Sự kiện hot
5 năm trước

Quảng Bình: Phát hiện hai vụ phá rừng nghiêm trọng

Hai khu vực rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt thuộc các tiểu khu 649, 650 vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng và khu vực rừng thuộc Tiểu khu 329 lâm phận rừng Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Long Đại) bị “lâm tặc” chặt và đưa ra khỏi rừng. “khai quật” 100 phách gỗ mun trong một nhà dân.

Theo đó, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình liên tiếp phát hiện các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn. Nhưng hầu hết các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép này khi được các cơ quan chức năng phát hiện thì rừng đã bị phá với diện tích lớn và một khối lượng lớn gỗ đã được đưa ra khỏi hiện trường.

Rừng gỗ mun quý hiếm bị “xẻ thịt”

Khu rừng nguyên sinh thuộc các tiểu khu 649, 650 nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, hàng chục cây gỗ mun (một loại gỗ quý hiếm nhóm 2A) cùng nhiều loại gỗ khác đã bị “lâm tặc” triệt hạ, cưa xẻ và đưa ra khỏi rừng trót lọt.

Một gốc gỗ mun có đường kính ước gần 1m bị “lâm tặc” triệt hạ và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Một gốc gỗ mun có đường kính ước gần 1m bị “lâm tặc” triệt hạ và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Việc khai thác và vận chuyển trót lọt nhiều loại gỗ, nhất là gỗ mun quý hiếm ra khỏi rừng thực sự là một vụ việc nghiêm trọng và đáng báo động. Cùng với đó, địa điểm “lâm tặc" khai thác gỗ lại nằm trong khu vực biên giới, thuộc địa phận xã Thượng Trạch huyện Bố Trạch. Đây là địa điểm “lâm tặc” khai thác gỗ nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng di sản Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng; từ các địa bàn dân cư, "lâm tặc" ngang nhiên ra vào rừng cấm để khai thác và vận chuyển gỗ ra ngoài chỉ bằng một con đường độc đạo.

Qua kiểm tra ban đầu, có 44 cây gỗ mun bị chặt hạ, số còn lại là gỗ táu, trâm, bài lài… Dấu vết để lại, có thể thấy lâm tặc đã dùng cưa xăng để đốn hạ và thời gian khai thác vào khoảng tháng 11 và 12 năm 2018.

Hiện trường còn lại tại khu vực một cây gỗ mun sọc bị “lâm tặc” triệt hạ và xẻ thịt.
Một gốc gỗ mun có đường kính ước gần 1m bị “lâm tặc” triệt hạ và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Ngay sau khi hiện trường vụ phá rừng bị phát lộ, lực lượng chức năng của Quảng Bình đã tổ chức kiểm tra và phát hiện tại một nhà lán, nằm cạnh đường 20 - Quyết Thắng, cách Đồn Biên phòng Cồn Roàng 2km, thuộc bản Cóc, xã Thượng Trạch có chứa 40 lóng, hộp gỗ mun với gần 1m2. Ngôi nhà lán này do ông Mai Văn D (SN 1970), trú xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch thuê lại làm nhà kho.

Một lãnh đạo VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: Khu vực rừng bị “lâm tặc” khai thác gỗ trái phép chủ yếu nằm trong vùng lõi của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Vị trí lâm tặc khai thác gỗ cách Đồn Biên phòng Cồn Roàng khoảng hơn 1km, nằm cách đường tuần tra biên giới đang được thi công.

Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, vụ phá rừng nghiêm trọng này do một số đối tượng ở xã Sơn Trạch, Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) và dân bản thực hiện. Còn có ai đứng đằng sau hay không thì cần phải điều tra làm rõ.

Khu rừng lim cũng bị “lâm tặc” triệt hạ không thương tiếc

Trong một diễn biến khác, tại tiểu khu 329 - lâm phận rừng Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Long Đại) nằm ở xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) - nơi lực lượng kiểm lâm phát hiện hàng chục cây gỗ quý "không cánh mà bay".

Hiện trường tại khu vực một cây gỗ lim bị “lâm tặc” triệt hạ, số gỗ đã bị lấy đi
Một gốc gỗ mun có đường kính ước gần 1m bị “lâm tặc” triệt hạ và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Điểm rừng có nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ chỉ nằm cách Trạm bảo vệ rừng Trường Sơn khoảng 3km, trên nhánh Tây đường mòn Hồ Chí Minh (đoạn gần cầu Zìn Zìn). Tại hiện trường, hàng chục gốc lim, gõ, chua... lớn có đường kính từ 60 - 120cm bị "lâm tặc" đốn hạ, hiện trường chỉ để lại nhiều phách gỗ, nhành cây, bìa gỗ nằm ngổn ngang.

Qua kiểm đếm ban đầu của cơ quan chức năng tại Tiểu khu 329 - lâm phận rừng Trường Sơn có 45 cây gỗ bị triệt hạ. Trong đó có 26 cây gỗ lim, 17 cây gõ và 2 cây gỗ chua. Hiện trường còn lại 45 khúc gỗ có khối lượng hơn 16m2, riêng gỗ lim là 13,6m2 và nhiều bìa bắp, cành, nhánh. Kiểm lâm cũng phát hiện thêm gần đó còn có 67 hộp gỗ lim và gõ với khối lượng gần 5 m2 được cất giấu.

Đáng nói hơn, khu vực rừng bị chặt phá nằm không quá xa so với đường lớn cũng như trạm bảo vệ rừng.

Theo nhận định, vụ phá rừng này được xảy ra trong khoảng cuối năm 2018, tuy nhiên đến giữa tháng 3-2019, lực lượng kiểm lâm huyện Quảng Ninh tuần tra rừng mới phát hiện được.

Theo đó, sau khi nhận thông tin về vụ phá rừng gỗ lim quý ở Tiểu khu 329 thuộc lâm phận Trường Sơn do Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại quản lý, công ty đã chỉ đạo Giám đốc Chi nhánh lâm trường Trường Sơn kỷ luật cách chức đối với ông Hoàng Văn Toản - Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng. Ông Toản và 3 nhân viên của trạm đã bị thuyên chuyển qua công tác khác.

Hiện Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh khẩn trương hoàn tất hồ sơ để chuyển cho Công an huyện Quảng Ninh khởi tố vụ án.

“Khai quật” kho gỗ mun khủng trong một nhà dân

Trong một diễn biến khác, chiều 28/3, tin báo của người dân cho biết tại vườn ông Nguyễn Trung Kính (trú bản Mé Lỳ, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) có một số phách gỗ mun quý hiếm. Ngay sau đó các lực lượng chức năng đã có mặt xác minh sự việc.

Sau khi kiểm chứng thông tin, lực lượng chức năng nhận định đây có thể là số gỗ tang vật của hai vụ phá rừng vừa được phát hiện ở VQG Phong Nha - Kẻ Bàng gần đây. Mặt khác, nghi ngờ trong vườn gia đình này còn có nhiều khu vực cất giấu gỗ nên đã cử cán bộ, chiến sĩ canh gác suốt đêm, không để lâm tặc tẩu tán tang vật.

Lực lượng chức năng khai quật kho gỗ mun quý hiếm tại vườn nhà ông Kính.
Một gốc gỗ mun có đường kính ước gần 1m bị “lâm tặc” triệt hạ và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

Đến sáng 29/3, lực lượng hơn 30 người gồm Bộ đội biên phòng và cán bộ kiểm lâm đã được huy động để vận chuyển số gỗ gồm 23 phách gỗ mun trong vườn ông Kính. Tiến hành tìm kiếm xung quanh, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện cạnh một con suối khô trong vườn 2 hầm gỗ được chôn kĩ dưới lòng đất chứa nhiều phách gỗ màu đen, dài khoảng 3 mét nghi gỗ mun.

Sau khi “khai quật” các hầm đựng gỗ trên lực lượng chức năng thu giữ tổng gần 100 phách gỗ mun với khổi lượng hơn 4,5m2, được xẻ vuông vích có đường kính từ 30 - 50cm, dài khoảng từ 3 đến 4m.

Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, sau khi nhận được tin báo đã chỉ đạo trạm kiểm lâm Thượng Trạch vào cuộc và tìm ra các hầm gỗ này. Vì đây là khu vực trong vườn nhà dân, lại thuộc vùng đệm, khu vực biên giới nên Hạt kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã báo với đồn biên phòng Cồn Roàng, các lực lượng chức năng huyện Bố Trạch đưa lượng gỗ lậu ra khỏi địa bàn càng sớm càng tốt, tránh phức tạp và tẩu tán hoặc cướp gỗ.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Hạt phó hạt kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nhận định, việc chôn giấu gỗ là rất tinh vi, chuyên nghiệp dưới lòng đất. Gỗ được bọc cẩn thận trong bạt nhựa. Để cất giấu số lượng gỗ lớn và tinh vi như vậy cần phải có sự tiếp tay của nhiều người, và có thể được chôn vào ban đêm để tránh sự phát hiện của người dân xung quanh và lực lượng chức năng.

Bùi Tuấn
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: