Sự kiện hot
3 năm trước

Nhân viên ngân hàng nào tạo lợi nhuận tốt nhất trong 9 tháng đầu năm?

Techcombank và Vietcombank bỏ xa các ngân hàng khác về khả năng tạo lợi nhuận của nhân viên với năng suất bình quân đạt lần lượt 105,3 triệu đồng/người/tháng và 90,2 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi nhân viên Techcombank kiếm về gần 950 triệu đồng lợi nhuận

Theo số liệu thống kể từ báo cáo tài chính quí III/2020 của 27 ngân hàng, trong 9 tháng đầu năm, bình quân mỗi nhân viên ngân hàng tạo ra hơn 363 triệu đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương khoảng 40 triệu đồng/tháng, tăng 1,5% so với cùng kì 2019.

Trong đó, nhân viên Techcombank tiếp tục đứng đầu về khả năng kiếm tiền. Với 11.444 nhân sự, ngân hàng thu về 10.711 tỉ đồng lợi nhuận, tương đương mỗi nhân viên tạo ra khoảng 105 triệu đồng/tháng, tăng 9,5% so với cùng kì 2019.

Xếp vị trí thứ hai về hiệu suất nhân viên thuộc về Vietcombank. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, nhà băng này báo lãi trước thuế 15.965 tỉ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, do qui mô nhân viên lớn, lên đến 20.370 người (tăng 1.422 nhân sự so với đầu năm), bình quân mỗi nhân viên Vietcombank tạo ra hơn 90 triệu đồng/tháng, giảm 17%.

Thấp hơn nhiều so với hai ngân hàng trên, bình quân mỗi nhân viên MB đem về 59,6 triệu đồng/tháng, tăng 9,7% so với cùng kì 2019. 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế của MB đạt 8.134 tỉ đồng trong khi số lượng nhân sự giảm từ 15.691 người xuống 14.620 người.

Xếp các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về VIB (57 triệu đồng/tháng), ACB (51,1 triệu đồng/tháng) và TPBank (50,8 triệu đồng/tháng).

Nhân viên ngân hàng nào kiếm tiền tốt nhất trong 9 tháng đầu năm? - Ảnh 2.

Ảnh: Lê Huy tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, SCB đứng cuối cùng về hiệu suất của nhân viên, với lợi nhuận trước thuế trên mỗi nhân viên chỉ rơi vào khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, hiệu suất nhân viên thấp do ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng, với hơn 1.963 tỉ đồng (chiếm gần 95% lãi thuần), qua đó kéo lợi nhuận giảm sâu. Nếu loại bỏ ảnh hưởng của chi phí dự phòng rủi ro, trong ba quí đầu năm, mỗi nhân viên ngân hàng SCB đem về khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Tương tự tại NCB, bình quân mỗi nhân viên nhà băng này chỉ tạo ra hơn 1,7 triệu đồng/tháng. Điều này chủ yếu do NCB đã chi 300 tỉ đồng cho việc xử lí theo đề án tái cấu trúc. Tính theo lãi thuần, mỗi nhân viên ngân hàng đem về khoảng 21,8 triệu đồng/tháng.

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ BÌNH QUÂN MỖI NHÂN VIÊN TẠO RA  
(9 THÁNG ĐẦU NĂM 2020)

Nhân viên ngân hàng nào kiếm tiền tốt nhất trong 9 tháng đầu năm? - Ảnh 3.

Ảnh: Lê Huy tổng hợp từ BCTC các ngân hàng.

Việc tính toán năng suất lao động dựa trên lợi nhuận mang tính tham khảo bởi cấu trúc lợi nhuận của các ngân hàng không giống nhau về cơ cấu nguồn thu, chi phí cho nhân viên, chi phí quản lí... Bên cạnh đó, ảnh hưởng ngày càng tăng của chi phí dự phòng khiến cách tính này bị chi phối nhiều bởi chiến lược của mỗi ngân hàng.

Ví dụ, xét trên góc độ tổng thu nhập hoạt động, số tiền mỗi nhân viên Vietcombank tạo ra 195 triệu đồng/tháng, trong khi đó con số này của nhân viên Techcombank chỉ là 189 triệu đồng. Tuy nhiên khi tính theo lợi nhuận trước thuế, năng suất của Techcombank lại cao hơn nhiều so với Vietcombank nhờ giảm được chi phí hoạt động (tỉ lệ chi phí hoạt động/doanh thu (CIR) trong 9 tháng đầu năm là 29,5%, thấp hơn mức 33,6% của cùng kì 2019 và 39,5% của Vietcombank).

Ngoài ra, lợi nhuận của các ngân hàng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như qui mô, hệ thống mạng lưới, giá trị thương hiệu và khả năng áp dụng công nghệ,...

Năng suất nhân viên ngân hàng sẽ được cải thiện

Trong thời gian gần đây, nguồn thu của các ngân hàng đang có xu hướng dịch chuyển từ hoạt động tín dụng sang các hoạt động khác như dịch vụ, ngoại hối, kinh doanh chứng khoán... Điều này được thể hiện quả kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khi tỉ trọng thu nhập ngoài lãi 27 ngân hàng đã tăng lên 24,2% từ mức 22,3% của cùng kì 2019.

Theo giới phân tích, mảng hoạt động phi tín dụng được chú trọng nhờ rủi ro thấp, biên lợi nhuận lớn và ít phụ thuộc vào số lượng nhân viên. Đây là yếu tố giúp năng suất lao động của nhân viên tăng trưởng ổn định.

Tầm quan trọng của các nguồn thu ngoài lãi càng được thể hiện rõ trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tới cả nền kinh tế khiến nhu cầu tín dụng giảm sốc. Đồng thời, chất lượng tín dụng của các ngân hàng cũng đang đi xuống, làm gia tăng chí phí dự phòng rủi ro.

Bên cạnh đó, làn sóng chuyển đổi số cũng sẽ giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu chi phí. 

Theo nhận định của Công ty Kiểm toán Ernst & Young, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, các công cụ kĩ thuật số có thể giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí, duy trì hoạt động liên tục trong thời gian khó khăn. 

Đồng thời, khi ngân hàng thực hiện số hóa qui trình nghiệp vụ để thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và thị trường, thì chi phí hoạt động của ngân hàng cũng được cắt giảm, chuyển đổi số lúc này tạo ra giá trị gia tăng cho ngân hàng.

Lê Huy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: