Sự kiện hot
7 năm trước

Sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị về chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng

Sáng nay 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.

Sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn chưa thống nhất của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Theo đó, các nội dung của dự án Luật được đưa ra để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật; Về nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại; Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (Điều 147); Quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng hợp tác xã và các tổ chức tín dụng khác được cho vay đặc biệt (Điều 147c); Phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Phương án phá sản; Quy định đối với sở hữu chéo, đầu tư chéo; Vấn đề lãi suất...

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh; xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng.

Việc sửa đổi toàn diện các quy định tại Luật này cần tiến hành đồng thời với việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

“Do vậy, xin được giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều mà chưa sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (Điều 147), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức…

Với các vấn đề lớn được nêu ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và nhất trí với phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không dùng ngân sách để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

“Không quy định trong Luật này các quy định về thuế để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật nhưng giao Chính phủ xem xét lại để khi sửa đổi Luật thuế thì có tính đề xuất này của cơ quan soạn thảo, của ngân hàng không”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý có quy định về phá sản, nhưng thêm điều: Trong trường hợp đặc biệt để đảm bảo an toàn hệ thống thì Chính phủ có quy định chi tiết để xử lý, tránh đổ vỡ hệ thống.

“Về vấn đề miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (Điều 147), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ điều này trong dự thảo”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.

Riêng với vấn đề về "chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”, tại phiên thảo luận hôm nay còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đưa ra kết luận và đề nghị Chính phủ giải trình thêm. Vấn đề này sẽ đưa ra Quốc hội thảo luận và xin ý kiến Bộ Chính trị.

Trước đó, giải trình thêm về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong trường hợp các tổ chức tín dụng quá yếu kém, các cổ đông không có năng lực tài chính để phục hồi tổ chức tín dụng đó thì “đương nhiên phải mất quyền và nghĩa vụ của họ với tư cách là cổ đông”. Họ chuyển giao quyền đó cho tổ chức nào tự nguyện và có đủ năng lực theo quy định của luật để tiếp quản. Trong trường hợp này bắt buộc phải xử lý như vậy để chuyển giao cho các nhà đầu tư mới.

Xuân Phong
Theo Báo Tin tức/TTXVN

Từ khóa: