Sự kiện hot
5 năm trước

NHNN: Việc tái cơ cấu tại các ngân hàng mua bắt buộc và DongA Bank là một quá trình khó khăn, phức tạp

NHNN cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và đang xây dựng dự thảo đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank).

Trong báo cáo về hoạt động chất vấn tại các kì họp trước với Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình bày việc thực hiện tái cơ cấu đối với các ngân hàng yếu kém. 

Cụ thể, trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á (DongA Bank) xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại, phục hồi. Các ngân hàng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại. 

Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank), NHNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

NHNN nhận định việc triển khai cơ cấu lại ba ngân hàng mua bắt buộc là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.

Cùng với đó, NHNN cũng đã chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng (TCTD) hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu. NHNN đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án hoặc có văn bản giao HĐQT/HĐTV rà soát, hoàn thiện, chịu trách nhiệm phê duyệt phương án cơ cấu lại của hầu hết các TCTD. 

Một số TCTD chưa được phê duyệt phương án chủ yếu là các TCTD đang rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án cơ cấu lại trên cơ sở kết luận thanh tra hoặc các TCTD yếu kém đang xử lí theo phương án đặc thù.

Về xử lí nợ xấu, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 968.890 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lí là 629.200 tỉ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lí), còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 35,06%. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%.

Năm Số nợ xấu đã xử lí (tỉ đồng)
2012                                       74.680
2013                                       87.980
2014                                     143.550
2015                                     186.960
2016                                     118.490
2017                                     115.540

Tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD tính đến tháng 8/2019 ở mức 4,84%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% cuối năm 2018.

NHNN cho biết nợ xấu đã xử lí được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. 

Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do để xử lí dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính. 

Bên cạnh đó, việc xử lí thu hồi nợ và TSBĐ của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn TSBĐ cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lí chưa hoàn chỉnh.

Diệp Bình

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: