Sự kiện hot
12 năm trước

Nguy cơ mất thị trường thép

Việc thép Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam với giá thành hấp dẫn khiến doanh nghiệp thép trong nước đứng trước nguy cơ đánh mất thị trường này vào tay Trung Quốc.

Việc thép Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam với giá thành hấp dẫn khiến doanh nghiệp thép trong nước đứng trước nguy cơ đánh mất thị trường này vào tay Trung Quốc.

Tại diễn đàn đối thoại doanh nghiệp (DN) thép do Hiệp hội Thép (VSA) tổ chức 27/7, VSA cho biết lượng thép tồn kho trong cuối tháng 6 tăng khoảng 15% so với các tháng đầu năm. Dự báo có khoảng 20% DN thép phá sản trong năm 2012.

“Chết” nhiều nhưng chưa công bố

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, cho biết tình hình sản xuất của các DN thép chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Điển hình như thép Thái Nguyên có tháng chỉ bán được 20.000 tấn, thậm chí có những DN có tháng chỉ tiêu thụ được 14.000 - 15.000 tấn.

Theo đại diện VSA, lượng tồn kho đã lên cao hơn mức bình thường. Có những DN cực kỳ khó khăn, 2 - 3 tháng không hề sản xuất. Cũng theo VSA,  tuy chưa công bố nhưng thực tế có 4 – 5 DN đã ngừng sản xuất, chạy nợ và không có tiền trả cho nhân công, còn tất cả các DN đang ở trong tình trạng chung là tiết giảm sản xuất.

Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát Trần Xuân Dương, con số phá sản phải lớn hơn 4 - 5 DN. Theo phân tích của ông Dương, nếu theo chuẩn về tài chính hoặc theo chuẩn về luật phá sản nước ngoài, thì con số DN phá sản khoảng 8 - 12. “Ở nước ngoài, khi DN không trả được nợ là đã lâm vào tình cảnh phá sản. Sau khi đã được cảnh báo phá sản trong thời gian nhất định, không giải quyết được tình trạng thì chính thức phá sản và phải tuyên bố phá sản. Nhưng ở Việt Nam, luật phá sản chưa rõ ràng nên chết rồi vẫn không được phá sản”, ông Dương nói.

Ông Dương cũng tỏ ra bi quan khi nhận định thị trường thép vẫn còn xấu trong nửa cuối năm 2012 và đến tận năm 2013 cũng không tươi sáng hơn. Hiện nay, dù thị trường thép dẹp vẫn tăng trưởng nhưng ông Dương cho rằng, xương sống của ngành thép là thép xây dựng, vì chiếm đến 3/4. Nhưng loại hàng này đã suy giảm trên 17%. “Thị trường 2013 còn tương đối xấu do công nghiệp và kinh tế xấu, đầu tư mới không nhiều, BĐS dự báo không phát triển, và gần như chúng ta chỉ cầm cự cho 6 tháng cuối năm và 2013”, ông Dương nói.

Thị trường thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Thua trên sân nhà

Trên thế giới, thị trường thép cũng rơi vào cảnh “chợ chiều”. Nhu cầu giảm sút trong khi sản lượng tăng lên, dẫn đến xuất khẩu thép thép sang Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt là Trung Quốc. Đầu năm 2012, nhập khẩu thép của Việt Nam tăng 15% so với 2011. Riêng thép Trung Quốc chiếm 31% tổng lượng nhập khẩu. “BĐS trong nước khó khăn, nhu cầu tiêu thụ kém và thừa nhiều, chỉ cần vài chục triệu tấn thép Trung Quốc xuất ra ngoài thì gây khó khăn cho tiêu thụ thế giới, trong đó có Việt Nam”, Tổng giám đốc công ty thép Hòa Phát lo lắng.

Ông Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, thép Trung Quốc nhập khẩu vào các tỉnh phía Nam 200.000 - 300.000 tấn, chủ yếu là thép dây. Khi nhập khẩu, người ta cho rằng loại thép này chứa 0,08% Bo, là nguyên liệu quý hiếm, là vi lượng, không thay đổi tính chất vật lý của sản phẩm và mác của sản phẩm... , nhưng ngành thép Trung Quốc sáng tạo ra loại thép gọi là thép hợp kim đó chính là loại vi lượng, để được miễn thuế và đẩy xuất khẩu ra nước ngoài. Ở Việt Nam, một số DN nhập khẩu thép đó nhưng lại bán ra với giá thép xây dựng, như vậy hai thuế đều 0% khiến cạnh tranh không lành mạnh, đòi hỏi cơ quan chức năng và hiệp hội thép phải có biện pháp can thiệp.

“Ban đầu họ xâm lấn bằng thép cuộn, sau sẽ là thép thanh, và những loại khác cũng sẽ tràn vào Việt Nam. Tôi cảnh báo nguy cơ thép của Trung Quốc tràn vào Việt Nam, cạnh tranh với DN trong nước. Vì thế, cần phải có biện pháp tự vệ trước lượng thép khổng lồ của Trung Quốc có thể tràn ra nước ngoài”, ông Dương nói.

Theo ông Huỳnh Trung Quang, Tổng giám đốc công ty thép Tây Đô, mặt hàng thép xây dựng đã giảm 16%, trong đó thép cuộn giảm nhiều nhất. Trong khi Việt Nam đang thực hiện theo WTO, các chính sách về thuế quan ngày càng kém tác dụng. Ông Quang băn khoăn: “Làm thế nào ngăn cản thép Trung Quốc vào Việt Nam khi mà họ quá thừa thép?”.

Mạnh ai nấy đi là chết

"Thời điểm này dù cho giảm giá chưa chắc đã có người mua. Họ sẽ nghe ngóng, chờ đợi giá giảm tiếp. Vì vậy, chúng ta phải phối hợp, mà VSA là trung tâm để giữ thị trường, nếu có xuống giá thì phải nghe ngóng, cùng phối hợp để đưa mức giá phù hợp. Lúc này các DN mà tách ra, mạnh ai nấy đi sẽ không giải quyết được khó khăn”. (Ông Nguyễn Trọng Khôi - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam).

Theo Datviet

Từ khóa: