Sự kiện hot
12 năm trước

Phải bình ổn cả khâu sản xuất

Trải qua hơn 10 năm thực hiện, chương trình dự trữ và bình ổn giá đã đem lại ý nghĩa tích cực, giúp kiềm chế giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cuộc sống người tiêu dùng...

Trải qua hơn 10 năm thực hiện, chương trình dự trữ và bình ổn giá đã đem lại ý nghĩa tích cực, giúp kiềm chế giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cuộc sống người tiêu dùng...

Khách hàng chọn mua thực phẩm tại gian hàng bình ổn giá ở cửa hàng Vissan trên
đườngNguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp chiều 16-6)
- Ảnh: THUẬN THẮNG

Đó là kết luận của nhiều đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến “Sơ kết đánh giá chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá” do Chính phủ tổ chức ngày 16-6.

Nhiều kết quả

Theo Bộ Công thương, đến nay cả nước đã có 6.400 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có khoảng 50% số điểm bán ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa với giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5-10%, một số mặt hàng giảm 15%. Số lượng mặt hàng và thời gian thực hiện chương trình bình ổn không ngừng được mở rộng. Từ chỗ chỉ tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, đến nay chương trình đã bình ổn đối với cả các mặt hàng giấy vở học sinh, dược phẩm, sữa và thời gian thực hiện chương trình kéo dài gần hết cả năm.

Giảm dần sự can thiệp của Nhà nước

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới là hình thành đồng bộ các thể chế thị trường. Trong quá trình thực hiện chương trình bình ổn sẽ phát hiện các bất cập về hệ thống sản xuất, phân phối, lưu thông, bán hàng để xây dựng các văn bản nhằm hoàn thiện các thể chế thị trường theo hướng minh bạch. “Khi các thể chế thị trường được hình thành đồng bộ thì sự can thiệp của Nhà nước sẽ dần dần giảm đi” - ông Hoàng Trung Hải nói.

Mức độ xã hội hóa của chương trình ngày càng mạnh mẽ, từ một vài doanh nghiệp ban đầu nay đã lên tới 250 doanh nghiệp. Từ chỗ 100% doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn nhận vốn vay đến nay đã có khá nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn mà không cần vốn hỗ trợ của Nhà nước. Số vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 1.600 tỉ đồng, trong khi tổng vốn hàng hóa mà doanh nghiệp bình ổn là 11.000 tỉ đồng.

Ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng nhờ thực hiện tốt chính sách này mà những năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM ở mức thấp và trong sáu tháng đầu năm nay đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế. CPI sáu tháng đầu năm nay của TP.HCM chỉ tăng 2,44% so với tháng 12-2011, trong khi tốc độ phát triển kinh tế tăng 8,1%.

Nhưng chỉ là giải pháp tình thế

Bà Dương Thị Ngọc Dung, tổng giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex, cho biết do giá bán hàng bình ổn thường thấp hơn giá thị trường 5-10% nên vô hình trung hình thành cơ chế hai giá, tạo kẽ hở cho tư thương đầu cơ, mua đi bán lại hưởng chênh lệch. “Có những thời điểm người ta vào siêu thị mua đường rồi bán lại cho các đại lý bán lẻ để hưởng chênh lệch 3.000-5.000 đồng/kg” - bà Dung nói.

Trong khi đó, ông Võ Thành Thống - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho rằng chương trình bình ổn giá thời gian qua mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp phân phối hàng hóa tiêu dùng, trong khi gốc của vấn đề bình ổn giá nằm ở khâu sản xuất. “Hệ thống phân phối ở VN còn nhiều bất cập nên dẫn đến tình trạng sản phẩm của người nông dân làm ra bán với giá rẻ, trong khi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức quá cao. Phải bình ổn cả sản xuất lẫn bình ổn khâu phân phối thì mới đảm bảo mục tiêu bình ổn giá” - ông Thống cho biết.

Đồng quan điểm này, bà Bùi Hạnh Thu - phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - cho biết đơn vị đã và đang chủ động bình ổn giá cả hàng hóa thông qua các chuỗi liên kết chiến lược với các đối tác cung cấp hàng hóa. Đơn vị này cũng đang tham gia đầu tư vào các công ty sản xuất hàng hóa để kiểm soát được giá cả ngay từ khâu sản xuất.

Bà Dương Thị Ngọc Dung cũng cho rằng bình ổn giá như thời gian qua là giải pháp tình thế, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng hàng nhu yếu phẩm cho người dân. Theo bà Dung, giá cả thời gian qua thất thường do VN có quá ít điểm bán lẻ dẫn tới thiếu sự cạnh tranh và thiếu sự minh bạch về giá cả. “Với hệ thống bán lẻ quá nhỏ bé chỉ từ 1-2 siêu thị mỗi tỉnh, lại tập trung ở các trung tâm thì không thể tạo ra sự cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng. Về lâu dài, VN cần có những chính sách thật sự để hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ mở rộng hệ thống của mình” - bà Dung nói.

Theo Tuoitre

Từ khóa: