Sự kiện hot
6 tháng trước

Sasco của ông Johnathan Hạnh Nguyễn kinh doanh ra sao trong quý 3/2023?

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - Mã: SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với 714 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 72% so với cùng kỳ nhờ tình hình kinh doanh được khôi phục bình thường, sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.

SASCO của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lãi lớn trong quý đầu năm 2023
Sasco của ông Johnathan Hạnh Nguyễn kinh doanh ra sao trong quý 3/2023?

Theo đó, về cơ cấu doanh thu, nguồn thu chủ yếu của Sasco đến từ việc bán hàng hóa tại các cửa hàng miễn thuế tại sân bay với 310 tỷ đồng, chiếm 43%, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động phòng chờ đạt 150 tỷ đồng, bán hàng hóa tại trung tâm thương mại đạt 64 tỷ đồng, doanh thu từ các hoạt động khác đạt 190 tỷ đồng. 

Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Sasco đạt 131 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với quý III/2022. Đây cũng là quý Sasco có lợi nhuận cao nhất trong 17 quý, tính từ quý II/2019.

Biên lãi gộp đạt 59%, cải thiện 7 điểm % so với quý III/2022. Trong kỳ, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cùng tăng 82% so với cùng kỳ lên lần lượt 210 tỷ đồng, 100 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 1.887 tỷ đồng doanh thu tăng 124%, lợi nhuận sau thuế đạt 241 tỷ đồng tăng 99% so với cùng kỳ.

Bảng cân đối kế toán cũng thể hiện tình hình tài chính lành mạnh của Sasco. Cuối tháng 9/2023, công ty sở hữu 1,500 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó hơn 50% là tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn. Nợ ngắn hạn ở mức 880 tỷ đồng, phần lớn là phải trả người bán ngắn hạn. Công ty không vay nợ ngân hàng.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, tổng tài sản của Sasco đạt 2.354 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương với tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 717 tỷ đồng, chiếm 30% tài sản. 

Tính đến cuối quý III, Saco không vay nợ. Vốn chủ sở hữu đạt 1.473 tỷ đồng bao gồm 134 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Sau kết quả ấn tượng của quý 3, giá cổ phiếu SAS của Sasco tăng gần 9% trong phiên 18/10, dù thị trường chung giảm mạnh. Kết phiên 18/10, cổ phiếu tăng 8,55% và giao dịch ở mức 25.400 đồng/cp, tương đương vốn hóa hơn 3.390 tỷ đồng.

Năm nay, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần 2.252 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 274 tỷ đồng. Với 285 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, Sasco đã vượt 4% kế hoạch lợi nhuận năm vàthực hiện 84% mục tiêu doanh thu.

Picture 3

Được biết, công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Southern Airports Services JSC – SASCO) tiền thân là Công ty Dịch vụ cảng Hàng không Sân bay miền Nam được thành lập ngày 22/04/1993. Sau thời gian phát triển và tái cấu trúc sau cổ phần hóa, năm 2015 SASCO đã chính thức đưa cổ phiếu vào giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán SAS (sàn UPCoM). SASCO được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả cao, liên tiếp 11 năm liền nằm trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt nam (Top 50 Vietnam The Best); Top 10 Doanh nghiệp bán lẻ Uy tín nhất; Top 500 Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (Profit 500); ba năm liên tục nằm trong "Top 10 thương hiệu phát triển bền vững trong lĩnh vực thương mại dịch vụ", Thương hiệu Quốc gia (2016-2018).

Với tầm nhìn người dẫn đầu và hơn 25 năm kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ sân bay, đến nay SASCO đã phát triển lớn mạnh, tạo dựng một vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị hoạt động hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng sự lớn mạnh của ngành hàng không Việt Nam, SASCO tiên phong phát triển các loại hình dịch vụ thương mại sân bay chất lượng cao, bắt kịp xu thế hội nhập và mang lại những giá trị thiết thực, cao nhất là sự hài lòng của các hãng hàng không, hành khách khi đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sự phát triển toàn diện của SASCO đã góp phần đổi mới mạnh mẽ các hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh, đưa các dịch vụ tại Sân bay Tân Sơn Nhất từng bước đi lên, ngang tầm các sân bay quốc tế trong khu vực. Phát huy thành quả đạt được và trên cơ sở nhận diện rõ những khó khăn, thách thức cùng cơ hội kinh doanh, SASCO tiếp tục chiến lược phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Khẳng định và quyết tâm giữ vững vị thế là nhà cung cấp dịch vụ thương mại sân bay hàng đầu. Thực hiện chiến lược cạnh tranh bằng sự khác biệt, đem lại nhiều hơn giá trị gia tăng cho đối tác khách hàng, tạo ra nhiều giá trị mới cho các chủ thể có liên quan và cộng đồng, xã hội.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: