Sự kiện hot
13 năm trước

'Quản lý kém là nguyên nhân chính của hố tử thần'

Thi công ẩu, địa chất và thủy văn yếu nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sụp lún mặt đường là do công tác quản lý công trình ngầm tại TP HCM còn quá kém... các chuyên gia nhận định.

 Thi công ẩu, địa chất và thủy văn yếu nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sụp lún mặt đường là do công tác quản lý công trình ngầm tại TP HCM còn quá kém... các chuyên gia nhận định.

Ngày 31/8, Hội cầu đường cảng tổ chức đã tổ chức hội thảo "Quản lý công trình ngầm tại TP HCM - Thực trạng và giải pháp". Theo khảo sát của đoàn chuyên gia Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, từ tháng 7/2010 đến 30/8/2011 trên toàn địa bàn thành phố đã xảy ra 139 vụ lún sụp nền mặt đường, phân bổ khắp các quận, huyện. Trong đó, "hố tử thần" xuất hiện nhiều nhất trên địa bàn quận 1 với 37 vụ, chủ yếu trong mùa mưa.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của việc xuất hiện các "hố tử thần" thời gian qua là do công tác quản lý các công trình ngầm tại TP HCM còn quá kém.

Theo phân tích của đoàn chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lún sụp nền đường như do công trình và thi công hoặc địa chất và thủy văn. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý công trình ngầm tại TP HCM còn quá kém, dẫn đến việc thi công công trình này đụng phải công trình ngầm khác. Công trình thi công hiện hữu bị ảnh hưởng do thiếu thông tin cộng với việc thi công ẩu, sau một thời gian sẽ gây nên hiện tượng lún sụp mặt đường tạo nên những "hố tử thần" như thời gian vừa qua.

Ông Vương Hoàng Thanh, Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị cho biết, khi thi công đại lộ Đông Tây, nhà thầu đụng phải một đường dây cáp. Chủ đầu tư đã mời bưu điện đến giải quyết thì họ bảo không phải của họ, ngành điện cũng lắc đầu, đến khi nhà thầu cắt tuyến cáp này thì ngành điện lại thắc mắc tại sao cắt cáp của họ và yêu cầu đừng báo cáo việc này mà để họ tự bỏ tiền ra khắc phục.

Một "hố tử thần" trên đường Hai Bà Trưng, rộng hơn 2 m. Ảnh: Hữu Công.

Hiện, TP HCM chưa có trung tâm quản lý không gian ngầm riêng biệt, việc này bị đánh giá là gây rất nhiều khó khăn cho nhà quản lý và cả nhà thầu thi công.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, quản lý nhà nước của một số công trình ngầm hiện nay còn cát cứ thông tin. Có đến 6 đơn vị quản lý công trình ngầm như Sở GTVT, ngành điện, cấp nước, thoát nước, bưu điện và viễn thông… nên khi làm một công trình ngầm, đơn vị thi công phải chạy tới chạy lui, hết cơ quan này đến cơ quan khác để xin thông tin.

Vì vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng sụp lún mặt đường, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng thành phố phải có một trung tâm lưu trữ, quản lý các dữ liệu các công trình ngầm. Khi trung tâm này ra đời, chuyện cấp phép đào đường sẽ giao nơi này phụ trách. Trung tâm có chức năng tiếp nhận và cung cấp thông tin các công trình ngầm trong toàn thành phố.

Ông Vương Hoàng Thanh cũng đề xuất các đơn vị sử dụng công trình ngầm phải trả một khoản phí sử dụng đất cho ngân sách, lấy đó làm kinh phí để xây dựng hệ thống dữ liệu và quản lý không gian ngầm của thành phố.

"Sau này chúng ta còn làm các tuyến metro, bến xe ngầm các công trình ngập rất lớn, nếu không có quy hoạch quản lý không gian ngầm cụ thể thì tình hình sẽ rất phức tạp và gay go hơn những hố tử thần nữa. Chúng tôi sẽ đề nghị UBND TP xem xét ban hành những quy định chặt chẽ quy trình thi công các công trình ngầm trong khu vực đô thị trong thời gian sắp tới", ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cầu đường cảng TP HCM nói.

H. Công
Theo Vnexpress

Từ khóa: