Sự kiện hot
12 năm trước

Sàn trực tuyến: Đông khách thời khủng hoảng

Thống kê của những sàn thương mại điện tử B2B lớn nhất thế giới cho thấy, các sản phẩm Made in Vietnam như nông sản, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng... luôn giữ thứ hạng cao nhất trong kết quả tìm kiếm của các nhà nhập khẩu.

Thống kê của những sàn thương mại điện tử B2B lớn nhất thế giới cho thấy, các sản phẩm Made in Vietnam như nông sản, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng... luôn giữ thứ hạng cao nhất trong kết quả tìm kiếm của các nhà nhập khẩu.

Hàng Việt "tăng hạng"

Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu qua các kênh truyền thống của Việt Nam cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nói chung. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn dự kiến trước đó 0,3%. Citigroup cũng hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 2,9%.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hồi đầu tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của Việt Nam mới chỉ đạt mốc 45 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với mục tiêu 106 tỷ USD đề ra cho cả năm.

Tuy vậy, một tín hiệu lạc quan ban đầu là kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đã tăng 1,5% so với tháng trước, đạt 9,1 tỷ USD. Giải thích cho xu hướng tăng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: "Trong khó khăn chung, vẫn có những cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Chẳng hạn như thị trường Nhật Bản và Tây Âu trước đây có những tiêu chuẩn rất khắt khe, nhưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thì dường như xu hướng tiêu thụ hàng hóa tương đối tốt và giá rẻ của những nước đang phát triển lại nhiều hơn".

Khảo sát trên Alibaba.com cho thấy, cùng với các thị trường sôi nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, Việt Nam hiện thuộc top 10 quốc gia và khu vực có sản phẩm được quan tâm tìm kiếm nhiều nhất. Các nhà nhập khẩu tìm đến Việt Nam với mong muốn tìm nguồn hàng thay thế với chất lượng ổn định và giá thành hợp lý hơn so với những thị trường nhập khẩu truyền thống.

Trong tháng 3/2012, 4 nhà nhập khẩu về văn phòng phẩm, đồ gia dụng, nội thất, dệt may, da giầy và nhựa công nghiệp (Office Depot, Home Retails Group, LiDL, Popular Plastics) và một đoàn doanh nghiệp của Tây Ban Nha, Chile cũng đã đến Việt Nam tìm nhà cung cấp. Vào đầu tháng 7/2012, dự kiến sẽ có thêm một đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam để thiết lập quan hệ làm ăn.

"Lên sàn" xuất khẩu để né khó khăn

Tuy các nhà nhập khẩu tại những phát triển đang rất quan tâm đến nguồn hàng từ thị trường mới nổi như Việt Nam, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn khách hàng tiềm năng này. Việc thiếu thông tin và cơ hội để "trình diễn" năng lực, sản phẩm của mình là hai rào cản được nhiều doanh nghiệp chỉ ra nhiều nhất.

Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong điều kiện đó, thương mại điện tử dường như là một giải pháp tối ưu cả về thời gian, không gian lẫn chi phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Kimmy Cheng, phụ trách bộ phận mua hàng của tập đoàn nhập khẩu Office Depot chia sẻ rằng trước đây, hãng chỉ chủ yếu tham gia các kênh truyền thống như hội chợ để tiếp cận với nhà sản xuất và sản phẩm.

"Thế nhưng kênh này ngày càng ngốn nhiều chi phí và không phải lần nào qua hội chợ cũng tìm thấy đối tượng/sản phẩm ưng ý. Chính vì thế, thương mại điện tử đang trở thành kênh chính thức của chúng tôi để tiếp cận nhà sản xuất gốc. Chúng tôi có thể tiếp cận họ bất cứ lúc nào, không bị bó buộc bởi thời gian, không gian tổ chức hội chợ và quan trọng là có được thông tin chủ động từ cả hai phía".

Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình ứng dụng thương mại điện tử năm 2011 cho thấy xu hướng ngày càng hiệu quả của thương mại điện tử. Tỷ lệ trung bình các doanh nghiệp đánh giá doanh thu tăng lên qua kênh này từ năm 2006 tới năm 2011 là 60%. Mặc dù vậy, báo cáo này cũng thừa nhận việc nhiều doanh nghiệp Việt chưa nhận thức đầy đủ, hoặc thiếu thông tin về những lợi ích mà từ việc "lên sàn thương mại điện tử" có thể mang lại.

Y Lam
Theo Vietnamnet

Từ khóa: