Sự kiện hot
12 năm trước

Nhiều ngân hàng được xếp vào nhóm 1 và 2

Các ngân hàng nhóm 1 và nhóm 2 đã nhanh chóng công bố, chỉ còn các ngân hàng nhóm 3 và nhóm 4 là chưa được lộ diện.

Các ngân hàng nhóm 1 và nhóm 2 đã nhanh chóng công bố, chỉ còn các ngân hàng nhóm 3 và nhóm 4 là chưa được lộ diện.

ABBank được xếp vào nhóm 2, được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%

Đầu tuần này, một số ngân hàng cho biết đã nhận được Công văn số 729/NHNN-CSTT của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, NHNN thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của Maritime Bank, SeABank, VIB năm 2012 là 17% (nhóm 1). Đồng thời, các ngân hàng trong nhóm 2 lộ diện là VPBank, BaoViet Bank, OCB, NamA Bank, Kienlong Bank, ABBank và một vài công ty tài chính, nhận được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Mặc dù chưa công bố chính thức mình thuộc nhóm nào, nhưng hầu hết ngân hàng thương mại có gốc quốc doanh và một số ngân hàng thương mại lớn “bình chân như vại” trước sự kiện này. Danh tính các ngân hàng thuộc nhóm 3 (chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 8%) cũng đã xuất hiện lác đác dưới dạng âm thầm truyền tin cho nhau. Còn ngân hàng thuộc nhóm 4 (không được tăng trưởng tín dụng) hiện vẫn là một ẩn số.

Nhìn nhận về việc phân nhóm các ngân hàng với những chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khác nhau cho năm 2012, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Bộ phận kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam cho rằng, việc này là hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Đây là một bước tiến so với việc áp một chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng duy nhất cho tất cả các ngân hàng trong năm 2011, từ ngân hàng yếu kém đến ngân hàng mạnh, từ ngân hàng nhỏ đến ngân hàng lớn. Do vậy, chất lượng tín dụng của toàn hệ thống sẽ được cải thiện, bởi chỉ có doanh nghiệp và dự án có hiệu quả mới tiếp cận được vốn từ ngân hàng và điều này sẽ gián tiếp giúp giảm áp lực lạm phát.

Theo ông Hải, việc đưa ra một chuẩn mực chung để xác định các ngân hàng thuộc nhóm nào là hết sức cần thiết, nhưng việc này đòi hỏi chất lượng số liệu của các ngân hàng phải ở mức cao. Tất cả các ngân hàng phải theo chuẩn mực phân loại nợ tín dụng thống nhất và nghiêm minh, hệ thống thông tin chuẩn xác và minh bạch. Bất kỳ ngân hàng nào “xào nấu” sổ sách để làm đẹp bảng tổng kết tài sản và giảm tỷ lệ nợ khó đòi sẽ phải chịu sự xử lý mạnh tay của NHNN.

“Trên thực tế, vẫn còn tình trạng ngân hàng sử dụng các biện pháp khác nhau để làm giảm tỷ lệ nợ xấu và làm đẹp sổ sách. Một chuẩn mực chung để phân loại sẽ không thực hiện trong thời điểm hiện nay. Trong tương lai, khi chất lượng số liệu được cải thiện, việc công bố một chuẩn mực phân loại chung sẽ phù hợp hơn”, ông Hải nói.

Trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng, NHNN nên công bố công khai tiêu chí phân loại các ngân hàng theo nhóm, tránh tình trạng mập mờ hiện nay. Dựa trên hoạt động kinh doanh cũng như các số liệu thực của ngân hàng, ông dự đoán ngân hàng mình sẽ được phân loại tăng trưởng tín dụng trong nhóm 1. Tuy nhiên, công văn của NHNN xác định ngân hàng ông nằm trong nhóm 2. Dù mức chênh lệch tăng trưởng tín dụng giữa nhóm 1 và nhóm 2 không quá lớn, nhưng bản thân ông thấy không thoải mái và hy vọng sẽ có sự điều chỉnh từ NHNN sau 6 tháng tới.

“Mọi sự bất cập đều có thể được chỉnh sửa. Do vậy, ngân hàng tôi sẽ hoạt động cho vay bình thường, đặc biệt là trong nhóm được Chính phủ khuyến khích cho vay như doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu, nông nghiệp… và chờ đợi sự điều chỉnh hợp lý hơn”, vị tổng giám đốc trên nói.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ở Mỹ, việc xác định điểm tín nhiệm của các ngân hàng do hai cơ quan thực hiện: nếu ngân hàng thuộc liên bang thì Cục Dự trữ liên bang tính điểm; nếu ngân hàng thuộc tiểu bang thì Cục Quản lý ngân hàng tiểu bang tính điểm. Việc xác định điểm tín nhiệm ngân hàng có 6 chỉ tiêu, dựa trên nền tảng chữ CAMELS. Trong đó: C là vốn; A là chất lượng tài sản; M là khả năng quản lý; E là khả năng sinh lời; L là tính thanh khoản; S là độ nhạy cảm trên thị trường. Từ đó, Ngân hàng Trung ương định điểm tín nhiệm ngân hàng theo thang điểm từ A đến F cho mỗi chỉ tiêu: A là tốt nhất, B là tốt, C là khá, D là trung bình, E là dưới trung bình, F là rất xấu.

Các ngân hàng tại Mỹ được xác định điểm tín nhiệm ít nhất là 2 lần trong 1 năm, còn thông thường 3 tháng 1 lần. Việc xác định điểm tín nhiệm chỉ có cơ quan quản lý và ngân hàng đó biết, không công bố ra bên ngoài. Nếu Ngân hàng Trung ương thấy ngân hàng điểm F nhiều sẽ buộc ngân hàng đó phải chấn chỉnh, nếu không sẽ yêu cầu đóng cửa ngân hàng.

 “Trong một điều kiện nào đó, NHNN nên cho các ngân hàng và các thành phần kinh tế biết là mình đã dùng những tiêu chí phân loại nào và sử dụng tiêu chí đó ra sao để phân chia các ngân hàng thành 4 nhóm. Còn kết quả cuối cùng, NHNN có thể thông báo riêng cho từng ngân hàng, mà không cần công khai với mọi thành phần trong xã hội”, ông Hiếu nói.

Hồng Dung
Theo Dau tu chung khoan


Từ khóa: