Sự kiện hot
12 năm trước

Siêu thị "né" áp lực tăng giá

Không chỉ lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống tăng giá sau khi giá xăng dầu tăng, nhiều mặt hàng tại các siêu thị cũng đang đứng trước áp lực tăng giá từ các nhà cung cấp.

Không chỉ lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống tăng giá sau khi giá xăng dầu tăng, nhiều mặt hàng tại các siêu thị cũng đang đứng trước áp lực tăng giá từ các nhà cung cấp.

Siêu thị hút khách

Khảo sát của phóng viên tại các siêu thị trên địa bàn nội thành Hà Nội như: Big C Thăng Long, Intimex, Fivimart… cho thấy, người tiêu dùng đổ vào siêu thị mua sắm khá đông. Đây là điều không mới so với những lần tăng giá xăng dầu trước đó. Bởi thực tế cho thấy, sau mỗi lần tăng giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống ngay lập tức tăng theo. Trong khi đó tại các siêu thị thì giá vẫn giữ ổn định.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, mặc dù là ngày thứ 2 đầu tuần, nhưng lượng người đến đây mua sắm khá đông đúc. Những quầy lương thực, thực phẩm, rau xanh luôn đông người. Nhiều bà nội trợ cho rằng, giá cả những mặt hàng này tại siêu thị ổn định hơn so với chợ truyền thống.

Quầy rau xanh tại Trung tâm thương mại Hàng Da luôn đông khách.

Chị Phạm Thị Hà, ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa đẩy chiếc xe chất đầy hàng vừa nói: “Giá các loại thực phẩm ở đây rẻ hơn so với chợ truyền thống từ 5-10%, nên thay vì đi chợ gần nhà, tôi đã đến siêu thị để mua. Mất công vì đi xa hơn một chút, nhưng vấn đề ATVSTP đảm bảo hơn, giá cả lại phải chăng. Nếu trước đây ngày nào tôi cũng đi chợ, thì nay mỗi lần đi siêu thị thế này tôi mua đồ ăn cho 2-3 ngày”.

Tại siêu thị Intimex trên đường Huỳnh Thúc Kháng cũng trong tình trạng tương tự. Nhân viên bán hàng tại đây cho biết, từ hôm giá xăng dầu tăng đến nay, ngày nào siêu thị cũng đông khách. Những mặt hàng bán chạy ngoài đồ khô, đồ đông lạnh thì các loại thực phẩm tươi sống khác như: thịt, rau xanh cũng rất nhiều người mua.

“Có lẽ là do giá cả trong siêu thị ổn định hơn so với chợ ngoài, nên nhiều người thay vì mua hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc thì họ đã đến siêu thị để mua. Các loại thực phẩm tươi sống như thịt lợn, rau xanh được nhiều người mua nhất”, một nhân viên bán hàng tại siêu thị Intimex trên đường Huỳnh Thúc Kháng cho biết.

Áp lực tăng giá

Nhiều người nhận định, đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, sẽ khiến nhiều thứ hàng hóa khác sẽ tăng giá theo. Đây là phản ứng “dây truyền” trong kinh doanh thương mại.

Giá xăng dầu tăng khiến một số mặt hàng tăng giá trong vài ngày tới

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, phụ trách truyền thông của siêu thị Big C Thăng Long cho biết, hiện giá cả những mặt hàng đang bán tại siêu thị giá vẫn ổn định: “Chúng tôi chưa nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp. Hiện tại giá cả các mặt hàng vẫn giữ ổn định vì những hợp đồng được ký từ trước đó”, bà Huyền cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện của siêu thị Big C Thăng Long, việc tăng giá tại siêu thị luôn có độ trễ nhất định. Vấn đề là tăng bao nhiêu, thời điểm nào tăng thì chưa thể biết trước vì còn phụ thuộc vào nhà cung cấp và sự đàm phán của siêu thị.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, trong vài ngày tới, giá thực phẩm, hàng hóa sẽ tăng: “Nhiên liệu tác động trực tiếp đến chi phí vận chuyển, sản xuất. Các khoản này đều bị tính vào giá thành. Đó là chưa kể xăng tăng, nhân công cũng đòi lên lương để trang trải cho cuộc sống của bản thân và gia đình”, ông Phú lý giải.

Cũng theo dự đoán của ông Phú, giá xăng tăng 2.100 đồng một lít sẽ kéo theo cước vận tải tăng lên khoảng 10%, thực phẩm tăng 3-7% (tùy sản phẩm). Với các tiểu thương tại chợ truyền thống, vì mua bán nhỏ nên họ linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá cả. Với các siêu thị thì việc thay đổi giá diễn ra sau 10-15 ngày, do lượng hàng dự trữ tại các siêu thị vẫn còn.

Theo infonet


Từ khóa: