn Thị Hồng (chủ sạp) cho biết đã mỏi miệng mời khách mua từ 6 giờ sáng cùng ngày, nhưng chưa bán được mớ nào. Bà Hồng chỉ vào khay hàng kể: khách đi chợ vắng quá, mà lại mua ít, như điêu hồng, lóc… mỗi loại lấy về 3 – 5kg, đến giờ chuẩn bị về mới bán được một nửa. Gặp khách quen ghé vào mua, bà nài nỉ hết lời, chấp nhận giảm 3.000 đồng nếu khách lấy hết khúc cá basa còn trên khay, nhưng vị khách này cũng chỉ mua đúng 300g vừa đủ nấu canh chua.

Tiểu thương chờ khách mua từ khi cá còn bơi trong chậu đến khi lên khay. Ảnh: Lê Quang Nhật

Câu chuyện của bà Hồng đã chỉ ra cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn của người đi chợ đã thay đổi theo hướng vừa mua ít đi về số lượng, vừa chuyển sang sản phẩm giá rẻ.

Giảm thịt cá, tăng... bún

Theo bà Hồng, vì khách vắng quá nên 20 sạp bán cá ở chợ Thị Nghè đã nghỉ hết 11 sạp. Chín sạp còn lại, cũng bị ế như bà, nên nhiều hôm chỉ còn chừng 5 – 6 người bán.

Không hiểu nhiều về kinh tế vĩ mô, về các tác động kinh tế khó khăn đang buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu làm ảnh hưởng đến sức mua như thế nào, bà Hồng chỉ thấy được thực tế rõ nhất là “những loại cá ngon, mắc tiền như cá bớp, cá bò, cá chẻm… chẳng ai dám mua. Người đi chợ toàn mua cá rẻ giá chừng 30.000 – 50.000 đồng/kg như điêu hồng, rô, lóc, basa; mà cũng không mua nguyên con, hay mua cả ký, chỉ mua chừng vài lạng, hoặc khúc đầu nấu canh, hoặc khúc mình cá để kho”, bà Hồng nói.

Bà Nguyễn Thị Nhuỵ, có vị trí sạp được xem là đắc địa nhất tại chợ Thị Nghè, nuối tiếc kể chuyện chỉ cách đây vài năm: khi vào mùa bắp cải có thể bán lẻ tại chỗ, bán sỉ cho các tiệm cơm, quán ăn được cả trăm ký mỗi ngày. Còn bây giờ, “lấy 30kg đến hết buổi sáng mới bán được 1/3”. Giá bắp cải vô mùa, còn vài ngàn đồng/kg, nhưng khách đi chợ ít người hào phóng mua cả bắp, hay cả ký lô, mà đa số chỉ mua vài trăm gram cho đủ một dĩa thức ăn.

Chợ Bàn Cờ, khoảng 9 giờ 30 – 10 giờ sáng, tại quầy chị Uyên, bà Lê Thị Phúc, người nấu ăn cho một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, đã giải thích lý do vì sao chỉ mua có 600g thịt thay vì 1kg như trước đây: “Giám đốc duyệt chi phần ăn cho mỗi người tăng từ 12.000 đồng (năm ngoái) lên 18.000 đồng (đầu năm nay). Nhưng với giá gas, dầu ăn, gia vị… đã tăng quá cao, tôi phải bớt phần thịt. Độn thêm vào món thịt kho là củ cải, măng hay tàu hũ mới đủ thức ăn, đủ tiền chợ”.

Điều đáng ngạc nhiên là sạp bún ở một số nơi lại bán khá tốt. Có sạp bán bún tăng thêm 10 – 20% trong vòng một tháng qua. Nhìn nhận về điều này, cả tiểu thương và ban quản lý một số chợ đã cho biết lý do: công nhân, người lao động chọn ăn bún như một cách tiết kiệm nhất. Vì bốn người có thể mua một ký bún 12.000 đồng, dằm chén nước mắm ớt, hay nấu nước canh vài quả cà chua tốn thêm chừng 5.000 đồng là được bữa no.

Bán tháo và thâm vốn

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc công ty quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, sức mua đang giảm sút rõ rệt. Điều này thể hiện qua lượng hàng về chợ vẫn ổn định ở khoảng 3.000 – 3.200 tấn/đêm, giá cả gần như không biến động, nhưng các sạp bán sỉ thường xảy ra tình trạng thừa cả tấn hàng, đến sáng phải bán đổ bán tháo.

Ông Đào Sỹ Long, phó ban quản lý chợ Tân Định băn khoăn: “Sức mua mỹ phẩm, thời trang, vải sợi… giảm đến 30 – 40% đã đành, ngành thực phẩm cũng giảm đến 20%, mà lại giảm toàn ở các loại cơ bản như thịt, cá, rau, củ…”

Bà Trương Thị Minh Phượng, phụ trách giá cả ở chợ Bà Chiểu, nhận xét: “Khách đi chợ vốn là người bình dân, người lao động làm công ăn lương thì trong bối cảnh mặt bằng giá chung đã tăng, họ là đối tượng buộc phải chắt chiu để không thiếu trước hụt sau. Họ vừa phải chọn hàng rẻ, vừa phải mua số lượng ít đi…”

Cùng quan điểm như bà Phượng, ông Huỳnh Thanh Trường, phó ban quản lý chợ Thị Nghè, cho rằng: “Khách đi chợ sau khi đã hết đường tiết kiệm thì buộc phải giảm nhu cầu căn bản nhất: cái ăn”.

Ông Trường kể: “Nhiều hôm thấy các sạp đến hết giờ họp chợ buổi sáng mà rau, cá, thịt vẫn còn đầy trên khay, tiểu thương phải đổ ra bán rẻ, tôi biết họ đang bị thâm vốn…”

Bích Nga
Theo SGTT

Từ khóa: