Sự kiện hot
12 năm trước

Nhiều khuyến mãi cho doanh nghiệp vay vốn rẻ

Sau một thời gian dài lãi suất cho vay ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp “sống dở, chết dở,” đến thời điểm này đa số các ngân hàng đã giảm các khoản vay cũ và mới xuống, thậm chí có những khoản vay chỉ còn 9%/năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Sau một thời gian dài lãi suất cho vay ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp “sống dở, chết dở,” đến thời điểm này đa số các ngân hàng đã giảm các khoản vay cũ và mới xuống, thậm chí có những khoản vay chỉ còn 9%/năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Gói lãi suất được cho là hấp dẫn mới đây là của Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank). Theo đó, từ tháng 8/2012, Maritime Bank chính thức triển khai sản phẩm tài trợ nhập khẩu MFloat với hạn mức 5.000 tỷ đồng lãi suất cho vay cố định ưu đãi 7%/năm và tối đa không quá 9%/năm.

Đây là sản phẩm tín dụng kết hợp hai khoản vay với lãi suất ưu đãi và lãi suất thông thường được Maritime Bank thiết kế dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn tại Maritime Bank.

Lãnh đạo Maritime Bank cho biết, lãi suất ưu đãi các doanh nghiệp được hưởng gồm lãi suất cố định và lãi suất bổ sung, trong đó lãi suất cố định được thanh toán bằng VND hàng tháng vào ngày cuối cùng của kỳ tính lãi và lãi suất bổ sung được thanh toán bằng VND vào cuối thời gian cấp tín dụng hoặc ngày tất toán khoản vay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản khi vay vốn tại Maritime Bank còn được hưởng ưu đãi về tỷ giá USD/VND. Theo đó, khi tính lãi suất bổ sung Maritime Bank lấy tỷ giá USD/VND bằng tỷ giá bình quân giữa giá BID và ASK (giá mua và giá bán). Bên cạnh đó, lãi suất bổ sung của doanh nghiệp cũng có thể âm và được Maritime Bank trả lại tiền nếu tỷ giá USD/VND tại thời điểm trả nợ giảm so với tại thời điểm nhận nợ. Sử dụng sản phẩm tài trợ nhập khẩu MFloat, khách hàng còn có thể trả nợ trước hạn khi có điều kiện. Đây là điều khoản ưu đãi đặc biệt chỉ có tại Maritime Bank.

Cuối tháng Sáu vừa qua, một gói lãi suất khác của Eximbank cũng có sản phẩm tương tự đã gây xôn xao dư luận, đó là chương trình cho vay với lãi suất 7% có bảo hiểm tỷ giá.

Ngay sau thông tin trên, thị trường xuất hiện một số ý kiến hoài nghi, dè chừng tính hiệu quả của chương trình này, thậm chí cả những ý kiến phản bác về sự “lách luật” của ngân hàng, hay giá trị doanh nghiệp vay vốn là khó được như thực tế giới thiệu, trong khi ngân hàng hưởng lợi vì chuyển đổi vốn…

Nguyên do, mức lãi suất cho vay VND nói trên chỉ 7%/năm, quá thấp so với các mức phổ biến mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng, thấp hơn cả mức lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.

Hơn nữa, một số ý kiến cho rằng với sự tham chiếu biến động tỷ giá USD/VND, rủi ro đối với khách hàng là cần đề phòng, bởi nếu tỷ giá từ nay đến cuối năm tăng 3% thì lãi suất họ phải thực trả lên đến 13,5%/năm; thậm chí có ý kiến còn cảnh báo ở mức tăng tới 9,3% của tỷ giá từng xảy ra hồi tháng 2/2011.

Tuy nhiên, tính đến hết ngày 27/7, sau hơn một tháng triển khai, gói 7%/năm nói trên đã giải ngân tổng 5.664 tỷ đồng cho hơn 600 khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.

Ngân hàng này cũng vừa triển khai một gói sản phẩm tương tự, bước đầu có giá trị 5.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay 10%/năm có bảo hiểm tỷ giá, được giải thích là “nhằm giúp các khách hàng yên tâm hơn nữa khi sử dụng sản phẩm.”

Ngoài hai ngân hàng trên, một số ngân hàng khác cũng đã tung ra những chương trình tín dụng với lãi suất thấp như Vietcombank, VietinBank, VIB, ACB. VIB vừa triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất từ 11,5%/năm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh; VPBank cũng đã dành 2.000 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất thấp hơn 2%/năm so với mức lãi suất thông thường…

Chính ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, thời gian qua, một số chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đã được Vietcombank tích cực triển khai. Đến thời điểm này ngân hàng đã giải ngân được gần 67.000 tỷ đồng. Hiện lãi suất cho vay của Ngân hàng chỉ ở mức 12 - 13%/năm, thậm chí có một số trường hợp là 10 - 11%/năm.

Tuy nhiên, hiện đang có nghịch lý trớ trêu, người đói vốn thì không thể vay hoặc không muốn vay, người thừa vốn lại không tìm được khách hàng. Lý do được đưa ra là dù lãi suất cho vay cũ, lãi suất cho vay mới đều đang giảm nhưng một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá thờ ơ. Trong đó, có những doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vì đang phải loay hoay, vật lộn với những khoản nợ cũ; số khác lại không mấy mặn vì gặp khó trong kế hoạch kinh doanh do kinh tế suy giảm.

Những lý do này được ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc VietinBank giải thích: “Dù mở cửa cho vay, nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo an toàn vốn. Khách hàng phải chứng minh được các nguồn chi trả và vẫn cần phải có tài sản đảm bảo.”

Theo Vietnam+

Từ khóa: