Sự kiện hot
11 năm trước

Phòng, chống cúm gia cầm: Gian nan từ dưới đất lên trời

Trước mối đe dọa từ dịch cúm gia cầm, những ngày qua, ngành thú y các địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để phòng chống.

Trước mối đe dọa từ dịch cúm gia cầm, những ngày qua, ngành thú y các địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để phòng chống. Ngoài việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên gia cầm, ngành thú y cũng đang tích cực phòng ngừa dịch cúm từ các loại chim trời...


Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng Lào Cai chuẩn bị máy phun đa năng để phòng ngừa cúm A/H1N1. Ảnh: Q.H

ĐBSCL: Nỗi lo dịch bệnh từ chim trời

Tại Đồng Tháp, toàn tỉnh  có 3 địa điểm chim, cò thường xuyên bay về trú ngụ: Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng và khu vực gần chợ đầu mối trái cây (thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh). Riêng Vườn quốc gia Tràm Chim có hàng ngàn chim cò đang cư trú. Mới đây, sếu đầu đỏ và cò ốc bay về đây ngày càng nhiều, trong khi tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 vẫn chưa lắng dịu. Mặt khác, do chim thường xuyên di cư từ địa phương này đến địa phương khác nên có thể bị nhiễm chủng virus này bất cứ lúc nào.

Ông Võ Bé Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp - cho biết, đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng chim chết bất thường. Ngành thú y đang triển khai các đội giám sát tiến hành giám sát từng khu vực nơi chim tập trung về nhiều để kịp thời phát hiện, ứng phó. Dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng lo lắng nhất hiện nay đối với ngành thú y là tập quán thả nuôi gia cầm nhỏ lẻ và tràn lan của người dân.

Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh vừa hỗ trợ 700.000 liều vaccine tiêm phòng, chống cúm gia cầm. Ở Đồng Tháp, khó khăn nhất là việc phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn xã Tân Trung Hội (huyện Cao Lãnh). Đây là địa phương xuất hiện ca tử vong đầu tiên do cúm A/H5N1, trước đó, vào năm 2005, đã có 2 trường hợp trong cùng một gia đình tử vong do dịch bệnh này. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo ngành chức năng tỉnh khẩn trương kiểm tra tình hình tại địa phương này, nghiên cứu, để có những giải pháp phòng, chống.

Bùng phát cúm A/H1N1 ở Lào Cai

Dịch cúm xuất hiện và lan rộng tại Trường THPT nội trú tỉnh Lào Cai bắt đầu từ ngày 24.4 khi nhiều học sinh có các triệu chứng cúm như: Đau mỏi người, đau đầu, sốt, viêm họng kèm theo có hắt  hơi sổ mũi, ho... Đến chiều ngày 29.4, toàn trường có 37 trường hợp nghi mắc cúm, lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả đều dương tính với cúm A/H1N1.

Bà Lê Ngọc Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai - cho biết, trường có 477 học sinh đang sinh hoạt tại ký túc xá. Khi xuất hiện các ca bệnh nghi mắc cúm, Trung tâm Y tế TP.Lào Cai tổ chức cách ly, tiêu độc khử trùng các khu vực trong trường. Các bác sĩ theo dõi bệnh nhân tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai cho biết sức khỏe của 37 học sinh nghi mắc cúm A/H1N1 đã có dấu hiệu tiến triển tốt; 11 trường hợp hết triệu chứng sốt. Tuy nhiên, có 9 trường hợp vẫn đang phải theo dõi đặc biệt.

Trước đó, ngày 25.4, có 5 người tại thôn Toòng, xã Quang Kim (Bát Xát - Lào Cai) phát hiện dương tính với cúm A/H1N1. Bác sĩ Nguyễn Bá Huệ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai - ngày 1.5  cho biết, 5 bệnh nhân này có thể ra viện trong một vài ngày tới. Được biết, hiện Lào Cai vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm cúm đến từ đâu.

Nam Bộ: Lập đoàn kiểm tra về ca cúm A/H5N1

Sau ca nhiễm cúm thứ 2 tại khu vực Nam Bộ được phát hiện, Viện Pasteur TPHCM đã thành lập đoàn kiểm tra giám sát, phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Long An và huyện Tân Hưng tổ chức phòng, chống dịch cúm A/H5N1.

Trước đó, chị Nguyễn Thị Ngọc D, sinh năm 1993, trú tại Long An đã cùng gia đình làm thịt vịt sống ăn. Sau đó, chị D xuất hiện triệu chứng sốt, ho, tức ngực. Khi phát hiện chị D nhiễm cúm A/H5N1, ngành y tế đã tiến hành điều tra dịch tễ tại địa phương. Qua đó, xác định ở địa phương này có hiện tượng chết vài con vịt trên đàn vịt khoảng 20 - 30 con.

Theo TS Hữu, Viện Pasteur TPHCM điều tra ca bệnh, ca tiếp xúc, kiểm tra các điểm chăn nuôi gia cầm tại địa phương có bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1, hiện chưa phát hiện ca mới, kể cả những người tiếp xúc với bệnh nhân N.T.N.D (người phát hiện dương tính với cúm A/H5N1 trước đó).

Tại TPHCM, tính đến thời điểm này, toàn TP vẫn còn 78 điểm kinh doanh gia cầm trái phép, nằm rải rác ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM, trong tháng 5, các quận, huyện trên địa bàn sẽ tập trung xóa các điểm kinh doanh gia cầm trái phép.

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - trước việc xuất hiện hai ca cúm A/H5N1 ở Long An và Đồng Tháp, trung tâm yêu cầu tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch cúm cho cộng đồng và đề nghị kiểm soát gia cầm không rõ nguồn gốc...

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM - tất cả các bệnh cúm A/H1, H3, H5, H7... đều có khởi phát giống nhau với biểu hiện ho, sốt, nhưng nếu là cúm gia cầm (H5N1, H7N9) thì sẽ diễn tiến nặng. Để hạn chế lây lan, theo TS-BS Vĩnh Châu, cần tránh giết mổ, vận chuyển, buôn bán, ăn thịt hoặc tiết canh, tiếp xúc gần với gia cầm, chim hoang dã không rõ nguồn gốc.

Theo GS - TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư: Bệnh nhân cúm A/H1N1, H5N1 và H7N9 có những dấu hiệu bệnh cơ bản giống nhau ở giai đoạn đầu tiên, với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và  ho. Tuy nhiên tùy từng tác nhân gây bệnh có độc lực khác nhau bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi, suy đa phủ tạng… có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, có thể phân biệt được các căn nguyên virus khác nhau chính xác bằng các xét nghiệm sinh học phân tử, hiện đang được triển khai chủ yếu ở Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực. Cho đến nay, VN chưa phát hiện được nhiễm virus H7N9 cả ở trên gia cầm và trên người.

Ng.H

theo Lao động

Từ khóa: