Sự kiện hot
11 năm trước

Rùng mình nuôi cá bằng nước thải

Dantin - Trong dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, kèm thêm những mùn chất nhầy màu vàng, đàn cá giống nhỏ xíu chen chúc nhau đớp mồi. Chỉ hai tháng sau, đàn cá ấy dù không được “nuôi” bằng bất cứ thức ăn nào vẫn lớn nhanh như thổi.

Dantin - Trong dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, kèm thêm những mùn chất nhầy màu vàng, đàn cá giống nhỏ xíu chen chúc nhau đớp mồi. Chỉ hai tháng sau, đàn cá ấy dù không được “nuôi” bằng bất cứ thức ăn nào vẫn lớn nhanh như thổi. Nhiều người mua cá đã giật mình ớn lạnh khi trong bụng cá có cả kim tiêm, các mảnh vụn của túi nilon thậm chí cả bao cao su…

Lớn nhanh thần tốc!

Được người chỉ dẫn, PV Đời sống &Tiêu dùng có mặt tại hồ Đống Đa (Q.Đống Đa, Hà Nội) để “cận cảnh” nuôi cá kiểu siêu tốc trên. Dọc một dải ven hồ là những ao nhỏ được quây bằng các tấm lưới sắt chèn trước ống cống và vài trăm mét lưới cước dày chăng xung quanh khu vực nuôi. Ông T., một chủ ao nói: “Này nhé, không cần mất công đào ao, còn tận dụng được nguồn thức ăn từ nguồn nước thải, cá lại lớn nhanh như thổi, khi đến kỳ thu hoạch con nào cũng to, cũng béo ngậy, rất dễ bán trên thị trường với giá cao nên chẳng tội gì không làm”. Ông T. cũng bảo chính vì những “cái lời không kể xiết ấy”, nên “công nghệ” nuôi cá bằng cống nước thải đang được xem là “mốt” thịnh hành ở hồ Đống Đa này Ông L., một chủ nuôi cá khác tại đây cho biết: “Nói thế thôi chứ nuôi cá kiểu như thế này cũng phải có công nghệ riêng của nó, từ chỗ chọn cá giống, khoanh vùng nuôi lẫn tìm cách “kích” cho chúng lớn cũng cả là một nghệ thuật”. Theo lời ông L., cá giống được chọn thả “cũng phải thích nghi với nước thải” “ Đó là những loài cá ăn tạp, ít bị tác động của ngoại cảnh và dịch bệnh, tỷ lệ sống và giá bán tương đối cao, như rô phi, chép, trôi…Chứ loại khác gặp nước thải kiểu như thế này thì chết sạch”, ông L. nói.

Ngoài việc trông ao cá thì chủ nuôi không cần cho ăn thêm một thức ăn nào khác, thu lời hàng chục triệu trên một lứa nuôi

Vẫn theo ông L., cá giống sẽ được chủ ô nuôi thả vào giữa tháng hai, đầu tháng ba sau từ bảy đến chín tháng không cần qua công đoạn chăm sóc, hay cho ăn thêm bất cứ thức ăn nào mà vẫn lớn nhanh như thổi. Từ khi thả giống trọng lượng từ 35 đến 50 con/1kg cho đến khi thu hoạch cá đạt trọng lượng từ 2 đến 3,5kg/1 con tùy từng loại cá. Các chủ ô nuôi thu lãi hàng chục triệu đồng mỗi lứa nuôi.

Những con cá giống không chịu được nguồn nước ô nhiễm nên chết hàng loạt

Vẫn tại hồ Đống Đa, cạnh những vũng nước đen ngòm, chảy từ trong ống cống ra bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhiều ông chủ mải miết vớt những con cá giống không chịu được dòng nước ô nhiễm nặng đã chết trương phềnh, dắt đầu vào khe lưới sắt, ruồi nhặng bâu đen kịt.

Không chỉ có hồ Đống Đa, tại một số hồ khác thuộc địa bàn thành phố Hà Nội như Phú Diễn, Hải Vối, Yên Sở…việc nuôi cá bằng nước thải cũng trở nên phổ biến.

Đóng vai một người nuôi thủy sản ở hồ công cộng tại tỉnh Hà Nam lên Thủ Đô học hỏi kinh nghiệm nuôi cá, tôi được ông Minh chủ một hồ nuôi cá thuộc khu vực Yên Sở, chỉ bảo: “Trước khi nuôi, phải mua lưới về chằng chống cấn thận phòng cá vượt ra ngoài, cá nuôi là những loài ăn tạp và dễ sống, Điều đặc biệt quan trọng là cá phải thả vào mùa xuân chừng tháng hai đến tháng ba, khoảng thời gian này nước không bị ô nhiễm nặng mấy, chứ đến mùa hè, trời nắng nóng nước hôi thối thì thả bao nhiêu chết bấy nhiêu. Sau một thời gian thả nếu cá thích nghi tốt, thì không cần cho ăn gì cả vẫn lớn nhanh như thổi, lại rất ít dịch bệnh xảy ra…”

Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, kèm thêm những mũn chất nhầy màu vàng nhạt chảy ra từ trong ống cống. Đàn cá thi nhau đớp

Bao cao su và kim tiêm trong…bụng cá!

Những người dân sống xung quanh hồ từ khi thấy xuất hiện việc khoanh vùng nuôi cá trước cổng nước thải, bây giờ ra chợ không còn dám nhìn đến hàng cá nữa, sợ mua phải các loài cá mất vệ sinh. Bác Hoa một người sống ở Hồ Diễn nói: “Thấy người ta nuôi cá như vậy, bây giờ nghĩ đến việc ăn cá tôi đã thấy gai cả người rồi chứ đừng nói gắp bỏ vào miệng…”

Theo những người dân sống cạnh hồ Đống Đa cho biết, đến kỳ thu hoạch cá, những ông chủ nuôi sẽ đưa khách hàng đánh ô tô đến nhập ngay tại hồ, sau đó, cá được phân phát đi tất cả các chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội, trực tiếp đến các nhà hàng vào tận bữa ăn của mỗi gia đình mà chẳng ai biết.

Trót mua phải cá nuôi bằng nước thải, nhiều bà nội trợ không khỏi rùng mình khi mổ bụng cá ra thấy các vật lạ như bùn đất thối, kim tiêm, thậm chí cả bao cao su, túi nilon…

Chị Hồ Thị Lành ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm (Hà Nội) sợ hãi kể lại: “Hôm ấy nhà có việc tôi mua con cá chép hơn 2 cân rưỡi về om dưa, khi mổ bụng ra tôi thấy có một chiếc kim tiêm ngắn, găm bên trong ruột con cá, chọc thủng ra phần thịt bắt đầu thâm đen, tôi sợ quá, phải vứt đi. Còn những chị cùng cơ quan tôi kể có hôm mổ cá ra thấy cả bao cao su, hoặc các mảnh vụn của túi nilon, bây giờ nhắc đến tôi vẫn thấy ớn lạnh” Chị Bùi Thị Luyến một người dân ở phường Đội Cấn, nhiều lần mua phải cá nuôi bằng nước thải, cho biết : “Bây giờ ra chợ mua cá, con nào cũng nằm trong chậu dãy đành đạch, béo ngậy, da đẹp, nhìn bên ngoài không biết được đâu là cá sông, cá hồ, hay cả nuôi bằng cống nước thải. Nếu cứ sợ thì đành nhịn vậy!”.

Bài và ảnh Sỹ Thành

Từ khóa: