Sự kiện hot
13 năm trước

Sinh viên kêu gào vì tàu xe ngày Tết

Dantin - Hành trình về quê ăn Tết là một cực hình với chúng tớ!

Dantin - Hành trình về quê ăn Tết là một cực hình với chúng tớ!

Đứng, đứng và đứng!

Điệp khúc này không chỉ diễn ra ở các tuyến xe đường ngắn, mà ngay cả đường dài mấy trăm cây số cũng thường xuyên. Chỉ khổ cho sinh viên nhà mình, hễ ra chậm một phút là không còn ghế mà ngồi.

Thanh Huyền (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: “Để về Nghệ An, mình phải bắt hai chặng xe, từ Thái Nguyên xuống Hà Nội, rồi lại Hà Nội về Nghệ An. Đã cố gắng đi sớm để có chỗ mà ngồi, thế mà lên đến cửa xe là đã không còn chỗ trống. Đi gần 10 tiếng đồng hồ mà mất 5 tiếng đứng trên xe, về đến nhà, mình bẹp như một con gián luôn".

Còn cái chuyện đứng trên xe khách của mình được Trang, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội nhìn một cách hài hước: “Hôm nay, tớ mới thấy những chuyến đạp xe, đi bộ xuyên Việt có ích thế nào. Nó giúp tớ đủ sức để đứng cả buổi sáng trên chuyến xe về quê, thật là kì tích”.

Nhưng có lẽ kinh nghiệm đi bộ xuyên Việt chỉ giúp được Trang khi trên xe. Ngay khi chạm chân xuống đất, Trang đã lảo đảo tưởng chừng như ngất xỉu.

Xe đông, chật chội, nhà xe lại đóng kín cửa khiến không khí trên xe vô cùng ngột ngạt. “Về đến nhà mà đầu mình cứ ong ong. Chưa kể, lúc xuống xe, mình còn phải trèo qua cửa sổ vì hành khách đã bít kín lối đi”. Vũ Trang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hồi tưởng lại "quá khứ" đau thương.

Giá vé trên trời

Không chỉ chật mà giáp Tết, giá vé xe cũng tăng lên gấp đôi, thậm chí là gấp ba ngày thường. Để dành 130 nghìn về quê, nhưng lên xe Quỳnh Anh (ĐH Luật TP. HCM) tá hỏa vì nhà xe đòi tận 200 nghìn tiền vé. "Cũng may mà tớ đi cùng đứa bạn nên vay tiền nó bù vào, chứ không thì ở lại Sài Gòn đón Tết lang thang luôn rồi", Quỳnh Anh "đau khổ" chia sẻ.

Hầu hết các xe khách đều đồng loạt tăng giá trong những ngày giáp Tết. Nhiều nhà xe độc quyền còn bắt chẹt khách không thương tiếc. Xuân Phương (ĐH Ngoại thương) kể trong ấm ức: "Mình lỡ mất chuyến xe sớm, phải về chuyến cuối chiều. Lên xe phải ngồi hàng ghế nhựa thì chớ, nhà xe còn thu tiền gấp đôi ngày thường. Nhưng lúc đó, mình đành phải trả, vì xe đã đi được đoạn dài, chẳng nhẽ lại xuống giữa đường".

Cảnh tàu xe Tết luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người

Không bị tăng giá như Phương nhưng Minh Châu (Đại học Nha Trang) lại phải ngậm ngùi cắt ngang chuyến đi tình nguyện của mình vì nhà xe đột ngột thay đổi giờ xuất bến. “Quê mình tận Cao Bằng, nếu không lên được chuyến xe này, mình chẳng biết làm sao để về được đến nhà”, Châu chia sẻ.

Xe khách quá tải, đi tàu cũng không khá khẩm hơn là mấy. Đào (SV ĐH Nông nghiệp) chia sẻ: "Mình phải đặt trước gần một tháng mới có vé về nhà ngày 22 Tết. Giá vé đã tăng từ 110 lên 134 nghìn mà toa nào cũng chật kín người, sợ lắm”.

Quá chán ngán với cảnh tàu xe, Trang (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) đã tự mình đi xe máy 150km về quê. Tuy chủ động được thời gian nhưng đồ đạc cồng kềnh, đang đi lại gặp mưa, nhưng cô bạn may mắn không bị ốm.

Những câu chuyện tàu xe dịp Tết vẫn luôn là đề tài nóng, nhưng tất cả vì một cái Tết sum họp, khổ mấy các bạn ấy cũng phải đi. Bởi thế đến hẹn lại lên, cứ dịp Tết đến Xuân về, các sinh viên xa nhà lại phải đua nhau lao vào “hành trình đau khổ”, mà không biết đến bao giờ mới thoát ra được...

Phiên Vân

Từ khóa: