Sự kiện hot
6 năm trước

Nhiều cổ phiếu liên tục lập đỉnh lịch sử ngay đầu năm 2018, tài sản đại gia tăng thêm hàng trăm triệu USD

Ngay những tuần đầu tiên của năm 2018, hàng loạt cổ phiếu liên tục vượt đỉnh giúp cho thị trường chứng khoán thăng hoa với vốn hóa lên chục tỷ USD. Đặc biệt là nhóm những cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VRE, VJC hay VCB, PLX... Theo đó, Việt Nam xuất hiện tỷ phú USD thứ ba, tài sản các đại gia nhanh chóng tăng thêm hàng trăm triệu USD.

Chỉ sau ba tuần đầu tiên năm 2018 ghi nhận một loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn liên tục xác lập các đỉnh lịch sử mới (theo giá điều chỉnh).

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1/2018, VN-Index đạt 1.062,07 điểm. Mặc dù đã có những thời điểm thị trường rung lắc mạnh nhưng dưới sự đóng góp tích cực của những cổ phiếu trên đã giúp thị trường giữ vững xu hướng tích cực.

Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm 2017 đến nay (nguồn: VNDirect)

VJC, PLX lập đỉnh, lọt rổ VN30

Phiên 19/1, VJC tăng trần và lập đỉnh lịch sử tại 175.300 đồng/cp. Tăng thần tốc 130% từ thời điểm chào sàn vào đầu năm 2017, VJC đẩy vốn hóa lên 79.120 tỷ đồng (tương đương gần 3,5 tỷ USD) và cao hơn "gã khổng lồ" Vietnam Airlines (HVN) hiện có giá trị vốn hóa 69.600 tỷ đồng (gần 3,1 tỷ USD).

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VJC, nữ tỷ phú USD hiện nắm giữ gần 12,3% vốn tại VJC, ước tính tổng tài sản tính theo thị giá VJC là hơn 9.700 tỷ đồng (tương ứng hơn 427 triệu USD). Ngoài nắm giữ cổ phần tại VJC, bà Thảo còn là cổ đông của một số tổ chức khác Sovico Holdings và HDBank, tổng giá trị tài sản của bà Thảo nhanh chóng tăng lên 3,1 tỷ USD theo Forbes.

Nguồn: Forbes

Tương tự VJC khi cùng lên sàn vào đầu năm 2017, kết phiên 19/1/2018 PLX đạt đỉnh 91.900 đồng/cp, vốn hóa lên gần 106.500 tỷ đồng (gần 4,7 tỷ USD) và nằm trong top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao nhất trên HOSE đồng thời là top 7 cổ phiếu có giá trị vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng cũng trên HOSE.

Diễn biến cổ phiếu VJC và PLX kể từ khi niêm yết đến nay. (Nguồn: VNDirect).

Cả hai mã này đều lọt vào danh mục chỉ số VN30 hiệu lực từ 22/1 - 20/7/2018 cho kỳ 1/2018 với tỷ lệ Free-float lần lượt là 10% và 50%.

VIC, VRE song hành vượt đỉnh đưa tỷ phú Phạm Nhật Vượng vững chắc vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

VRE đạt đỉnh vào ngày 19/1 ở mức giá 61.000 đồng/cp. Khác đôi chút, VIC dù giảm từ đỉnh giá ngày 15/1 tại 87.600 đồng/cp, khi kết phiên 19/1 đạt 84.000 đồng/cp nhưng thời gian qua cũng ghi nhận là quãng thời gian thăng hoa nhất của VIC kể từ khi niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa của bộ đôi này lên tới 337.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 14,85 tỷ USD).

Diễn biến cổ phiếu VIC và VRE kể từ khi niêm yết đến nay. (Nguồn: VNDirect).

Với sự thăng hoa của bô đôi VIC và VRE, tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vương theo dữ liệu của Forbes đạt 4,7 tỷ USD, giữ chắc ngôi vị là người giàu nhất Việt Nam và xếp thứ 461 những người giàu nhất hành tinh.

Nguồn: Forbes

PNJ, VCB không ngừng vượt đỉnh, lợi nhuận 2017 tăng mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, PNJ đạt 143.000 đồng/cp và trở thành mức giá cao nhất của cổ phiếu này từ trước đến nay. Giá trị vốn hóa tại thời điểm này đạt gần 15.500 tỷ đồng (khoảng 680 triệu USD).

Tính từ đầu năm 2017, PNJ tăng tới 120%. Đi kèm với thì giá cổ phiếu tăng mạnh thì năm 2017 vừa qua cũng là năm thành công lớn của PNJ về hoạt động kinh doanh của mình. Khai trương mới 54 cửa hàng trên toàn quốc, đưa quy mô tổng tài sản đạt gần 4.500 tỷ đồng và tăng 25,2% so với đầu năm.

Lãi ròng đạt 725,6 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ và vượt 14,4% kế hoạch. Tính riêng quý IV/2017, lãi ròng gần 222 tỷ đồng và tăng 134,2% so với quý IV năm trước.

Diễn biến cổ phiếu PNJ kể từ khi niêm yết đến nay. (Nguồn: VNDirect).

Với VCB, kết thúc phiên giao dịch 19/1 đạt 61.000 đồng/cp và cũng đạt đỉnh giá tại phiên giao dịch này. Giá trị vốn hóa gần 219.500 tỷ đồng (tương ứng gần 9,7 tỷ USD) và là ngân hàng có giá trị vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán, thậm chí cao hơn cả tổng giá trị vốn hóa của hai ông lớn cùng ngành là CTG và BID.

Năm 2017, lợi nhuận trước thuế trước dự phòng rủi ro hơn 17.200 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2016 và vượt 11% kế hoạch năm.

Sau khi trừ dự phòng, lợi nhuận trước thuế hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016 và vượt 16% kế hoạch 2017 đồng thời cũng là lợi nhuận cao nhất của một ngân hàng tại Việt Nam đạt được tính tới thời điểm này.

Diễn biến cổ phiếu VCB kể từ khi niêm yết đến nay. (Nguồn: VNDirect).

MSN tăng tốc từ nửa cuối năm 2017, đưa chủ tịch Nguyễn Đăng Quang trở thành tỷ phú USD

Tuy có nhiều phiên giảm trong tuần từ 15-19/1 nhưng xét chung trong 6 tháng qua, MSN liên tiếp leo lên đỉnh giá mới và tăng hơn 100%. Giá trị vốn hóa thời điểm hiện tại của MSN hơn 91.650 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD), lọt top 10 giá trị vốn hóa trên HOSE.

Đáng chú ý, giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm người sáng lập MSN đã tăng lên 1,2 tỷ USD theo số liệu của Bloomberg Billionaires Index và trở thành tỷ phú USD thứ ba tại Việt Nam. Được biết, Ông Quang là cổ đông chính của của Masan Corp công ty đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của MSN.

Trước khi tăng mạnh, MSN đã có thời gian gặp khó khăn liên quan đến việc giá heo tuột dốc không phanh nguyên nhân từ việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu heo từ Việt Nam. Thời gian sau đó, giá heo phục hồi trở lại và kéo theo kì vọng của giới đầu tư vào MSN.

Thị giá cổ phiếu tăng gấp đôi, HPG lập kỉ lục sản lượng, đứng đầu thị phần trong nước

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/1, HPG leo lên đỉnh giá mới của mình tại 59.700 đồng/cp, giá trị vốn hóa đạt hơn 90.550 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD). Ở mốc vốn hóa này, HPG đang ở rất gần với top 10 giá trị vốn trên HOSE khi chỉ xếp ngay sau MSN.

Ghi nhận HPG tăng hơn 117% chỉ trong vòng một năm qua. Đi đôi với tăng trưởng thị giá cổ phiếu thì năm 2017, HPG tiếp tục giữ vững thị phần về ngành thép ở vị trí thứ nhất.

Kết thúc năm 2017, HPG cho biết đã xác lập kỷ lục kinh doanh cao nhất từ trước đến nay với 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016. Trong đó, thép xây dựng chiếm 2,2 triệu tấn, ống thép đóng góp 600.000 tấn và còn lại là tôn mạ kẽm. Đây là lần đầu tiên thép xây dựng của HPG vượt mốc 2 triệu tấn/năm, tăng trưởng 20% so với năm 2016 và vượt gần 10% kế hoạch năm 2017.

Liên tục lập đỉnh, vốn hóa NVL vượt mốc 50.000 tỷ đồng

Liên tục vượt đỉnh ngay những ngày đầu năm 2018, NVL hiện đang ở mức giá đỉnh tại 80.600 đồng/cp kết phiên ngày 19/1. Giá trị vốn hóa vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng và đạt hơn 51.810 tỷ đồng (gần 2,3 tỷ USD) và đang là doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa hàng đầu trên thị trường chứng khoán.

Ghi nhận phải mất 8 tháng cổ phiếu này mới vượt được đỉnh giá cũ khi có một thời gian dài tuột dốc đến cuối năm 2017.

Diễn biến cổ phiếu NVL kể từ khi niêm yết đến nay. (Nguồn: VNDirect).

Là chủ tịch HĐQT của công ty, ông Bùi Thành Nhơn đang là cổ đông cá nhân lớn nhất tại NVL với gần 22,7% vốn. Tổng giá trị tài sản ước tính theo cổ phần tại NVL của ông Nhơn đã lên tới gần 11.750 tỷ đồng (hơn nửa tỷ USD).

Thời gian qua, NVL đã thực hiện huy động vốn liên tục. Gần đây nhất, NVL dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu ưu đãi tăng vốn điều lệ lên gần 7.300 tỷ đồng. Trước đó vào đầu năm 2018, NVL đã thực hiện phân phối 20 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, cán bộ công ty với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng.

Minh Đăng
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: