Sự kiện hot
10 năm trước

Ninh Thuận: Dân bỏ nhà tái định cư vì nhanh xuống cấp

Gần 3 năm nay, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiếu số Raglai tại thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa, huyện Bác Ái bức xúc vì tình trạng nhà tái định cư (TĐC) bị xuống cấp, hư hỏng mặc dù mới đưa vào sử dụng chưa bao lâu. Không ít hộ đã bỏ nhà TĐC trở về làng cũ dựng chòi sinh sống.


Người dân phải dùng bạt để chống dột. Ảnh: Báo Văn hóa

Thực hiện D.A hợp phần đền bù di dân và TĐC hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (huyện Bác Ái), 152 hộ đồng bào dân tộc Raglai sinh sống lâu năm tại khu vực lòng hồ phải di dời về nơi ở mới ở thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa.

Bắt đầu triển khai xây dựng từ tháng 9/2008, khu TĐC thôn Tà Lọt gồm 152 căn nhà cấp 4, nhà cộng đồng, trường tiểu học, trường mẫu giáo, hệ thống đường nội bộ, hệ thống điện và cấp nước sinh hoạt, khai hoang đất sản xuất, tuyến tránh lòng hồ. Tổng mức đầu tư của tiểu D.A này hơn 41 tỷ đồng, do Ban Quản lý D.A ngành Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Đến cuối tháng 9/2010, khu TĐC đã hoàn thành và được bàn giao cho các hộ dân.

Mỗi căn nhà rộng 39m2, trị giá đến 96 triệu đồng những tưởng sẽ đem lại một chỗ định cư ổn định cho bà con. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, khi chỉ mới đưa vào sử dụng hơn một năm thì nhà đã bị xuống cấp. Một số căn do nền nhà thấp hơn so với mặt đường nên mỗi khi mưa nước tràn vào nhà gây ngập lụt. Đặc biệt, hệ thống cửa và mái tôn của hầu hết các căn nhà trong khu TĐC đều bị hư hỏng khiến cuộc sống của người dân khổ sở mỗi khi trời mưa.

Chị Gia Du Thị Kênh, một hộ dân thôn Tà Lọt bức xúc: “Không biết nhà được làm loại mái tôn gì mà mới sử dụng chưa bao lâu đã hỏng. Trời nắng thì ánh nắng rọi vào nhà, trời mưa thì mái nhà bị dột nên chúng tôi phải huy động đồ đạc để hứng nước mưa”.

Kế bên nhà chị Kênh là nhà của anh Pi năng Luân cũng trong tình trạng tương tự. Anh Luân cho hay, nhà anh không chỉ bị hư mái, mà do nền nhà thấp hơn mặt đường nên mỗi khi trời mưa, nước tràn vào ngập nhà không thể ở được, nhiều đồ đạc trong nhà cũng bị hư hỏng. Mặc dù bà con nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Nhiều hộ đã tranh thủ lúc trời nắng trèo lên che chắn vá tạm lại, nhiều hộ vì quá bức xúc đã đóng cửa bỏ về làng cũ dựng chòi để ở. Theo chính quyền địa phương, hiện đã có hơn 20 hộ bỏ làng TĐC trở về làng cũ sinh sống.

Hệ thống mái tôn của các trường học trong khu TĐC cũng hư hỏng nặng. Thầy Nguyễn Văn Văn, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu cho biết, do cơn lốc cuối tháng 9/2013 làm tốc mái nên mỗi khi trời mưa, một số phòng học bị dột nước, học sinh không thể học được. Nước mưa cũng làm hệ thống quạt điện một số phòng bị hư hỏng. “Nhà trường đã cố gắng tìm cách khắc phục nhưng do nhà thầu khi xây dựng không làm đường lên mái nhà, cộng với việc mái tôn quá mềm nên không ai dám đi lên để sửa. Chúng tôi đã kiến nghị đơn vị thi công sớm sửa chữa để học sinh có thể yên tâm học tập vì mùa mưa bão sắp đến, năm học mới cũng sắp bắt đầu nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, thầy Văn chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý D.A ngành Nông nghiệp tỉnh khẳng định, công trình nhà ở TĐC thôn Tà Lọt được thi công theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt. Mái nhà sử dụng tấm lợp sinh thái Onduline sóng tròn có tính năng cách âm, cách nhiệt nên không nóng khi nắng, không ồn khi mưa, không rêu mốc rỉ sắt, tuổi thọ khá lâu. “Trước khi tiến hành xây dựng chúng tôi đã lấy ý kiến của bà con, bà con đồng ý chúng tôi mới làm”, ông Tiến nói.

Còn đối với việc một số nhà dân bị ngập mỗi khi trời mưa, ông Tiến cho biết, trước đây do hệ thống thoát nước chỉ là một đường rãnh bằng đất dọc theo đường giao thông. Qua thời gian, hệ thống cống tiêu, rãnh dọc bị tắc nghẽn, san bằng do bùn cát, cây cỏ, thảm thực vật nhiều năm không được nạo vét. Vì thế, mỗi khi mưa xuống nước không thoát kịp nên tràn vào nhà dân, gây ngập cục bộ.

Theo ông Tiến, vì D.A được đưa vào sử dụng từ năm 2010 nên đã hết thời gian bảo hành đối với nhà thầu. Những ý kiến phản ánh của người dân Ban Quản lý D.A đã ghi nhận và đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để có nguồn kinh phí sửa chữa. Tuy nhiên, trước mắt người dân nên có biện pháp bảo quản mái tôn (vì đây là loại tôn dễ vỡ khi nhiệt độ quá nóng, dễ lún khi có mưa). Các khu dân cư cũng nên thường xuyên tổ chức phát dọn, nạo vét cống rãnh trước mùa mưa lũ nhằm hạn chế ngập lụt cục bộ, ông Tiến cho biết thêm.

Hàng trăm hộ dân đang rất mong chờ các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận sớm bố trí vốn cho khắc phục, sửa chữa nhà cửa để bà con có thể yên tâm sinh sống khi mùa mưa bão đang đến gần.

Lan Phương
theo Thanh tra

Từ khóa: