Nổi danh trong lĩnh vực khai khoáng, CTCP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang còn rót vốn vào nhiều lĩnh vực khác, kể cả tài chính - ngân hàng. Tiếc rằng, kết quả kinh doanh của nhóm TG Group lại chưa được tích cực, bất chấp lĩnh vực đầu tư vẫn được cho là “màu mỡ”...
Tháng 9/2019, liên danh CTCP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang (Tây Giang) – CTCP Xây lắp điện I (PCC1 – Mã CK: PC1) là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển tại Dự án Phát triển đô thị số 4A1, phường Đề Thám, Tp. Cao Bằng.
Dự án rộng 69,74 ha, có tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, gần như đã nằm gọn trong tay bộ đôi Tây Giang – PCC1.
Cuộc song hành với PCC1 trong thương vụ kể trên khiến truyền thông trong nước liên tưởng đến việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản của Tây Giang Group. Điều ấy đúng 1 phần.
Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, Tây Giang và PCC1 từng có mối hợp tác kín đáo hơn từ trước đó nhiều năm. Dự án địa ốc này cũng tọa lạc tại tỉnh Cao Bằng.
Cụ thể, vào tháng 6/2016, Tây Giang, PCC1 và CTCP Le Delta (Le Delta) góp vốn thành lập CTCP Hoàng Gia Cao Bằng (Hoàng Gia Cao Bằng) với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 30:40:30.
Hoàng Gia Cao Bằng là chủ đầu tư dự án Khách sạn Hoàng Gia Cao Bằng – Royal Hotel tại địa chỉ số 42 Phố Kim Đồng, phường Hợp Giang, Tp. Cao Bằng. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10/2017, có tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng.
PCC1 là doanh nghiệp đại chúng, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Không những được đông đảo giới đầu tư biết tới, tập đoàn do ông Trịnh Văn Tuấn đứng đầu còn là chủ đầu tư nổi danh trong lĩnh vực bất động sản với loạt dự án lớn như: Dự án Trung tâm Thương mại và Nhà ở Mỹ Đình Plaza 2, Dự án Trung tâm Thương mại và Nhà ở Mỹ Đình Plaza 1.
Với quy mô tổng nguồn vốn ở mức 9.350 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2020, cùng với kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng, việc huy động vốn để triển khai dự án địa ốc mà VietTimes đã đề cập ở đầu bài viết dường như không quá khó khăn đối với PCC1.
Một kịch bản khả dĩ được đặt ra, trong đó, PCC1 có thể chỉ là “chỗ dựa” đáp ứng các chỉ tiêu tài chính của liên danh khi tham gia đấu thầu, mở đường cho Tây Giang "vào" loạt dự án địa ốc tại tỉnh Cao Bằng.
Khá thú vị khi dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 3 năm gần nhất, Tây Giang liên tục báo lỗ, với số lỗ qua các năm càng lớn, “ăn mòn” vốn chủ sở hữu.
|
|
Năm 2019, Tây Giang ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 2,3 tỷ đồng, báo lỗ thuần 102,9 tỷ đồng (cao hơn so với mức lỗ 102,2 tỷ đồng năm 2018). Các khoản lỗ trong 3 năm gần đây cũng khiến quy mô vốn chủ của Tây Giang giảm từ 1.044,6 tỷ đồng năm 2016 xuống chỉ còn 772,8 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
“Ông trùm” khai khoáng
Tập đoàn Tây Giang (TG Group) hoạt động đầu tư đa ngành, với lĩnh vực cốt lõi là khai thác khoáng sản tại một số địa phương miền núi phía Bắc.
Theo giới thiệu trên trang chủ, TG Group đang đầu tư vào loạt dự án khai khoáng có công suất hàng nghìn tấn/năm như: Dự án đầu tư nhà máy sản xuất chì kim loại điện giải (gồm 4 phân xưởng, công suất 10.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 720 tỷ đồng, tại Hà Giang); Dự án nhà máy sản xuất Ferromangan – silicomangan (công suất 60.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 2.051 tỷ đồng, tại Bắc Kạn); Dự án nhà máy sản xuất chì kim loại Bắc Kạn (công suất 20.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.264,4 tỷ đồng).
Song, danh mục các dự án khai khoáng “khủng” của TG Group chưa dừng lại ở đó. Nhiều “mắt xích” trong hệ sinh thái TG Group lại đăng ký địa chỉ thường trú tại Hà Nội. Trong đó, CTCP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang (Tây Giang) đóng vai trò hạt nhân, rót vốn vào nhiều công ty thành viên.
Tây Giang được thành lập từ tháng 9/2010, hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại phường Sông Bằng, Tp. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Thanh Lâm (SN 1961), đăng ký thường trú tại khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.
Tháng 3/2016, Tây Giang và ông Trần Đại Minh (lúc này đăng ký thường trú tại Khu tập thể Viện chống lao, Hà Nội) nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần từ nhóm cổ đông liên quan tới CTCP Kim Sơn và Công ty Liên doanh Kim loại màu Việt Bắc tại Công ty TNHH Khai Khoáng Bắc Kạn (Khai khoáng Bắc Kạn).
Công ty này được thành lập từ năm 2001, là chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng khu chế biến khoán sản chì, kẽm, thu hồi khoáng sản đi kèm, thiếc bạc, quặng sắt, mangan tại Tổ 10, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Vị trí Chủ tịch HĐTV của Khai khoáng Bắc Kạn cũng được đổi sang ông Phạm Thế Sơn (SN 1971) – cùng địa chỉ thường trú với ông Phạm Thanh Lâm.
Trước đó ít ngày, Tây Giang đã ký Hợp đồng tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình (EC) với CTCP Tư vấn Kỹ thuật Xây dựng liên quan tới việc thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà máy tuyển nổi tinh quặng chì, kẽm công suất lên tới 300.000 tấn/năm tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Tây Giang còn là công ty mẹ của CTCP Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn (Tây Giang Bắc Kạn) – chủ đầu tư Dự án đầu tư cải tạo Nhà máy luyện gang Bắc Kạn tại địa chỉ xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Sau nhiều lần thay đổi vị trí CEO, kể từ cuối tháng 8/2020, “ghế nóng” tại Tây Giang Bắc Kạn đã được trao cho ông Trần Đại Minh (SN 1961).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ngoài địa chỉ tại Khu tập thể Viện chống lao, ông Minh còn từng có địa chỉ thường trú trùng với các ông Phạm Thế Sơn và Phạm Thanh Lâm.
Phu nhân của ông Minh – bà Lê Thị Anh (SN 1964) – cùng ông Phạm Thế Sơn và 2 cổ đông cá nhân khác thường trú tại Hà Nội góp vốn đầu tư tại Công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Nam Hồng Hà. Công ty này sở hữu quyền khai thác mỏ chì, kẽm tại khu vực Cozisan, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, theo giấy phép khai thác khoáng sản số 902/GP-UBND cấp ngày 28/6/2011.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Anh, bà Lưu Thị Thu Hương (SN 1967, phu nhân của ông Phạm Thanh Lâm) và Tây Giang còn rót vốn đầu tư vào CTCP Thương mại Tây Giang. Pháp nhân này 4 năm gần nhất liên tục báo lỗ.
|
Một thành viên khác của TG Group là Công ty TNHH Cốc hóa Tây Giang (Cốc hóa Tây Giang) cũng hoạt động tích cực trong lĩnh vực khai khoáng.
Tháng 6/2015, pháp nhân này ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Địa Việt (Địa Việt) nhằm hợp tác đầu tư góp vốn thực hiện, khai thác, chia sẻ lợi nhuận phát sinh từ Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất than cốc công suất 600.000 tấn/năm, tại Khu Công nghiệp Bình Vàng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Ngoài ra, Tây Giang và bà Trần Minh Trang (cùng địa chỉ thường trú với ông Trần Đại Minh) từng nắm cổ phần chi phối của CTCP Khoáng sản Tấn Phát. Tuy nhiên, vào tháng 4/2015, phần lớn số cổ phần của Tây Giang đã được chuyển nhượng cho ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT PCC1.
Dòng vốn nhà băng và tham vọng địa ốc, năng lượng tái tạo
TG Group từng gây xôn xao khi tặng một chiếc Toyota Land Cruiser 7 chỗ cho Công an tỉnh Cao Bằng. Sự việc khiến một số cán bộ công an tỉnh, Ban thường vụ tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng bị xử lý kiểm điểm, kỷ luật. Cũng từ đó, TG Group được phát lộ rộng rãi tới công chúng trong tư thế một đại gia trong lĩnh vực khai khoáng và địa ốc.
Song, “cuộc chơi” của giới chủ TG Group còn lớn hơn thể, mà cụ thể là các khoản đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Cốc hóa Tây Giang từng nắm nhiều triệu cổ phiếu của một nhà băng cổ phần, với mã cổ đông là “PVB007802”.
Một pháp nhân cùng nhóm TG Group là CTCP Cốc hóa Tây Giang Cao Bằng cũng từng thế chấp tới 42 triệu cổ phần nhà băng này tại Khối khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa của một ngân hàng lớn trong nước.
Nhà băng được nắm giữ cổ phần kia, lưu ý rằng, cũng là nhà tài trợ tín dụng quen thuộc cho nhiều dự án khai khoáng của TG Group.
Thêm nữa, công ty Địa Việt – đối tác thân thiết với Cốc hóa Tây Giang – cũng từng đem cả trăm triệu cổ phần nhà băng đang được đề cập để cầm cố tại ngân hàng. Giám đốc kiêm người đại diện của công ty này hiện do ông Trần Quốc Tuấn (SN 1989) đảm nhiệm. Trước đó, vị trí này nhiều năm liền do bà Trịnh Thị Hà nắm giữ.
Nữ doanh nhân sinh năm 1979, như VietTimes từng đề cập, là người đại diện của CTCP Veracity – chủ mới của dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building. Bên cạnh đó, bà Hà còn đứng tên tại loạt pháp nhân khác như: CTCP Phát triển Đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI, Công ty TNHH MTV Tài Tâm Tây Bắc, CTCP Familia, CTCP Đầu tư phát triển và Dịch vụ Phục Hưng.
Ngoài ra, bà Trịnh Thị Hà từng là Chủ tịch HĐTV, nắm giữ 95% cổ phần của Công ty TNHH Bất động sản HA Quận 3. Số vốn còn lại do ông Trần Quốc Tuấn nắm giữ.
Ông Tuấn không những nắm giữ lượng lớn cổ phiếu nhà băng hậu thuẫn cho TG Group mà còn rót vốn đầu tư tại CTCP Giải pháp Năng lượng gió HBRE – chủ đầu tư Dự Án đầu tư trang trại Phong điện Tây Nguyên – Giai đoạn 1.
Cập nhật tới tháng 9/2016, ông Trần Quốc Tuấn và bà Trịnh Thị Hà đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại HA Quận 3 cho 2 cổ đông cá nhân khác./.
Nguyễn Ánh
Theo Viettimes