Sự kiện hot
12 năm trước

Người tình

Dantin - Mây là một cô gái có vẻ đẹp khó tả. Tất cả những người đàn ông từng gặp cô, dù chỉ một lần, đều xao xuyến và ao ước. Họ ao ước điều gì? Có thể là những chuyện mây mưa trăng gió, hẳn rồi, vì cô đẹp, nhưng mà cũng không hẳn chỉ có vậy, họ ao ước nhiều hơn thế, họ muốn trở thành người tình, người tri kỷ của cô, mãi mãi, suốt đời.

Dantin - Mây là một cô gái có vẻ đẹp khó tả. Tất cả những người đàn ông từng gặp cô, dù chỉ một lần, đều xao xuyến và ao ước. Họ ao ước điều gì? Có thể là những chuyện mây mưa trăng gió, hẳn rồi, vì cô đẹp, nhưng mà cũng không hẳn chỉ có vậy, họ ao ước nhiều hơn thế, họ muốn trở thành người tình, người tri kỷ của cô, mãi mãi, suốt đời. Bởi vì như đã nói, Mây có một vẻ đẹp khó tả, vẻ đẹp có thể khiến một nhà duy mỹ khó tính nhất cũng phải xiêu lòng.

Tú béo không phải một nhà duy mỹ, tất nhiên, bởi gã là một con buôn, và gã béo. Chẳng ai hình dung một nhà duy mỹ mà lại mang tư duy xôi thịt của một con buôn, và béo, phải vậy không? Ấy thế mà Tú béo lại có thiên hướng nghệ thuật. Gã sưu tầm tranh ảnh, nghe nhạc, chịu khó xem phim ảnh và đọc sách vở văn chương. Thậm chí, gã coi buôn bán cũng là một nghệ thuật. Cực đoan hơn, gã luôn tìm thấy cái đẹp trong mọi sự tồn tại của sự việc trên đời, ngay cả những sự tồn tại trớ trêu và những tình huống trân trối nhất. Với gã, Cái Đẹp phải được viết hoa, theo đúng phép tu từ.

Các bạn sẽ tự hỏi có gì liên quan giữa người đẹp tên Mây và gã con buôn xôi thịt ra vẻ yêu thích nghệ thuật kia? Xin hãy kiên nhẫn một chút, rồi tôi sẽ kể về lý do mà Tạo Hóa, trong một lúc nào đấy, vì buồn chán quá chả biết làm gì giết thời gian (dù thời gian cũng do chính ngài tạo ra), và thế là ngài đã nảy ra cái ý thích kỳ quặc mang tính thử nghiệm, đã sắp đặt cho họ gặp nhau.

Đó là một ngày không đẹp trời lắm, Tú béo có ý định đi mua một mớ tranh trang trí cho căn nhà mà gã mới xây xong, và gã nhớ đến tôi, một họa sĩ vô danh. Còn tôi, chưa bao giờ tôi nhớ đến gã, và cũng không thể nhớ đã quen gã trong trường hợp nào nữa. Gã hay giao du với văn nghệ sĩ, có thể tôi đã bắt tay gã trong một quán bia nào đó, tôi đã đưa danh thiếp cửa hàng tranh của tôi cho gã, có vậy thôi.

Cửa hàng của tôi bán tranh rẻ nhất thế giới, nơi mà người ta mua một cái khung tranh tôi khuyến mại thêm bức tranh, do tôi vẽ. Đúng hơn phải gọi nó là cửa hàng bán khung tranh. Lúc gã đến, như thường lệ, cửa hàng vắng teo. Tôi đang uể oải chép lại một bức tranh phong cảnh của Levitan cho khách hàng nào đó, bức “Mùa thu vàng”.

Gã bước vào cửa hàng nhỏ bé của tôi, mỉm cười. Tôi gật đầu chiếu lệ, mặc kệ gã đi loanh quanh ngắm nghía những bức tranh. Tôi gặp quá nhiều những vị khách đến xem tranh rất lâu, đưa ra những nhận xét lạ lùng, hoặc bâng quơ vòng vo những chuyện chả đâu vào đâu, rồi cuối cùng ngượng ngùng thú nhận rằng họ rất thích tranh của Levitan, và họ chỉ có chừng ấy tiền, liệu họ có thể sở hữu một bức “Mùa thu vàng” bằng sơn dầu, để treo ở phòng khách?

Tất nhiên là họ có thể, tôi sẽ trả lời, nó chỉ phụ thuộc vào kích cỡ khung tranh mà thôi. Tranh càng to càng tốn nguyên vật liệu. Tất nhiên vẽ cũng mỏi tay hơn, nhưng cái đó cũng chỉ là chuyện nhỏ. Tôi hầu như thuộc từng nét vẽ của ông họa sĩ này, thoạt nhìn có vẻ lộn xộn, nhưng chúng đều có quy luật, và suy cho cùng cũng rập khuôn cả thôi.

- Lại Levitan hả? – Gã hỏi bâng quơ, sau khi đi lướt một vòng.

- Vâng, Mùa thu vàng, bất tử… – Tôi ừ hữ đáp.

- Chú không nhận ra anh à?

- Anh là…

- Tú béo đây, anh là bạn của thằng X, không nhớ à?

- X nào nhỉ?

- X chuyên viết truyện khiêu dâm ấy.

- À vâng, nhà văn X. Lâu quá không gặp em quên mất, thế em giúp gì được bác đây?

- Anh vừa xây xong cái nhà, định kiếm mấy cái tranh treo lên tường cho nó đỡ trống. Tiên sư mấy thằng kiến trúc sư xỏ lá, cứ nhất định bắt anh phải treo tranh lên cho nhà nó sang. Nhà cũ anh còn đầy tranh, toàn tranh bọn họa sĩ đình đám bạn anh, nhưng nhà mới có khi nên treo tranh mới, anh nhớ ra chú, nên ghé qua tí xem sao.

Tôi ngừng vẽ quay sang. Gã cười hề hề, tay phất phất cái tấm danh thiếp của tôi. Vậy là đúng rồi, gã là một trong vô số những bợm nhậu, tổ chức vô số những cuộc nhậu, rồi trong lúc hứng chí khoe khoang vô số các mối quan hệ, nhắc tới giới nghệ sĩ liền bảo thằng nhà văn X họa sĩ Y ca sĩ Z tao lạ gì, để tao gọi phát cả lũ chúng nó đến ngay đây cho coi.

Thế là cực chẳng đã, chúng tôi, X Y Z, thường là có mặt lúc cuộc nhậu dở dang, sắp tàn, các bợm nhậu đã nói năng huyên thuyên líu cả lưỡi. Màn tiếp theo là chào hỏi, giới thiệu, xin số điện thoại và danh

thiếp, rồi cạn ly, và cuối cùng là cơn say. Sáng hôm sau tôi ngạc nhiên thấy trong túi áo mình một đống danh thiếp lạ hoắc.

Nhưng đôi khi những cuộc nhậu bất đắc dĩ ấy cũng có tác dụng, như trường hợp Tú béo này. Gã đang đứng đó, có vẻ nhiều tiền, và nhất là, có vẻ gã đang cơn dở người. Gã nói đến đám bạn gã là những tay họa sĩ đang nổi đình nổi đám, vừa như khoe khoang mà cũng đầy vẻ khinh bỉ. Gã tìm đến một họa sĩ vô danh như tôi để tiêu tiền, có thể lý do chỉ đơn giản là vì tôi không nổi tiếng. Tốt thôi, tôi sẽ bán tranh cho cơn dở người của gã.

- Anh thích tranh chân dung – Tú béo tuyên bố.

- Chân dung anh? Hay chân dung cả gia đình? – Tôi hỏi, bụng thầm lo không biết thằng điên này muốn gì, chỉ sợ nó đem hết ảnh gia đình đến bắt tôi vẽ truyền thần.

- Chân dung bất kỳ ai, chân dung chú, bạn bè chú, giới văn nghệ sĩ, diễn viên, tất tật. Nổi tiếng hay vô danh tiểu tốt không quan trọng. Anh yêu nghệ thuật, yêu cả những người làm nghệ thuật.

Tôi hơi bối rối, tôi ít vẽ tranh chân dung. Thi thoảng nếu có hứng thì vẽ xong chân dung ai tôi cũng liền tặng họ luôn.

- Vậy vẽ chân dung anh nhé – Cuối cùng tôi đề nghị.

- Nhưng anh cần nhiều tranh, nhà nhiều phòng lắm.

- Thì vẽ nhiều bức, như họa sĩ Thành Chương đó, cả đời ông ấy vẽ mỗi cái mặt mình đó thôi, hơi bị nổi tiếng.

- Anh lạ gì, chơi với nhau cả, nhà cũ của anh cũng có vài cái tranh hắn. Cứ hình dung về đến nhà nhìn thấy cái mặt mình treo lủng lẳng khắp nơi, kinh bỏ mẹ! Nhưng thôi được, anh đặt chú vẽ thử, nếu ổn thì tiếp tục, không thì thôi. Tiền bạc với anh không thành vấn đề, vấn đề là số lượng, chú hiểu không? Anh là con buôn, anh quen mua cả mớ.

Tôi phì cười với kiểu ăn nói của Tú béo, gã có vẻ dễ tính, dễ gần, và nhất là có vẻ sòng phẳng, theo kiểu con buôn. Đại gia à, được thôi, kể cả là đại gia súc tôi cũng chiều. Tôi đi pha trà mời gã, trong bụng bắt đầu nhẩm tính xem mình sẽ bán được bao nhiêu cái khung tranh. Đúng ra Tú béo nên trở thành một nghệ sĩ, còn tôi có lẽ nên đi buôn thì hơn. Cuộc đời xem ra thật là éo le nhỉ, chúng ta luôn nghĩ rằng mình đã bị đặt sai chỗ, hoặc là sai thời điểm.

Thế là từ hôm sau, những lúc rỗi rãi, gã ghé qua cửa hàng của tôi ngồi uống trà tán phét, làm mẫu cho tôi vẽ. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như mọi chuyện diễn ra theo trình tự thông thường, tôi bán được một mớ khung tranh, và ngay sau đó sẽ lãng quên đại gia Tú béo, rồi tôi sẽ tiếp tục vẽ những bức Mùa thu vàng, và cuối cùng, chắc chắn, tôi sẽ lãng quên nốt cuộc đời mình.

Nhưng cuộc đời, như tôi vừa nói đó, đầy éo le, đầy những giả thiết nếu như không thế này thì sẽ không thế kia. Nếu như Tú béo không lên cơn dở người ghé thăm cửa hàng của tôi, nếu như hôm đó tôi lại cũng lên cơn dở người mà đóng cửa hàng đi chơi, vì hôm đó trời không đẹp lắm, vì tôi thích thế, hoặc nếu không vì cả tỉ lý do vớ vẩn nào đó khác nữa… thì có lẽ tôi đã không kể lại câu chuyện dông dài này.

Một ngày, cũng trong lúc tôi đang lười biếng vẽ nốt bức Mùa thu vàng còn đang dang dở, một phụ nữ trẻ bước vào cửa hàng. Sự xuất hiện của cô ta cũng chẳng có ý nghĩa gì cho lắm, ngay cả khi tôi nhận ra cô ấy khá đẹp. Phụ nữ đến đây thường là để mua những bức tranh tĩnh vật xinh xắn tô điểm cho căn nhà của họ, đó là những căn nhà xinh xắn, mua bằng tiền của chồng cô ta, họ có những đứa con xinh xắn, tất nhiên rồi. Tôi rút ra một điều rằng những phụ nữ đi mua tranh thường là những phụ nữ hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống, với những ông chồng thành đạt. Tôi hay nghe họ nói rằng ông xã em thích tranh phong cảnh của Levitan, cũng thích tranh vẽ hoa, vẽ tĩnh vật, ông xã em bảo tùy em quyết định, cùng lắm thì đặt chép tranh Tô Ngọc Vân, cho nó lành.

Tôi liếc mắt nhìn, cô ta trông có vẻ sành điệu, quần áo túi xách hàng hiệu, nước hoa thoang thoảng, tóc búi cao, khoảng gần ba mươi. Có lẽ là cô ta đã có chồng, có thể là vài đứa con nữa, và đếch biết quái gì về hội họa hết. Không biết tự bao giờ, tôi mặc định trong đầu rằng tất cả những kẻ bước vào cái cửa hàng bé nhỏ của tôi, đều là những kẻ chả có tí hiểu biết gì về hội họa, gu thẩm mỹ thấp kém, trọc phú, đại gia súc, và vợ các đại gia súc cũng không là ngoại lệ, ngay cả khi họ rất đẹp. Bước chân vào cửa hàng của tôi đã là sai rồi.

Tôi kín đáo quan sát, cô ta lướt qua tranh phong cảnh, lướt qua tranh tĩnh vật, cũng không để ý gì đến tranh vẽ hoa lá. Cô ta tiến đến gần tôi, mỉm cười:

- Lại Mùa thu vàng hả anh? – Cô ta hỏi, vẻ hơi châm biếm.

- Ừ, kinh điển nhỉ, nhân dân thích thế – Tôi lạnh nhạt trả lời.

- Anh có gì hơn cho nhân dân không?

- Thế nhân dân muốn thứ gì?

Tôi quay sang nhìn cô ta, bắt gặp đôi mắt đang cười. Có lẽ tôi cáu nên đã hơi sẵng giọng, vẻ ngỡ ngàng bối rối thoáng trong đôi mắt cô ta. Vẻ tươi cười biến mất. Nhưng vẫn rất đẹp. Tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc.

- Xin lỗi em! – Tôi nói – Vẽ đi vẽ lại mãi bức tranh này, nó rồ cả người lên, hay cáu kỉnh lung tung. Thế anh giúp gì được cho em nào?

- Em không biết – Cô ta đáp – Em muốn một thứ gì đó đặc biệt, duy nhất, không phải hàng chợ, không phải tranh chép, nhưng cũng không quá cao siêu trừu tượng, một thứ gì đó phải phù hợp với riêng em, dành cho riêng em, hiểu em, như tri kỷ, hoặc chính là em. Nghe thì buồn cười, dở hơi, nhưng nhân dân muốn thế đấy. Anh có không?

- Hừm, khó nhỉ! – Tôi cười trừ, nghĩ bụng cô ta đang trêu mình trả đũa đây – Khó nhưng không phải là không có, vấn đề là…

- Vấn đề là giá cả chứ gì? – Cô ta ngắt lời – Anh cho xem hàng rồi nói giá, xem em có mua được không nào!

- Không phải, vấn đề là thứ tót vời đó anh chưa vẽ ra. Mà em có đủ tiền mua anh không?

- Xí, vậy mà cũng bày đặt – Cô ta nguýt tôi rồi ngó lơ khắp lượt những bức tranh trên tường. Ánh mắt cô ta dừng lại trước bức chân dung Tú béo tôi đang vẽ dở, để ở góc phòng. Cô ta tiến lại gần bức tranh.

- Cái gì đây? – Cô ta hỏi.

- Một bức tranh đang vẽ dở.

- Không lẽ nó là một bức tranh đã hoàn chỉnh? Trông ghê chết đi được, người hay ngợm thế?

- Mới là phác thảo thôi mà em. Hay là anh sẽ vẽ chân dung em nhé?

- Em cũng sẽ giống như thế kia sao? Còn lâu! – Cô ta nói rồi tung tẩy đi ra phía cửa, trước khi bước hẳn ra ngoài vỉa hè và biến mất, cô ta ngoái lại nhìn tôi, mỉm cười. Tôi nhớ nụ cười của cô ta khá lâu, nụ cười rất đẹp. Tôi lấy một tấm toan mới căng lên khung, và thử vẽ lại chân dung cô. Tôi cũng không rõ tôi định làm cái gì nữa. Có lúc nụ cười ấy hiện lên rõ nét, rồi lại tan biến, tôi không sao vẽ được, những đường nét mà tôi vẽ, ngày một xa lạ với tôi, như thể đôi tay và trí nhớ đã phản bội tôi.

Ngày hôm sau Tú béo đến ngồi làm mẫu, gã tò mò nhìn bức vẽ cô gái xa lạ của tôi, bức vẽ hầu như không còn ra hình thù gì nữa.

- Cái gì vậy? – Gã hỏi, không thể kìm được nỗi tò mò.

- Một cô gái.

- Tên cô ta là Mây…..

- Tại sao anh lại khẳng định là Mây?

- Vì mây không có hình dáng nào hết, hình dáng mây luôn thay đổi. Hồi bé anh hay ngắm những đám mây, tưởng tượng ra đủ mọi hình dáng nào anh thích. Một con ngựa, một đàn hạc trắng, con hổ, thỏ bông, cừu… Chú không vẽ được mây đâu. Rất đẹp, phải không?

- Anh nói cái gì đẹp?

- Cô gái.

- À, vâng, khá đẹp.

- Một vẻ đẹp kỳ lạ, khó tả.

- Vì sao anh biết? – Tôi kinh ngạc.

- Vì anh của chú là một thằng rất sát gái. Thế mà cũng phải hỏi.

Tôi cười trừ, tiếp tục công việc của mình. Tán chuyện với tay này cũng vui phết nhỉ, tôi nghĩ bụng, có lẽ mình đã nắm bắt được tính cách hắn.

Hôm sau nữa, bất ngờ cô gái quay lại.

- A, Mây! – Tôi thốt lên.

- Mây nào? – Cô ta ngạc nhiên.

- Có người gọi em là Mây.

- Ai cơ?

- Cái thứ ghê chết này chứ còn ai – Tôi chỉ vào bức vẽ Tú béo, nó đã khá hoàn chỉnh, bức chân dung một gã đàn ông đang cười nham nhở. Tôi khá hài lòng với bức vẽ.

- Cái thằng đểu này là ai vậy?

- Một khách hàng – Tôi nhún vai nói, rồi đi về góc phòng, lấy bức tranh phác thảo chân dung cô ta, tôi chìa nó ra – Còn đây là em.

- Đúng là giống một đám mây thật, lộn xộn chẳng ra cái hình thù gì! – Cô ta lắc đầu lè lưỡi nói, sau một hồi ngắm nghía, rồi bỗng dưng cười phá lên. Cô ta cười mãi, còn tôi thì không hiểu tại sao cô ta lại cười. Tôi nghĩ tôi có thể vẽ bất cứ cái gì, vẽ như thế nào, đó là công việc hàng ngày của tôi.

- Có gì đáng buồn cười chứ? – Tôi làu bàu, định xếp bức phác thảo vào xó nhà.

- Anh nghiêm túc đấy à? – Cô ta ngăn tôi lại.

- Tôi có vẻ đang đùa sao? – Tôi vặc lại.

- Ok, vậy em đặt anh vẽ bức này nhé?

- Mua tôi không rẻ đâu, tôi thích thì vẽ chơi, thế thôi.

- Anh biết em sẽ quay lại, đúng không?

- Tôi chưa lãng mạn đến thế.

- Nhưng anh vẫn cần người mẫu đấy chứ?

- Cũng tốt thôi! – Tôi nói – Tốt hơn là không có.

Cô ta lại mỉm cười, cái nụ cười chết tiệt ấy, khiến tôi không thể không mỉm cười theo.

***

Vậy là những ngày tiếp theo, cứ ngày chẵn Tú béo đến, ngày lẻ Mây đến, họ trở thành khách ruột của tôi. Họ đến, ngồi nói chuyện vu vơ, tán gẫu, đôi khi nói đến những điều to tát và mông lung. Tôi kể chuyện về Mây cho Tú béo nghe, rồi kể về Tú béo cho Mây nghe. Những bức vẽ ngày một nhiều.

Một ngày, tôi nhận ra họ đã yêu nhau, thông qua tôi, thông qua mô tả của tôi, qua những bức vẽ chân dung nữa. Ban đầu, ý niệm này còn mù mờ, nhưng nó dần rõ nét, một cách đáng ngờ. Khi nhận ra điều đó, tôi cảm thấy rất khó chịu, nhưng mặt khác lại cũng rất tự hào. Họ nói rằng qua những bức vẽ, qua lời kể của tôi, họ hình dung về người kia sống động hơn cả những thước phim, hơn cả thực tế, như thể tôi đã khái quát họ, cô đặc họ lại, thành một biểu tượng, rút gọn cuộc đời mông lung của họ lại vậy. Vâng, tất nhiên, tôi nói, đó là nghề của chàng.

Tôi như một bà đồng, sợi dây liên kết hai kẻ ở hai thế giới khác nhau lại. Tôi nói với họ những điều mà hôm trước kẻ kia nói với tôi. Trừ chủ nhật, tôi mới được sống cuộc sống của riêng tôi. Nhưng cứ nghĩ đến thứ hai, tôi phát ốm cả người. Thường thì Tú béo sẽ đến sớm, gã bồn chồn đi lại trên vỉa hè chờ tôi mở cửa. Hai ngày chờ đợi khiến gã không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Gã hỏi tôi rằng hôm thứ bảy Mây mặc áo màu gì, trông nàng ra sao? Nàng vui vẻ hay âu lo? Nàng hỏi gì về gã? Và rồi suốt cả ngày gã chỉ hỏi về nàng.

Tôi cũng không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Mặc dù biết có thể sẽ mất đi hai vị khách sộp, tôi thông báo rằng thứ sáu và thứ bảy tôi bận, tôi hẹn họ chủ nhật đến làm mẫu.

Tôi cũng không hiểu tại sao họ đã phải lòng nhau theo cách kỳ quặc như vậy, mà họ lại không thử tìm cách gặp nhau. Hay họ sợ mọi thứ không đẹp như tôi mô tả?

Tôi vẽ Mây rất đẹp, đơn giản là vì cô ấy vốn đã rất đẹp. Nhưng còn hơn thế nữa, tôi nghĩ chính tôi cũng đã yêu người mẫu của mình. Nó dày vò tôi ghê gớm, gần như ghen tuông, nhưng ngay cả điều đó cũng không thể khiến tôi ngừng vẽ nàng, không ngừng thêu dệt và vun đắp mối tình ảo của Tú béo và nàng. Tôi không hiểu vì sao tôi làm thế. Hay bởi mối tình đó quá đẹp, như một giấc mơ, và tôi sợ nó sẽ tan biến?

Tôi vẽ chân dung Tú béo, hắn hiện lên như một kẻ đểu cáng, nham nhở, thủ đoạn, có phần cay độc. Nhưng dù thế nào đi nữa, hình như tôi vẫn dành cho hắn một chút gì đó tốt đẹp, ẩn sau cái mặt nạ mà hắn phô ra.

Thôi được, chủ nhật này họ sẽ cùng đến.

***

Sáng chủ nhật đó, họ đến. Họ đứng sững trong cửa hàng, nhìn nhau không chớp mắt. Tôi thừa ra. Với hai kẻ đang phải lòng nhau, cả thế giới còn lại đều thừa ra hết.

- Đây là anh Tú béo – Tôi giới thiệu – Còn đây là nàng Mây…

- Biết rồi! – Tú béo ngắt lời tôi – Đó chính là vợ anh. Đã là, sẽ là…

Truyện ngắn của Đặng Thiều Quang

Từ khóa: