Sự kiện hot
12 năm trước

Phát hiện hai mặt trăng “siêu nhí” của sao Mộc

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện thêm 2 mặt trăng mới quay quanh sao Mộc, trong đó một mặt trăng có thể là mặt trăng nhỏ nhất từng được biết đến của sao Mộc.

Các nhà thiên văn học vừa phát hiện thêm 2 mặt trăng mới quay quanh sao Mộc, trong đó một mặt trăng có thể là mặt trăng nhỏ nhất từng được biết đến của sao Mộc.

Hai mặt trăng S/2010 J 1 và S/2010 J 2 được phát hiện lần đầu tiên từ tháng 9/2010. Sau đó, các nhà thiên văn học tiến hành quan sát và kiểm tra nhiều lần trước khi công bố chúng là mặt trăng mới của sao Mộc. Với hai mặt trăng mới được phát hiện, sao Mộc hiện tại có tới 67 vệ tinh tự nhiên quay quanh.

Mặt trăng S/2010 J 1 được đánh dấu bằng đường tròn màu xanh

Theo Daily Mail, cả 2 mặt trăng mới của sao Mộc có kích thước rất nhỏ. S/2010 J 1 có đường kính 3km, trong khi, đường kính của S/2010 J 2 còn nhỏ hơn, chỉ khoảng 2km. Các nhà khoa học đo kích thước dựa vào độ sáng của từng mặt trăng.

Quỹ đạo của mặt trăng S/2010 J 1 cách bề mặt của sao Mộc khoảng 23,5 triệu km và chu kỳ một vòng quay của nó là 2,02 năm. Trong khi đó, mặt trăng S/2010 J 2 có quỹ đạo bay cách sao Mộc khoảng 21 triệu km và nó chỉ mất 1,69 năm để hoàn thành một vòng quay quanh sao mẹ.

Gần như tất các mặt trăng được phát hiện trước đây đều có kích thước bằng hoặc lớn hơn mặt trăng S/2010 J 1. Điều này đồng nghĩa mặt trăng S/2010 J 2, với đường kính 2km, hiện là mặt trăng nhỏ nhất quay quanh một hành tinh trong Hệ mặt trời.

Tiến sĩ Mike Alexandersen, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Thật thú vị khi khám phá S/2010 J 2 là mặt trăng nhỏ nhất trong Hệ mặt trời từng được phát hiện và theo dõi từ Trái đất.”

Mặt trăng S/2010 J 1 được phát hiện bởi một nhóm nghiên cứu quốc tế, bao gồm các nhà thiên văn học thuộc Phòng thí nghiệm phản lực NASA (JPL) và các nhác nhà khoa học thuộc Đại học British Columbia (Canada). Các nhà khoa học phát hiện mặt trăng S/2010 J 1 sau khi phân tích hình ảnh chụp bởi kính thiên văn Palomar 200-inch Hale.

Trong khi đó, mặt trăng S/2010 J 2 được phát hiện bởi camera MegaCam mosaic CCD trên kính thiên văn Canada-Pháp-Hawaii (CFHT). Tiến sĩ Christian Veillet, giám đốc của đài thiên văn CFHT đã phát hiện mặt trăng này trên những bức ảnh chụp bởi kính CFHT.

Hà Hương
Theo Vietnamnet

Từ khóa: