Sự kiện hot
12 năm trước

Sửa đổi Luật Đất đai được dư luận quan tâm

Nếu không có gì thay đổi, kỳ họp này Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận về Dự án Luật Đất đai sửa đổi và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 (năm 2013).

Nếu không có gì thay đổi, kỳ họp này Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận về Dự án Luật Đất đai sửa đổi và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 (năm 2013).

“Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khoá XIII khai mạc ngày 22.10 lần đầu tiên QH sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn ”- ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng QH cho biết tại buổi họp báo chiều 19.10.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: Việc thảo luận và thông qua nghị quyết này nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết T .Ư 4, khoá XI về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng; Nghị quyết của QH về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. “Đây cũng là một bước cụ thể hoá các quy định hiện hành của Hiến pháp và luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay”- ông Phúc nói.


Chủ nhiệm Văn phòng QH trả lời báo chí về kỳ họp thứ 4.

Về câu hỏi, gần đây cử tri và người dân rất quan tâm đến một số bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ; một số cá nhân liên quan đến tội phạm ngân hàng bị cơ quan điều tra bắt giữ, liệu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có ra trả lời chất vấn trước QH hay không, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay:

“Việc chất vấn và trả lời chất vấn trước QH bao giờ cũng phải thực hiện theo quy trình. Nếu những vấn đề nóng được cử tri quan tâm, có đề nghị QH cần làm rõ, cộng với việc các đại biểu QH nhận thấy cần phải chất vấn thì chúng tôi có nhiệm vụ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH lên danh sách đề nghị Chính phủ bố trí bộ trưởng trả lời chất vấn. Trường hợp của Thống đốc Nguyễn Văn Bình hiện tại chúng tôi chưa nhận được nhiều phản hồi của cử tri và các đại biểu QH”.

Một vấn đề khá nóng, liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, Hiến pháp 1992 cũng được các phóng viên đặt nhiều câu hỏi. Về câu hỏi, sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ tập trung vào các nội dung gì và người dân sẽ được lấy ý kiến như thế nào, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm tiếp tục thể chế hoá đẩy đủ hơn chủ trương dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, trong đó đáng chú ý có Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thủ đô...; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và 6 dự án luật khác. 3 nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua là Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; Nghị quyết về thí điểm thừa phát lại; Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 1992...

Theo tinh thần này, QH sẽ ra nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp 1992, bắt đầu từ tháng 1. 2013 đến tháng 3.2013. Sau đó, 2 kỳ họp QH năm 2013 tiếp tục thảo luận và dự kiến sẽ thông qua Hiến pháp mới vào kỳ họp đầu tiên của năm 2014. Riêng các nội dung tập trung sửa đổi sẽ là: Chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bộ máy nhà nước; các vấn đề về kinh tế, xã hội, khoa học, văn hoá, xã hội...

Về ý kiến cho rằng, hiện nay Ban soạn thảo Dự án Luật Đất đai sửa đổi có nhiều bất cập, yếu kém, cần có sự thay đổi, ông Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn: Quy trình xây dựng và thành lập Ban soạn thảo là rất chặt chẽ, không thể nói thích thay là thay. Hiện quá trình lấy ý kiến sửa đổi cũng đang được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc trên cơ sở xem xét các vấn đề bức xúc từ cuộc sống. Nếu không có gì thay đổi, kỳ họp này QH sẽ bắt đầu thảo luận và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 (năm 2013).

Bỏ phiếu tín nhiệm là chế tài bắt buộc

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo NTNN về việc Quốc hội có xem xét, lấy phiếu tín nhiệm một đồng chí mà Hội nghị T.Ư 6 vừa qua đề cập, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Kỳ họp này, QH chỉ thảo luận, thông qua Nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm. Trong trường hợp QH thông qua nghị quyết này, việc bỏ phiếu tín nhiệm mới bắt đầu thực hiện từ năm 2013. Hiện chúng tôi chưa nhận được đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm cá nhân nào cả”. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, trong trường hợp QH có thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm, cử tri, nhân dân và kể cả các chức danh do QH bầu, phê chuẩn cũng nên xem đó là việc làm hết sức bình thường. “Trong 2 năm đầu, khi cán bộ được tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nhưng số phiếu tín nhiệm không quá 50% thì đương nhiên sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Đây là chế tài bắt buộc”- ông Phúc nói.

“Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ QH mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến 5 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế- xã hội năm 2012 sẽ không đạt (GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng). Vậy, kỳ họp QH lần này sẽ tỏ thái độ thế nào với vấn đề trên?”- phóng viên NTNN tiếp tục hỏi. Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời: “Việc không đạt các chỉ tiêu này mới chỉ là dự kiến, hiện Chính phủ cũng đang rất quyết tâm, phấn đấu hoàn thành. Trong trường hợp Chính phủ không hoàn thành, QH cũng sẽ phải xem xét một cách toàn diện về nguyên nhân khách quan, chủ quan rồi mới tỏ thái độ”.

Văn Hoài (thực hiện)

Nguyên Khôi
theo Dân Việt

Từ khóa: