Sự kiện hot
3 năm trước

Nguồn cung giảm khiến giá gạo tăng cao

Nhu cầu mua gạo từ khách hàng Philippines tăng cao cùng với nguồn cung trong nước hạn hẹp, đang đẩy giá gạo trong nước tăng khá mạnh.

Ảnh minh họa

Thông thường, vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm là thời gian thu hoạch lúa của nông dân Philippines, để hỗ trợ người nông dân chính phủ nước này đã ra lệnh cấm nhập khẩu gạo.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có báo cáo cập nhật về ngành gạo, chúng tôi xin trích lược lại một số nội dung như sau:

Cập nhật ngành gạo 10 tháng năm 2020

Theo Tổng cục Hải quan, sau 10T2020, giá trị xuất khẩu gạo đạt 2.640 triệu USD, tăng 9,5% YoY. Trong đó, sản lượng giảm 2,8% YoY, xuống 5,4 triệu tấn và giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 12,7% YoY, đạt 493 USD/tấn.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Sản lượng xuất khẩu giảm nhẹ

Sản lượng gạo xuất khẩu giảm 2,8% YoY, xuống 5,4 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu sang Philippines (chiếm tỷ trọng 35%) đã giảm 4,3% YoY (đạt 1,86 triệu tấn) do quốc gia này chịu áp lực về việc gạo nhập khẩu sẽ tác động xấu đến giá lúa của người nông dân sở tại nên đã hủy bỏ kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo (Việt Nam trúng thầu một phần).

Ngoài ra, sản lượng xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà và Irắc cũng lần lượt giảm 22% YoY (xuống 401 ngàn tấn) và 67% YoY (xuống 90 ngàn tấn).

Ngược lại, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 54% YoY, lên 658 ngàn tấn do Trung Quốc lo ngại sản lượng gạo nội địa giảm 1,8 triệu tấn (do giảm diện tích đất trồng lúa) nên đã tăng cường nhập khẩu.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Giá bán tăng trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm

Giá gạo Thái Lan giảm do (1) nhu cầu gạo Thái giảm trong khi nguồn cung lúa tăng lên và (2) đồng Bath giảm giá.

Giá gạo Ấn Độ sau giai đoạn tăng từ tháng 7 đến giữa tháng 9 khi các nước Châu Phi tăng cường nhập khẩu gạo nước này nhằm dự trữ trong dịch Covid-19, sau đó đã giảm dần khi các nước Châu Phi giảm nhập do đã tích trữ đủ và đồng Rupee giảm giá.

Trong khi đó, giá gạo Việt Nam có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao khi nguồn cung sụt giảm trong ngắn hạn do đã kết thúc vụ thu hoạch lúa hè thu nhưng vì ngập lụt ở ĐBSCL đã làm chậm tiến độ thu hoạch vụ Thu Đông. Một nguyên nhân khác là thương hiệu gạo Việt đang dần được nâng tầm, nhờ nỗ lực giảm lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và gạo ST25 được công nhận “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Triển vọng ngành gạo năm 2021 – Nhiều khả năng sẽ có sự dịch chuyển sang sản xuất gạo “chuyên nghiệp”

Cơ hội đến từ các thị trường mới đòi hỏi chất lượng cao hơn

  • Liên minh Châu Âu EU: Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) giúp Việt Nam (chiếm 2,2% thị trường EU năm 2019) hưởng ưu đãi với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp Việt Nam xuất khẩu khoảng 100.000 tấn/năm). Đồng thời, EU cam kết đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm đối với sản phẩm gạo. Với việc gạo các nước Campuchia (thị phần 8,7%) và Myanmar (thị phần 22%) vẫn phải chịu thuế tuyệt đối 125 EUR/tấn trong năm 2021, tính cạnh trạnh của gạo Việt sẽ cao hơn. Trước EVFTA, Việt Nam chỉ xuất khẩu 50.000 tấn gạo (năm 2019) trong khi nhu cầu gạo ở Châu Âu ở mức 2,3 triệu tấn và phải chịu mức thuế 65-211 EUR/tấn.
  • Úc: Đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của Úc, dự kiến sản lượng niên vụ 2020-2021 chỉ ở mức 266.000 tấn, thấp hơn mức trung bình 629.000 tấn của giai đoạn 2008-2019. Việc thiếu hụt gạo buộc Chính phủ Úc tăng cường nhập khẩu và Việt Nam đang được xem xét như một đơn vị cung cấp khả thi.
  • Trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc, nước này đã đồng ý cung cấp hạn ngach 55.112 tấn đối với các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu.

Thách thức

  • Cạnh tranh từ Thái Lan và Ấn Độ: hạn hán đã kết thúc và lượng mưa lớn hiện đang giúp nền nông nghiệp Thái Lan phục hồi, cùng với việc ngành lúa gạo Ân Độ đang có một năm “bội thu” nên sản lượng xuất khẩu của cả hai nước dự kiến sẽ tăng thêm 1 triệu tấn trong năm 2021. Năm 2020, giá gạo Việt Nam tăng một phần đến từ việc nhu cầu gạo Việt tăng trong bối cảnh nguồn cung Thái Lan sụt giảm và gián đoạn xuất khẩu gạo Ấn Độ do thiếu hụt nguồn nhân lực. Vậy nên, khi hoạt động xuất khẩu của hai nước trên ổn định trở lại sẽ phần nào sẽ làm giá gạo Việt Nam sụt giảm.
  • Giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đã nhận thông báo về việc Bộ Nông nghiệp Philippines công bố dự thảo Thông tư về “Các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo”. Thông tư này nhằm siết chặt chất lượng gạo nhập khẩu, trong khi hoạt động sản xuất gạo của nước ta chưa thực sự “chuyên nghiệp”, nên các công ty nhỏ khó kịp thích nghi. Dự kiến, sản lượng xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ sụt giảm khi Chính phủ nước này thông qua Thông tư trên. Sản lượng thiếu hụt nhiều khả năng sẽ được Chính phủ Philippines bù đắp thông qua các nguồn cung gạo khác như Thái Lan, Cambodia và Myanmar.

VDSC đưa ra kết luận: Sụt giảm nguồn cung trong ngắn hạn của Việt Nam và Thái Lan là nguyên nhân chính giúp giá gạo Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, nhiều khả năng sản lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ sẽ tăng trưởng trong năm 2021, do đó VDSC lo ngại giá gạo Việt có thể giảm nhẹ. Thách thức đến từ việc Philippines siết chặt chất lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới đòi hỏi chất lượng cao như Châu Âu, Úc hay Hàn Quốc sẽ buộc các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất bài bản hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường. Hiện tại, Lộc Trời, Vinaseed và Trung An là những đơn vị sản xuất gạo “bài bản” nên nhiều khả năng tận dụng được nguồn cầu từ các thị trường mới.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: