Sự kiện hot
13 năm trước

Phượt tình nguyện

Không chỉ thoả chí phiêu lưu mà đối với nhiều người trẻ, các cung đường “phượt” còn là những chuyến đi tình nguyện.

Không chỉ thoả chí phiêu lưu mà đối với nhiều người trẻ, các cung đường “phượt” còn là những chuyến đi tình nguyện.

Tình nguyện theo một cách khác

Cứ tưởng họ chỉ biết đến những đêm bão rock, những phong cách “quái”, thế nhưng những chàng trai, cô gái mê nhạc rock của forum rock3mien.vn còn hừng hực khí thế đi “phượt” và… hoạt động tình nguyện trong mỗi chuyến đi. Họ lên kế hoạch chi tiết, đi xe máy, thậm chí, bắt chuyến tàu đêm để kịp có mặt trên các bản nghèo vùng cao. Tới nơi, họ vừa phát quà, quần áo cho người dân nghèo, lại vừa chiếu phim cho các em nhỏ và ngày hôm sau, dành thời gian khám khá vùng đất nghèo.

"Phượt" đang là hoạt động được giới trẻ yêu thích (ảnh: internet)

Hình thức đi “phượt” kết hợp hoạt động tình nguyện đang ngày càng được giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên yêu thích. Đoàn Văn Thịnh (cựu sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) đã tổ chức thành công nhiều chuyến “du lịch tình nguyện” cho sinh viên trong và ngoài trường. Xuất phát từ tình yêu môi trường và mong muốn tạo một sân chơi tình nguyện khác lạ, các tour du lịch của Thịnh đều kết hợp với hoạt động xã hội (dọn rác, bảo vệ môi trường) như chuyến đi Hạ Long, chùa Bái Đính hoặc quyên góp sách vở cho trẻ em nghèo miền núi.

Thịnh kể: “Chuyến đi Mai Châu, ngày đầu tiên, cả đoàn 80 người đi chơi và đốt lửa trại tưng bừng. Ngay ngày hôm sau,  mọi người đến tặng sách giáo khoa, dạy học và vui chơi cùng học sinh trường THCS Xăm Khòe. Chuyến đi chỉ trong hai ngày nhưng tất cả mọi người đều nỗ lực hết mình để thắp lên ước mơ trong các em”. Ngày trở về, những tin nhắn động viên mọi người càng thôi thúc Thịnh tổ chức nhiều chuyến đi ý nghĩa như thế.

“Phượt” bằng trái tim

Tham gia vào đội Thanh niên tình nguyện sông Mã được 2 năm, Giang Hương (sinh viên năm thứ 2, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) đã có thật nhiều trải nghiệm về những chuyến tình nguyện vùng cao. “Đầu năm, mình lên Mộc Châu. Cảnh đẹp nhưng cuộc sống ở đây còn nghèo quá, người dân thiếu điện, thiếu nước sạch... Trên đường “phượt”, chúng mình qua rất nhiều địa phương nghèo như thế. Vậy thì tại sao không góp một sự sẻ chia ở những nơi đó thay vì đi tìm địa điểm tình nguyện?”, Hương bộc bạch. Sẵn máu phiêu lưu, tất cả mọi người trong đoàn đều ủng hộ ý tưởng này. Điểm tình nguyện đầu tiên cả đội đến là Phù Yên, Sơn La trong mùa đông năm ngoái. Bản làng “khát” sách học, đói rét đã được sưởi ấm bằng những thùng sách vở, quần áo cả đội quyên góp được.

Hương cho biết, những chuyến đi như thế thường rơi vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc những dịp nghỉ lễ của mọi người. Chỉ cần có người liên hệ địa bàn tình nguyện, quyên góp ủng hộ là tất cả hò nhau lên đường. “Có những chuyến bọn mình vào sâu trong bản, đường khó đi vô cùng, vượt qua chỉ 20 cây số mà mất tới gần 3 tiếng đồng hồ. Chi phí xăng xe, ăn ở đều được mọi người “cam pu chia”. Và đặc biệt, cứ đi là sau đó lại muốn đi tiếp!”.

Đi “phượt” để thỏa chí phiêu lưu thì đồ đạc gói gọn trong chiếc ba lô sau lưng, máy ảnh quàng trước ngực và cứ thế lên đường. Nhưng “phượt” tình nguyện lại thật khác. Trước mỗi chuyến đi, dân “phượt” hô hào quyên góp ủng hộ, lỉnh kỉnh nào quần áo, sách vở… những vật phẩm thiết yếu cần cho bà con bản nghèo – nơi mà họ sẽ đặt chân tới. Không chỉ được say mê khám phá, trở về với ăm ắp cảm xúc và trải nghiệm, họ còn học được cách sống vì cộng đồng.

Ảnh: Sưu tầm
Hải Phong - Huy Thịnh
Theo SVVN

Từ khóa: