Sự kiện hot
12 năm trước

Quốc hội đề nghị làm rõ lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu

Gửi ý kiến chất vấn với người đứng đầu ngành tài chính - Vương Đình Huệ, nhiều đại biểu Quốc hội đặt lại vấn đề tại sao giá xăng dầu thế giới giảm, trong nước vẫn đứng im.

Gửi ý kiến chất vấn với người đứng đầu ngành tài chính - Vương Đình Huệ, nhiều đại biểu Quốc hội đặt lại vấn đề tại sao giá xăng dầu thế giới giảm, trong nước vẫn đứng im.


Người đứng đầu ngành tài chính - Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Ảnh: Hoàng Hà.

Đại biểu Phan Vân Điền Phương, đoàn An Giang cho rằng giá cả nhiều mặt hàng hiện nay không ổn định, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi đều tăng giá, đặc biệt là xăng dầu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân lao động. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết có hiệu quả việc bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu này", đại biểu Phương nói.

Ông Huỳnh Nghĩa, đoàn TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết cụ thể công tác điều hành, quản lý mặt hàng xăng dầu trong nước. Đại biểu này đặt câu hỏi: "Với giá xăng dầu hiện nay thì các công ty kinh doanh xăng dầu có lãi hay lỗ? Có hay không hiện tượng 'làm giá' giữa một nhóm nhỏ các doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực này?".

Cho rằng, giá xăng dầu trong nước và thế giới có sự chênh lệch đáng kể, cách thức điều hành cũng chưa thực sự hợp lý, đại biểu Trương Thị Ánh, đoàn TP HCM chất vấn: "Tại sao giá thế giới hạ nhiệt, giá bán lẻ trong nước lại không giảm? Có phải do kinh doanh 2 ngành này thực sự lỗ hay do công tác quản lý điều hành về giá của Bộ thời gian qua lỏng lẻo, chưa thật sự kiên quyết điều hành giá giảm khi cần thiết".



Nhiều đại biểu Quốc hội thắc mắc việc giá thế giới giảm liên tục, xăng dầu trong nước vẫn đứng im. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài xăng dầu, bà Ánh còn đặt vấn đề về công tác quản lý giá điện và tại sao có chuyện năm 2011, mặt hàng này lại tăng liên tục. "Sắp tới, Bộ sẽ thể hiện vai trò điều hành của mình như thế nào để quản lý hiệu quả nhất giá cả hợp lý các mặt hàng nói trên, không gây đột biến làm biến động lớn giá cả sinh hoạt ảnh hưởng đời sống nhân dân?", bà Ánh nêu câu hỏi.

Trả lời các ý kiến trên, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng thời gian qua, giá cả thị trường và lạm phát của VN có xu hướng tăng cao do các nguyên nhân sâu xa và tiềm ẩn. Đó là những yếu kém vốn có của nền kinh tế dồn tích lại từ nhiều năm chưa được khắc phục có hiệu quả như khả năng cạnh tranh của yếu, chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp; cơ cấu đầu tư kém hiệu quả. Điều này đã gây sức ép lạm phát và đã thực sự bộc lộ khi kinh tế thế giới biến động bất lợi.

Bên cạnh đó, việc VN đang phải nhập một lượng lớn hàng hóa là nguyên vật liệu về để sản xuất trong nước, khi giá thế giới tăng sẽ ảnh hưởng nhất định đến sản phẩm đầu ra. Hiện nay xăng, dầu thành phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (khoảng 70%), 30% còn lại là từ nguồn trong nước. Vì vậy, khi giá thế giới biến động, giá bán lẻ trong nước chịu ảnh hưởng theo.

Theo Bộ trưởng Huệ, việc điều hành vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 84 của Chính phủ trên cơ sở: Thực hiện theo cơ chế giá thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Song, ông cũng thừa nhận thời gian qua trong một số lần điều chỉnh giá, các đơn vị chức năng đã chưa chú ý đúng mức tới thói quen, tập quán của người tiêu dùng. Vì vậy, các đợt tăng giá bị hiểu lầm là liên tiếp, dồn dập, gây tác động bất lợi đến tâm lý người tiêu dùng và ảnh hưởng nhất định đến giá cả một số mặt hàng khác.

Liên quan đến câu hỏi doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ hay lãi và có hay không hiện tượng làm giá giữa một nhóm nhỏ doanh nghiệp độc quyền, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết 3 đoàn thanh tra đã kết thúc đợt làm việc tại một số đơn vị đầu mối. Bộ Tài chính sẽ công khai bản báo cáo này và khi đó, lỗ, lãi sẽ được minh bạch hóa.

Đối với mặt hàng điện, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng việc tăng giá là bất khả kháng, Nhà nước không thể thực hiện bao cấp mãi được. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá bán điện mới tăng có một lần (ngày 1/3) từ 1.077 đồng mỗi kWh lên 1.242 đồng một kWh. Do vậy, việc đại biểu Quốc hội nói điện tăng giá nhiều lần trong năm 2011 là chưa chính xác.

Theo ông Huệ, đợt điều chỉnh ngày 1/3, giá điện vẫn chưa tính đúng, tính đủ một số yếu tố đầu vào. Một khoản lỗ lũy kế khá lớn tính đến ngày 31/12/2010 đã bị khoanh lại để phân bố sang các năm tiếp theo.

Ông Huệ khẳng định Chính phủ đã phải rất cân nhắc trong việc điều hành giá bán điện, bởi nếu tính đúng, tính đủ, giá điện đã lên mức rất cao.

Hoàng Hà 
Theo VnExpress


 

Từ khóa: