Sự kiện hot
5 năm trước

Quản lý, sát hạch giấy phép lái xe: Nhiều giải pháp từ cơ quan quản lý

Báo Đời sống và Tiêu dùng số 315 ra ngày 15/8/2019 có bài: “Quản lý, sát hạch giấy phép lái xe: Bất cập lý thuyết và thực tế” phản ánh những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực quản lý, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ ở nước ta hiện nay. Liên quan vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Bộ giáo trình đào tạo lái xe ô tô hiện nay gồm 5 môn học: Luật giao thông đường bộ, Cấu tạo và sửa chữa thông thường ô tô, Nghiệp vụ vận tải, Kỹ thuật lái xe ô tô, Đạo đức và văn hoá giao thông. Giáo trình này đã được nghiên cứu biên soạn, sửa đổi nhiều lần trên cơ sở tham khảo tài liệu các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Sau khi sửa đổi lần thứ 3 vào năm 2011, giáo trình đã bổ sung nội dung giáo dục đạo đức, văn hoá ứng xử của người lái xe khi tham gia giao thông, kỹ năng xử lý các tình huống trên đường, sơ cứu người bị TNGT; Chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo lái xe được xây dựng, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

“Năm 2010, Bộ giáo trình đã được tổ chức tư vấn quốc tế đánh giá dự án tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện dự án an toàn giao thông đường bộ đánh giá chương trình, nội dung và giáo trình đào tạo lái xe của Việt Nam là phù hợp, tương tự như các nước Thái Lan, Hàn Quốc…Thậm chí có môn học mà các nước khác chưa có như đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông…”, ông Thống cho hay.

Ở khía cạnh khác, nước ta hiện nay, học viên buộc phải trải qua khoá học kéo dài hơn 90 ngày và 84 giờ học… Trước thực trạng một số cơ sở giảng dạy chưa đủ nội dung chương trình theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ đưa ra biện pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý.

“Sẽ phải lắp các ứng dụng công nghệ thông tin, lắp các thiết bị giám sát trên các xe tập lái, có nghĩa là người học phải học đủ thời gian, số kilomet thì mới được thi. Chắc chắn khi mà học đủ số giờ, số kilomet, người học kỹ năng tương đối tốt”, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái khẳng định.

Theo thống kê, cả nước hiện có 333 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 129 trung tâm sát hạch lái xe, xây dựng phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch lái xe do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, có loại hình quy mô phù hợp với sự phát triển phương tiện cơ giới đường bộ và nhu cầu đào tạo lái xe của từng địa phương. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, số lượng các cơ sở đào tạo hiện nay đang khá nhiều nên cần phải quy hoạch loại bỏ những cơ sở có chất lượng không đảm bảo.

Trước vấn đề này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, Nghị định 165 trước đây đã sửa đổi thành nghị định 38 quy định rất rõ là sân tập lái phải đảm bảo diện tích tối thiểu, bố trí các hình, mặt sân phải thảm nhựa hoặc thảm bê tông, hệ thống biển báo kẻ đường…

“Trường hợp nào không đảm bảo điều kiện thì Sở GTVT sẽ kiểm tra hoặc báo lên Thanh tra Bộ, thanh tra Tổng cục kiểm tra và sẽ thu hồi giấy phép của cơ sở. Còn việc siết chặt các cơ sở đào tạo thì không phù hợp. Bởi theo luật, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cứ miễn là ai đảm bảo đầu tư đủ cơ sử vật chất, đủ điều kiện thì hoàn toàn có thể hoạt động”, ông Thống cho biết.

Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ chỉ đạo ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong quản lý đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, để giám sát chặt chẽ và tăng tính công khai, minh bạch quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Theo đó, đối với công tác đào tạo, trong năm 2020, yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô; Trong năm 2021, yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe trang bị và duy trì ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường, bổ sung nội dung học lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.

Đối với công tác sát hạch lái xe: Trong tháng 7/2019 thực hiện sửa đổi ban hành Bộ 600 câu hỏi thay bộ 450 câu hỏi dùng cho sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; Yêu cầu các trung tâm sát hạch lái xe tại 05 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An và Đà Nẵng) lắp đặt camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình, đảm bảo kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh (dạng video) về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và chia sẻ dữ liệu với các Sở Giao thông vận tải, để tăng cường giám sát công tác sát hạch lái xe và tiến tới thực hiện trên toàn quốc trước ngày 31/12/2019. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

V. Anh - Biển Đông
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: