Sự kiện hot
13 năm trước

Những lớp học "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam

Cùng zoom cận cảnh những lớp học độc đáo trên mọi miền đất nước nhé!

Cùng zoom cận cảnh những lớp học độc đáo trên mọi miền đất nước nhé!

Lớp học dạy xấu hổ

Lớp học của người Dao ở bản Đằng Long (xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi, Hoà Bình) dạy con người ta phải biết xấu hổ nếu không hiểu cuội nguồn tổ tiên, nếu ăn trộm, loạn luân, nếu không bảo vệ bản làng... “Thầy giáo” lên lớp là Ông Triệu Văn Triển. Hơn 70 năm qua, ông đã tỉ mẩn ghi chép bằng chữ Dao nôm những truyền thuyết, sự tích, những tập tục, những bài thuốc dân gian quý rồi đóng thành những tập sách cất giữ cẩn thận.

Lớp của ông đã mở được hơn 10 năm, hết lớp này đến lớp khác. Bây giờ đám thanh niên rất hăng say tham gia học mỗi tối bởi trong cách nghĩ của họ đã hình thành: Nếu không biết cội nguồn thì không phải là người Dao rồi.

Lớp học... phân chia giới tính

Đó là trường THPT Dân lập Nguyễn Khắc Viện tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh do thầy Nguyễn Lê Đắc - tiến sỹ tâm lý (nguyên là giảng viên ĐH Vinh) làm hiệu trưởng. Lý giải điều này, thầy Đắc cho biết: "Trường học với nhiều thành phần phức tạp nên phân biệt nam riêng, nữ riêng sẽ hạn chế những mâu thuẫn. Thêm vào đó, lớp học phân theo giới, học sinh sẽ thoải mái hơn trong sinh hoạt cũng như tự tin thể hiện mình".


Lớp học... toàn nam

Những phản ứng trái chiều khi từ học sinh, phụ huynh cũng như người dân trên địa bàn huyện Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh về lớp học phân biệt giới tính này nổ ra mạnh mẽ. Một số phụ huynh không chấp nhận những quy chế khác người nên đã tìm cách chuyển con mình sang trường khác. Tuy nhiên, không ít người, đặc biệt là học sinh nữ lại tỏ ra thích thú mô hình mới này.

Lớp học ít học sinh nhất nước

Bản Nậm Khao (huyện Mường Tè, Lai Châu) có 1 lớp 2 chỉ có 2 em, lớp 3 và lớp 1 mỗi lớp có 6 em, lớp 4 có 9 em và lớp 5 đông nhất với sĩ số 22 do các em đã lớn.

Thầy Vinh, hiệu phó trường PTCS Nậm Khao, cho biết năm học 2011-2012 này, khối tiểu học của trường phổ thông cơ sở Nậm Khao có 15 lớp thì 11 lớp là điểm bản. Cứ các em đến tuổi đi học là thầy cô phải tới nhà vận động để các em được tới trường. Bản có bao nhiêu em thì dạy chừng đó nên ở đây, có những lớp học có số học sinh thuộc diện ít nhất nước. Tất cả học sinh các lớp ở bản trung tâm, đông nhất cũng chỉ bằng một lớp ở miền xuôi.


Lớp 1 chỉ có 6 học sinh

Các thầy cô thường phải ghép lớp. Giáo viên lớp ghép phải soạn hai giáo án, dạy hai trình độ trong cùng một buổi. Mỗi lớp ngồi một bên, theo dõi bài trên nửa bảng.

Ngôi trường chuyên nhận học trò bất hảo

Ngôi trường kỳ lạ này có tên THPT tư thục Phú Bình (Phú Mãn, Quốc Oai, Hà Nội), hiệu trưởng là cô Đào Diệu Thúy.

Cách đây 6 năm, Bộ GDĐT ra cơ chế tuyển sinh mới khiến cho rất nhiều teen yếu kém hoặc có hạnh kiểm yếu chỉ biết kêu trời vì không có chỗ để học và không có trường công lập nào dám nhận. “Nếu đẩy các em ra khỏi môi trường học tập thì các em sẽ hư hỏng thực sự” – ý nghĩ đó đã nhiều đêm làm cô Thuý mất ngủ. Cô quyết định thế chấp sổ đỏ căn nhà đang ở, bán đồ đạc có giá trị, bỏ dạy tại trường đang công tác để mở trường tư thục Phú Bình. 60 học sinh đầu tiên thuộc diện “yếu, dốt, láo” được nhận vào học với mức học phí 55.000 đồng/tháng.


Cô Đào Diệu Thuý trong một giờ truy bài tại Trường Phú Bình

Sau 6 năm nỗ lực vừa dạy vừa rút kinh nghiệm, các thầy cô trường Phú Bình đã có nhiều “đột phá”. Số học sinh đỗ ĐH tăng nhanh. Tiếng lành đồn xa, ngôi trường này đang thu hút ngày càng đông học sinh.

Lớp học giữa rừng sâu

Nằm lọt thỏm giữa những ngọn đồi bạt ngàn thông và những triền cà phê, rẫy ngô xanh óng, lớp học đơn sơ của cô giáo Huyền Đông Sương đã giữ chân hàng chục học sinh người K’ho lại làng Darahoa ở tận huyện Đức Trọng, Đà Lạt.


Cô giáo Huyền Đông Sương trong một buổi lên lớp

Không trật tự như những lớp học thường thấy, lớp học giữa rừng này luôn râm ran tiếng nói cười, chỉ khi đọc bài các em mới thật sự tập trung. Mỗi tuần, các em chỉ đến lớp vào các chiều thứ ba, năm, bảy nên phải học suốt năm mới hết chương trình và không nghỉ hè như những lớp khác. Thời gian còn lại, các em làm rẫy, giữ em, nấu cơm phụ giúp cha mẹ. Lớp cũng không có tiếng trống báo hiệu giờ tan học, cứ thấy trời sụp tối là bọn trẻ nhao nhao cất sách vở ra về.

Tường Vy

Từ khóa: