Sự kiện hot
8 năm trước

Nhà ở xã hội trước "giờ G"

Điều khiến hàng nghìn người đang có nhu cầu vay mua nhà ở xã hội lo lắng là cho đến nay vẫn chưa có thông tin về gói vay ưu đãi nào thay thế gói 30.000 nghìn tỷ, trong khi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đứng ngồi không yên.


Một dự án nhà ở xã hội

 

Chủ đầu tư "lách" luật

Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh thông tin gói vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/6/2016. Cùng với đó, khách hàng đã ký hợp đồng vay vốn nhưng giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ phải chịu lãi suất vay thương mại.

Số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, gói 30.000 tỷ đã "tiêu” hết 90% nhưng đây mới là con số "cam kết giải ngân". Thực tế, số tiền chi trả cho người vay và doanh nghiệp hiện mới khoảng 60% của gói 30.000 tỷ đồng. Như vậy, sẽ có hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng giải ngân sau ngày 1/6/2016 không được hưởng ưu đãi mặc dù vẫn cùng một gói vay.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, không thể gia hạn giải ngân bởi gói 30.000 tỷ đồng chỉ là chương trình hỗ trợ mang tính tạm thời, được đưa ra nhằm khơi thông thị trường bất động sản đang đóng băng.

Đứng trước nguy cơ phải gánh lãi suất cao từ một gói vay mang danh nghĩa ưu đãi, nhiều khách hàng chót ký hợp đồng vay trước 1/6/2016 nhưng chưa được giải ngân hết đã hối thúc chủ đầu tư “làm việc” với ngân hàng để tăng tiến độ giải ngân. Theo đó, chủ đầu tư và ngân hàng sẽ lách luật bằng cách ra thông báo đóng tiền trước thời hạn. Từ đó, ngân hàng sẽ giải ngân một lần đến 70% tổng giá trị khoản vay.

Theo tìm hiểu của PV tại một dự án nhà ở xã hội, hiện dự án này mới chỉ xây xong móng nhưng đã có nhiều khách hàng đến hỏi thông tin về gói 30.000 tỷ. Nhân viên dự án cho biết gói 30.000 tỷ vẫn giải ngân bình thường trước 1/6/2016, và chủ đầu tư đã làm việc với ngân hàng để giải ngân cho khách mua nhà tới 50% khoản vay trước thời điểm này. Khoản vay giải ngân sau 1/6/2016 có thể được hưởng lãi suất từ gói vay ưu đãi khác hoặc lãi suất thỏa thuận. Nhân viên dự án cho rằng với khoản giải ngân sau thời điểm 1/6 nếu trả lãi suất thương mại thì khách vay cũng có thể “chịu” được.

Tuy nhiên, khả năng trên chỉ xảy ra với những chủ đầu tư uy tín, xây nhà đúng tiến độ. Nhiều chuyên gia cảnh báo những rủi ro khi khách hàng chấp nhận giải ngân trước tiến độ nhưng sau đó chủ đầu tư mang tiền đi làm việc khác mà không xây nhà. Đó là chưa kể khách hàng sẽ phải chịu lãi suất của khoản tiền giải ngân trước tiến độ và những rủi ro pháp lý khác.

Bao giờ có gói vay thay thế?

Trên thực tế, những khách hàng chưa ký hợp đồng mua nhà mới chỉ có động thái tìm hiểu, chứ ít người mạo hiểm xuống tiền mua nhà xã hội ở thời điểm nhạy cảm này. Điều đó khiến cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa hoàn thiện đứng ngồi không yên. Không chỉ vì khoản vay đầu tư xây nhà phải chịu lãi suất thị trường sau 1/6, mà còn bởi lẽ khi ra hàng sẽ rất khó bán vì người mua còn đang chờ đợi gói vay ưu đãi mới cho nhà ở xã hội.

Vào thời điểm cuối tháng 7/2015, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau thời gian gói 30000 tỷ kết thúc, theo quy định của Luật Nhà ở hiện nay, các chính sách nhà ở xã hội sẽ tiếp tục thực hiện và được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội và NHNN cũng phải có quy định các ngân hàng thương mại dành ra một tỷ lệ tín dụng phù hợp để cho vay đối với nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, gói 30.000 tỷ đồng kết thúc không có nghĩa là người thu nhập thấp hết cơ hội vay mua nhà giá rẻ. "Gói 30.000 tỷ chỉ mang tính tình thế, giải pháp dài hơi là người thu nhập thấp có thể vay mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. NHNN đã có hướng dẫn cụ thể cho 4 ngân hàng lớn đứng ra cho vay các trường hợp này rồi", ông Đông nói.

Thông tin này cũng phần nào khiến những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội bớt lo lắng. Tuy nhiên, khi thời điểm gói tín dụng 30.000 tỷ chỉ còn hơn 2 tháng là kết thúc, hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc tiếp tục cho vay nhà ở xã hội ra sao.

Mặc dù đại diện NHNN đã trấn an người dân, nhưng có lẽ sẽ có sức thuyết phục hơn nếu như trước thời điểm gói 30.000 tỷ kết thúc Nhà nước công bố gói vay mới. Điều kiện, thủ tục vay có khác gì với gói 30.000 tỷ hay không. Khi đó, người mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư và ngân hàng cũng sẽ yên tâm và không có chuyện lách luật để “chạy” gói vay ưu đãi trước giờ “G” như dư luận phản ánh những ngày vừa qua.

Bảo Nam
theo Công lý

Từ khóa: