Sự kiện hot
12 năm trước

PVC 'ngậm đắng' vì bất động sản

Kết quả kiểm tra đã chỉ rõ PVC đang bị mất cân đối về tài chính, một số công ty con đang hoạt động trong tình trạng khó khăn, có nguy cơ phá sản…

Kết quả kiểm tra đã chỉ rõ PVC đang bị mất cân đối về tài chính, một số công ty con đang hoạt động trong tình trạng khó khăn, có nguy cơ phá sản…

Mới đây, Ban Xây dựng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đã trình Tổng giám đốc PVN báo cáo tổng hợp năng lực hoạt động xây dựng của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên. Theo báo cáo, PVC hiện có 15 công ty con và các công ty liên kết, trong đó có 13 công ty con của PVC được phép sử dụng nhãn hiệu PVN. Các đơn vị này đều hoạt động trong nhiều lĩnh vực tập trung chủ yếu vào xây dựng dân dụng - công nghiệp; đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Sa lầy vào bất động sản

Báo cáo cho thấy PVC hiện đang mất cân đối về tài chính, đặc biệt là vốn đề đầu tư, sử dụng vốn của các dự án không đúng mục đích, không theo kế hoạch được phê duyệt…việc đầu tư còn dàn trải.

Tại thời điểm kiểm tra, PVC có vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng; nợ ngắn hạn là hơn 9.600 tỷ đồng; dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.100 tỷ đồng; Tổng số nợ gốc vay quá hạn tính đến hết năm 2011 là 993 tỷ đồng với lãi vay từ 4,9 - 21%/năm. Ngoài ra, PVC đã sử dụng vốn không đúng mục đích, đặc biệt vốn của BQL dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 ứng cho để thực hiện dự án. Đoàn kiểm tra kết luận, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc mất cân đối tài chính của PVC là do việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư tài chính dài hạn trong khi hiệu quả đầu tư tài chính thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế dẫn đến việc PVC đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết mang lại hiệu quả thấp, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, trong khi việc chuyển nhượng cổ phần của PVC tại các đơn vị này ở thời điểm hiện nay là rất khó khăn.

Báo cáo gửi Tổng giám đốc PVN cũng nêu rõ, nhóm các công ty xây dựng công nghiệp và dân dụng, các công ty có lĩnh vực đầu tư bất động sản (PVC IC, PVC Mekong, PVC MT, PVC TB, PVC HN, PVC TH, PVC Petro Land và PVCR) được coi là đang hoạt động bình thường, tuy nhiên những công ty có đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đang gặp khó khăn về tài chính, nếu không có lộ trình rút vốn sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử trường hợp của PVC HN với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, nhưng công ty đã đầu tư vào dự án khu đô thị Nam An Khánh  hơn 116 tỷ đồng song hiện vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, trong các đơn vị thành viên của PVC có tới 3 công ty (PVC ME, PVC Metal và PVC SG) đang hoạt động không hiệu quả, có nguy cơ phá sản cũng bắt nguồn từ nguyên nhân đầu tư “mở rộng" sang lĩnh vực bất động sản.

Quản lý trung gian

Báo cáo cũng nêu hiện trạng khi thực hiện các dự án (chủ yếu được chỉ định thầu), PVC chỉ hoạt động với vai trò quản lý trung gian, công tác thi công trực tiếp được giao cho các công ty con thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, PVC chỉ đóng vai trò là tổ chức trung gian với vai trò là tổng thầu nhận các công trình với chủ đầu tư, sau đó ký hợp đồng với các nhà thầu phụ là các đơn vị thành viên của PVC với giá trị thấp hơn để thu phí quản lý của các công ty này. Nguồn thu chủ yếu của PVC từ các khoản chênh lệch giữa giá nhận thầu và giá giao thầu, cổ tức và lợi nhuận được chia từ các đơn vị thành viên.

Từ kết quả kiểm tra thực tế, Ban Xây dựng PVN đã kiến nghị PVC cần tập trung xử lý một số vấn đề như: thực hiện sáp nhập hoặc hợp nhất những đơn vị hoạt động không hiệu quả; chỉ đạo các đơn vị thành viên không thực hiện đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính và có lộ trình thoái vốn tại các lĩnh vực này. Đặc biệt PVC cần nghiêm túc chấn chỉnh lại công tác quản lý, điều hành; không dùng năng lực của công ty mẹ để đấu thầu rồi chuyển toàn bộ hợp đồng cho các công ty con hoặc công ty liên kết; phải sử dụng vốn đúng mục đích và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Ngoài ra, PVC cũng cần phải có lộ trình hoàn thiện ngay mô hình Công ty mẹ. Theo đó, công ty mẹ phải tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; thoái vốn tại các đơn vị thành viên không thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính…

Theo Datviet

Từ khóa: