Sự kiện hot
13 năm trước

Ông chủ 8X và dịch vụ “có một không hai”

Nằm sâu trong con phố nhỏ Phù Đổng Thiên Vương, có một cửa hiệu mang cái tên khá lạ “Chấy - nhổ tóc bạc”. Ông chủ trẻ tuổi ở đó hơn một năm nay đã ăn nên làm ra từ dịch vụ độc đáo có một không hai: “nhổ tóc bạc, tóc sâu”.

Nằm sâu trong con phố nhỏ Phù Đổng Thiên Vương, có một cửa hiệu mang cái tên khá lạ “Chấy - nhổ tóc bạc”. Ông chủ trẻ tuổi ở đó hơn một năm nay đã ăn nên làm ra từ dịch vụ độc đáo có một không hai: “nhổ tóc bạc, tóc sâu”.

“Nghe tin mình sẽ bỏ việc, mọi người ai cũng sững sờ. Ba mẹ phản đối, bạn bè can ngăn. Nhưng mình vốn bướng bỉnh, muốn làm gì thì nhất định làm cho bằng được. Thế là... nghỉ...”, chàng trai trẻ Nguyễn Anh Dũng, ông chủ cửa hiệu “Chấy, nhổ tóc bạc” hào hứng kể về chặng đường khởi nghiệp của mình.

Năm 2002, tốt nghiệp Đại học Thương mại khoa Kế toán, Dũng về đầu quân cho một công ty nước ngoài với mức lương lý tưởng. Song sau 5 năm, anh đột ngột xin thôi việc. Dũng bảo: “Làm việc ổn định trong một điều kiện không chê vào đâu được, nhưng cái máu kinh doanh nhiễm từ ngày bé cứ thôi thúc mình làm một cái gì đó mang dấu ấn của riêng mình...”.


Dũng đang miệt mài nhổ tóc sâu cho khách

Chấp nhận thất nghiệp, một thời gian dài, Dũng lang thang khắp Hà Nội, Sài Gòn tìm... ý tưởng.

Thoạt đầu, anh dự định mở quán cà phê, rồi quán bar... song vì nhiều lý do, các kế hoạnh lần lượt đổ bể. Cái khó ló cái khôn, ý định mở “dịch vụ nhổ tóc bạc” ra đời ngay trong lúc anh khó khăn nhất. Dũng vui vẻ nhớ lại: “Hồi đó nhàn rỗi đến phát chán ngấy lên. Ở nhà báo hại suốt... Bà, mẹ thấy rảnh, nhờ nhổ tóc bạc, tóc sâu. Mình làm thường xuyên thành ra “chuyên nghiệp”. Một hôm chợt nghĩ: "Tại sao mình không thử mở dịch vụ “nhổ tóc bạc”, những người như bà hay mẹ mình... chắc chắn sẽ có nhu cầu".

Ý tưởng này của Dũng bị không ít người cười nhạo, nói anh là “hâm”, là “gàn”, “mang tiền đổ xuống sông xuống biển”, nhưng Dũng vẫn quyết làm tới nơi, tới chốn. Suốt hơn hai tháng ròng, anh tất tả ngược xuôi tìm địa điểm, thuê nhân công, phát tờ rơi quảng cáo... “Lúc lên kế hoạch tưởng dễ, bắt tay vào làm mới thấy không hề đơn giản. Nhiều chuyện phát sinh ngoài dự kiến khiến mình... toát mồ hôi hột”.


Dịch vụ "nhổ tóc bạc" thu hút khá đông khách

Dũng chia sẻ: “Cái khó nhất là sự hiểu lầm của mọi người. Khi tuyển nhân viên với mức lương khá ổn, họ cứ ngỡ ngoài việc nhổ tóc còn kiêm luôn những dịch vụ mờ ám khác, nên ai cũng từ chối. Đăng quảng cáo trên báo cũng bị gửi trả lại vì báo sợ công việc quá... “nhạy cảm”.

Những ngày đầu khai trương, Dũng vừa làm ông chủ, vừa là nhân viên duy nhất của cửa hàng. Công việc tiến triển theo chiều hướng... “bi quan”. Có ngày ngồi vêu, chẳng khách nào ngó ngàng tới. Bốn tháng thua lỗ nặng, số tiền thu lại chẳng đủ bù tiền thuê cửa hàng.

Không nản lòng, Dũng vẫn tìm mọi cách duy trì hoạt động của “Chấy”. Anh nhờ được một người bạn nữa làm nhân viên, ra sức nâng cao chất lượng phục vụ để giữ chân những mối quen. Người nọ truyền tai người kia, số lượng khách tìm đến cửa hàng ngày một tăng.

“Thực ra, nhu cầu nhổ tóc bạc ở những người trung niên là rất lớn. Khi họ nhận thấy dịch vụ của mình lành mạnh và tiện lợi, họ sẽ sử dụng”, Dũng khẳng định.

Đến thăm “Chấy, nhổ tóc bạc” vào một chiều muộn, căn phòng nhỏ chừng mười mét vuông, bốn chiếc ghế tựa salon đều đã kín khách, trong nền nhạc thính phòng du dương, ba nhân viên say sưa tìm nhổ tóc sâu, tóc bạc.

Chị Hạnh, người gắn bó lâu nhất với cửa hàng vừa cười vừa bật mí: “Nhổ tóc cũng không đơn giản như mình tưởng. Phải thật tinh mắt để không nhổ nhầm tóc đen này, nhẹ tay để không làm đau khách này. Còn đảm bảo cả tốc độ nữa”.

Trung bình mỗi ngày, cửa hàng đón tiếp từ 20 – 25 khách, mỗi khách làm khoảng một đến 2 tiếng tùy vào lượng tóc sâu, tóc bạc.

Anh Dũng cho hay: “Đối tượng khách hàng khá đa dạng, già có, trẻ có nhưng đa số ở tầm trung trung tuổi. Nhiều khách là người nước ngoài hay khách trong Nam ra Hà Nội được bạn bè giới thiệu cũng tìm đến đây”.

Uy tín của “Chấy, nhổ tóc bạc” cứ thế lan nhanh và không chỉ giới hạn trong phạm vi Hà Nội. Nói về những thành công ban đầu, Nguyễn Anh Dũng hóm hỉnh: “Một ý tưởng dù nhỏ bé hay có phần lập dị đi chăng nữa,  nếu mình quyết tâm theo đuổi đến cùng thì sớm muộn cái lập dị kia cũng sẽ biến thành điều kỳ diệu”.

Trong tương lai, Dũng hy vọng sẽ tạo được một thương hiệu riêng cho “Chấy” và có điều kiện mở rộng quy mô của dịch vụ này.

Gặp 8X viết tiểu thuyết về giang hồ

Huệ Vân

Từ khóa: