Sự kiện hot
5 năm trước

Ram tôm đất Quảng Nam: Tạo việc làm, tăng thu nhập

Không biết từ bao giờ, chả ram tôm đất đã trở thành một trong những món khai vị khó ai có thể quên sau mỗi lần dùng của người dân đất Quảng…

Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương cùng cách làm sáng tạo, linh hoạt, chỉ sau hơn 2 năm ra đời, sản phẩm tôm đất của cơ sở sản xuất ram Minh Nga (thôn Bình Khương, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã có mặt ở nhiều công ty, siêu thị mini của các tỉnh, thành phố lớn. Nhờ vào đó đã góp phần giải quyết lao động cho hơn 10 phụ nữ tại địa phương.

Chả ram tôm – món ngon xứ Quảng

Những năm gần đây, tại Quảng Nam, từ vỉa hè quán cóc cho đến các nhà hàng sang trọng, chả ram luôn là món được gọi nhiều nhất. Nguyên liệu món đặc sản này khá đơn giản, chỉ gốm bánh tráng mỏng, tôm đất, ít thịt mỡ và thêm những gia vị cần thiết. Chính vì nguyên liệu đơn giản như vậy, kết hợp nước chấm đậm đà, cùng với rau sống tươi ngon , sạch đã tạo nên một món ăn đặc sản mang sức hấp dẫn không thể chối từ.

Nguyễn Thị Nga, chủ Cơ sở sản xuất ram Minh Nga đang làm công đoạn phơi ram
Nguyễn Thị Nga, chủ Cơ sở sản xuất ram Minh Nga đang làm công đoạn phơi ram

Chị Nguyễn Thị Nga - Chủ Cơ sở sản xuất ram Minh Nga cho hay: “Ram, chả vốn là món khai vị đặc sản của xứ Quảng làm từ những nguyên liệu có sẵn của người dân địa phương”.

Từ nhỏ chị đã gắn bó với con sông Trường Giang, chị Nga nghĩ tại sao mình lại không tận dụng nguồn tôm đất của quê hương để đưa sản phẩm ram đến với các tỉnh, thành phố khác. Theo đó, chị Nga thu mua tôm của người dân địa phương vừa đánh bắt, tôm đất chọn loại tươi, tốt nhất là vừa mới bắt, như thế thịt mới săn và ngọt. Tốt nhất là để nguyên con để cuốn, nếu loại tôm to có thể cắt làm 2. Không băm nhỏ, như thế khi ăn không cảm nhận được vị ngọt từ tôm đất.

Thịt heo chị cũng chọn kỹ từ những con heo nuôi bằng rau, cám, chọn làm chả ram loại ba chỉ phần gáy như thế mới cho hương vị đúng điệu và ăn không bị ngấy. Tôm, thịt làm sạch, ướp gia vị cho thấm rồi xào. Bánh tráng cũng phải là loại bánh từ các tỉnh Bình Định, Bình Thuận để giữ độ giòn lâu sau khi chiên.

“Chả ram tôm đất không cần quá nhiều nguyên liệu như các loại chả ram khác (nấm mèo, bún, cà rốt), chỉ đơn giản là tôm đất và thịt heo mỡ xay, đó chính là cái tạo ra hương vị thơm ngon riêng cho món ăn”, chị Nga chia sẻ.

Miếng chả ram giòn tan của lớp bánh tráng chiên ở ngoài, bên trong có thịt tôm đất vàng ruộm, ngầy ngậy của thịt mỡ, hương vị hấp dẩn rất đặc biệt, là món ăn dễ gây nghiện cho nhiều thực khách đặc biệt là các vị khách nhí rất khoái món này.

Chả ram tôm đất thường được làm trong các dịp hội ngộ bạn bè, gia đình, hay dịp giỗ, lễ, hay đãi khách, nó làm hài lòng người ăn bởi sự đơn giản, gần gũi trong cách làm và hương vị ngon say mê. Tùy theo những dịp lễ, tết hay giỗ chạp nhiều thì số lượng tiêu thụ sẽ tăng thêm nhưng trung bình, mỗi ngày cơ sở của chị Nga cung cấp cho thị trường 20 - 40kg ram. Mỗi tháng doanh số đạt 60 đến 70 triệu đồng. Đặc biệt dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, chị đã bán được hai tấn ram.

Nhớ lại những ngày đầu mới sản xuất, chị Nga kể: “Khi đó, rất nhiều khó khăn. Thị trường chưa chấp nhận sản phẩm này, việc sản xuất cũng không ổn định. Chị chấp nhận lỗ vốn và kiên trì, tìm hiểu nhu cầu thị trường để chọn hướng phát triển lâu dài”. Nắm được phân khúc người tiêu dùng nên ram tôm có 2 loại, loại 2 có mức giá bình dân hơn so với loại 1. Ngay cả việc nêm nếm gia vị, tùy theo thị trường mà chị sẽ cho gia vị khác nhau. Nếu ở miền Nam sẽ hơi ngọt hơn, còn ở miền Trung thì sẽ mặn và pha cay”.

Tạo việc làm, tăng thu nhập

Hiện cơ sở của chị Nga đã hoạt động ổn định, qua đó góp phần giải quyết lao động cho hơn 10 phụ nữ tại địa phương. Chị Nga tâm sự: “Tôi mong thời gian tới sẽ mang chả ram tôm đất nơi đây là cơ sở chuyên sản xuất và phân phối trên khắp cả nước, là đối tác lâu năm, tin tưởng của nhiều đại lý, nhà phân phối, các cửa hàng thực phẩm sạch, các cá nhân bán lẻ, các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu… cơ sở sản xuất phát triển hơn sẽ có thể kêu gọi nguồn lao động tại địa phương, góp phần giải quyết lao động cho người dân nơi đây”.

Những phụ nữ địa phương làm sản xuất ram tôm đất kiếm thêm thu nhập
Nguyễn Thị Nga, chủ Cơ sở sản xuất ram Minh Nga đang làm công đoạn phơi ram

Gắn bó với Cơ sở ram Minh Nga từ những ngày đầu mới thành lập, chị Lương Thị Mến (31 tuổi, thôn Bình Khương, xã Bình Giang) cho hay: “Làm ở đây nhẹ nhàng mà thu nhập ổn định. Ngoài ra tranh thủ thời gian nghỉ ngơi có thể chở con đi học, đi chợ, nấu ăn cho gia đình”. Cứ một ký ram, chị Mến được trả tiền công 20 nghìn đồng. Như vậy, tùy theo năng suất, mỗi tháng chị có thể kiếm được 3 - 4 triệu đồng. Đó đã là nguồn thu nhập ổn định cho những phụ nữ nông thôn như chị.

Như trường hợp của chị Lê Thị Thúy (34 tuổi, thôn Bình Khương, xã Bình Giang), thường ngày công việc chính của chị là kéo rớ tại ven bờ sông Trường Giang, thả lưới vào 5h chiều và kéo lưới vào 3, 4h sáng hằng này. Đến nay ngoài việc làm chính thì chị Thúy còn có thể làm thêm việc gói ram tôm thịt tại cơ sở của chị Nga vào thời điểm ban ngày để kiếm thêm thu nhập. Chị Thúy cho biết, mỗi tháng, chị thu nhập thêm được 3 - 4 triệu đồng. Với số tiền này, chị có thể phụ thêm cùng chồng trang trải cuộc sống gia đình.

Sản phẩm ram tôm đất Quảng Nam
Nguyễn Thị Nga, chủ Cơ sở sản xuất ram Minh Nga đang làm công đoạn phơi ram

Đánh giá cao hiệu quả của Cơ sở sản xuất ram Minh Nga, chị Nguyễn Thị Cảnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Giang cho biết: “Đây là cơ sở sản xuất ram đầu tiên của địa phương. Qua hơn một năm sản xuất, cơ sở đạt được kết quả rất tốt, giải quyết việc làm cho lao động nữ của địa phương. Thời gian đến, Hội LHPN xã sẽ nhân rộng mô hình này nhằm giải quyết thêm nhiều lao động trên địa bàn”.

Yến Nhi
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: