Sự kiện hot
12 năm trước

Nhiều ngành công nghiệp đối mặt khó khăn tiêu thụ

Đang có sự dịch chuyển từ trạng thái sản xuất, tiêu thụ thuận lợi ở một số ngành công nghiệp, sang khó khăn về đơn hàng và sản xuất.

Đang có sự dịch chuyển từ trạng thái sản xuất, tiêu thụ thuận lợi ở một số ngành công nghiệp, sang khó khăn về đơn hàng và sản xuất.


Ảnh: Reuters

Theo báo cáo tháng 10 của Bộ Công Thương, sản lượng điện cung ứng trong tháng 10 đã giảm nhẹ 0,3% so với tháng 9, đạt khoảng 8,33 tỷ kWh. Nếu tính chung 10 tháng, chỉ tiêu này là 78,5 tỷ kWh và tăng 11% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng khá thấp so với các năm trước với mức từ 12-14%.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo của Bộ Công thương là sự dịch chuyển từ trạng thái sản xuất, tiêu thụ thuận lợi ở một số ngành công nghiệp, sang khó khăn về đơn hàng và sản xuất.

Chẳng hạn như ngành công nghiệp nhẹ, vốn gắn với các sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày và luôn đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch rất cao nhiều tháng liền, nay đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình hình khó khăn tại các thị trường tiêu thụ chủ lực như Mỹ, châu Âu.

Theo Bộ Công Thương, tình hình sản xuất của ngành này đến nay vẫn khá ổn định, giá các mặt hàng dệt may vẫn có xu hướng tăng (giá tháng 10 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước).

“Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tháng 10 đã bị giảm đơn hàng từ 15% - 20% so với cùng kỳ”, Bộ Công Thương cho biết. Sau khi đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1,5 tỷ USD vào tháng 8 thì hai tháng nay, mức tăng chỉ còn khoảng 1,3 tỷ USD.

Hai thị trường chính của dệt may Việt Nam là Mỹ và EU đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nguy cơ khủng hoảng nợ công vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu cải thiện.

“Hoạt động xuất khẩu dệt may các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn do biến động về tài chính, tiền tệ, cắt giảm chi tiêu,… từ các thị trường này”, Bộ Công Thương cho hay.

Hiện tại, thị trường đã có dấu hiệu trì trệ hơn trong việc đặt các lô hàng mới của quý 1/2012. Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng cuối năm, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Công Thương cho biết.

Cho nên, một số doanh nghiệp đã tìm đến các khách mua hàng mới tại Úc, châu Phi, Canada, Hàn Quốc… nhưng thị trường mới không dễ tăng sản lượng ngay được. Bên cạnh đó, các nước như Ấn Độ, Indonesia đã chấp nhận giảm giá nên các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dệt may cả năm có thể đạt khoảng 13 - 13,5 tỷ USD.

Với da giày, mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng thứ ba sau dệt may và dầu thô, sản xuất tháng 10 vẫn ổn định và tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nhất là sản phẩm giầy thể thao xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu da giày từ tháng 5-8/2011 gia tăng đột biến do ảnh hưởng tích cực từ việc Ủy ban châu Âu (EC) đã chấm dứt thuế chống bán phá giá với sản phẩm giày mũ da Việt Nam, khiến nhiều nhà nhập khẩu dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc, vốn đang phải chịu thuế 16,5% với mặt hàng này, sang Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp da giày đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu cho cả năm 2011, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu và đang tiến hành đàm phán đơn hàng cho năm 2012.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công Thương, sau giai đoạn từ tháng 5-8/2011 kim ngạch xuất khẩu da giày ở mức cao, dao động 570 đến 640 triệu USD/tháng, từ tháng 9 con số chỉ còn đạt hơn 400 triệu USD do lượng đơn hàng chững lại.

Ở trong nước, các doanh nghiệp da giày cũng đang đối mặt với khó khăn về thiếu lao động có tay nghề cao. Chi phí vận chuyển và dịch vụ tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất.

Với ngành giấy, tình hình cũng có diễn biến tương tự, kể từ đầu quý 3/2011, sản xuất đã có dấu hiệu trì trệ do sức tiêu thụ giảm, lượng tồn kho tăng. “Doanh nghiệp hiện nay có hợp đồng mới sản xuất chứ không sản xuất trước dự trữ để tiêu thụ”, Bộ Công Thương cho biết.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm giấy của Việt Nam tháng 10/2011 đã giảm 1,9% so với tháng 9, tính chung 10 tháng ước đạt 34 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Đối với ngành công nghiệp nặng, thép là điển hình về khó khăn trong tiêu thụ, đặc biệt là thép xây dựng. Sản xuất thép cán xây dựng các loại 10 tháng đã giảm so với cùng kỳ. Lượng tồn kho tính đến đầu tháng 10 tiếp tục tăng, ước khoảng gần 400 nghìn tấn thép xây dựng và khoảng gần 500 nghìn tấn phôi thép.

Nguyên nhân, theo Bộ Công Thương, là do thị trường thép trong nước bị thu hẹp vì các công trình xây dựng chưa đẩy nhanh tiến độ dưới ảnh hưởng của thời tiết và do ảnh hưởng từ việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.


Bình Minh

Theo NDHMoney
 

Từ khóa: