Sự kiện hot
12 năm trước

Tăng giá dồn dập: Kích lạm phát hay ép giảm phát?

Hơn 1 tháng qua, liên tục 3 mặt hàng thiết yếu là điện, xăng dầu và gas đã tăng giá, cùng với đó là nhiều thông tin cho biết lượng tiền lớn sẽ được bơm ra trong 5 tháng cuối năm. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng như vậy liệu có làm cho lạm phát quay trở lại?

Hơn 1 tháng qua, liên tục 3 mặt hàng thiết yếu là điện, xăng dầu và gas đã tăng giá, cùng với đó là nhiều thông tin cho biết lượng tiền lớn sẽ được bơm ra trong 5 tháng cuối năm. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng như vậy liệu có làm cho lạm phát quay trở lại?

Người dân thêm kiệt sức

Theo các chuyên gia kinh tế, nhận biết lạm phát có tăng hay không phải căn cứ vào sức mua của nền kinh tế và tồn kho của DN. Hiện tại sức mua của nền kinh tế đang ở mức rất thấp, hàng hóa của DN tồn kho cao. Vì vậy, việc tăng giá những mặt hàng trên sẽ không không tác động nhiều đến lạm phát.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ, việc điều hành chính sách vĩ mô phải căn cứ vào những điều kiện cụ thể. Trước kia, khi lạm phát tăng cao, Chính phủ đã kiềm chế không để giá điện, xăng dầu... nay đang trong lúc CPI thấp, giá tăng nhằm giảm thâm hụt cho ngân sách.

Trong hoàn cảnh hiện tại khi giá nhiều hàng như gạo, cafe... trong nước và thế giới đang ở mức thấp, thì việc tăng giá các mặt hàng trên sẽ không gây ra tác động nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, nhiều mặt hàng đang tiếp cận với giá thế giới, vì vậy giá xăng dầu, gas trên thế giới tăng thì Việt Nam cũng phải điều chỉnh tăng là điều tất yếu.

Theo các phân tích, giá xăng dầu, gas trước đây đã từng tăng cao ở mức tương tự và hạ xuống trong thời gian qua. Giờ tăng trở lại nên cũng không tác động nhiều. Trong thời gian qua giá xăng dầu giảm nhưng cước phí vận tải không giảm, nay xăng dầu tăng, cước phí vận tải giữ nguyên.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại. Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, niềm tin của người dân đang suy giảm. Năm 2008, khi kinh tế khó khăn, nhiều mặt hàng giảm giá, người dân cho đây là cơ hội tốt để mua sắm, du lịch, vì nghĩ là khó khăn chỉ xảy ra trong ngắn hạn, nó sẽ nhanh chóng đi qua, nhưng đến 2012 thì điều đó hoàn toàn thay đổi. Do ảnh hưởng lớn bởi lương, thưởng bị cắt giảm, việc làm không ổn định, nên người tiêu dùng cẩn trọng hơn rất nhiều, thắt chặt chi tiêu, vì vậy sức mua suy giảm, dù hàng hóa rất rẻ.

Trong lúc này các mặt hàng thiết yếu lại đồng loạt tăng giá, sẽ tác động đến niềm tin, khiến người tiêu dùng càng thắt chặt chi tiêu hơn, dẫn đến sức mua thời gian tới sẽ bị tác động, nhiều sản phẩm sẽ càng khó khăn hơn khi doanh số giảm.

Đối với các DN, khó khăn sẽ tăng thêm bởi xăng, dầu, điện là đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, như vậy sẽ làm giá thành tăng lên trong khi hàng tồn kho lớn, sức mua giảm.

Theo ông Phạm chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, việc tăng giá điện thêm 5% vào cuối tháng 6/2012 vừa qua cũng tăng thêm mối lo cho nhiều DN thép. Theo tính toán, giá điện hiện chiếm 6% -7% giá thành sản xuất của các DN thép. Để làm ra 1 tấn thép phải sử dụng khoảng 600kWh. Với giá điện tăng 5% sẽ làm đội giá thành sản phẩm lên ít nhất 39.000 đồng/tấn. Tính bình quân một DN sản xuất 40.000 tấn thép/tháng thì riêng chi phí tiền điện tăng thêm 1,56 tỷ đồng/tháng. Trong khi giá thép không tăng, ngược lại còn giảm, thì chi phí đầu vào không ngừng tăng, khiến DN thép càng thêm khó khăn.

Nguy cơ từ "bơm" tiền?

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dự báo lạm phát cả năm chỉ từ 4,6% đến 6%. Nếu tín dụng từ nay đến cuối năm mỗi tháng tăng 1,5% (tương đương 6 tháng là 9%) thì tăng trưởng GDP của cả năm 2012 từ 5,3-5,4%. Với mức này, lạm phát 5 tháng sau đó từ 0,5-1% mỗi tháng. Nếu tín dụng là 2%/tháng thì 6 tháng, cuối năm sẽ là 12%, GDP cả năm 2012 có thể đạt 5,5-5,6%. Tuy nhiên, như vậy nguy cơ lạm phát sẽ quay trở lại 5 tháng sau đó.

Tiến sỹ Nghĩa cho biết, tăng trưởng tín dụng có thể là 17% nhưng nếu chia đều cho 12 tháng thì lạm phát sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng chỉ là 12% nhưng lại chỉ trong 6 tháng thì vô cùng nguy hiểm, nền kinh tế không hấp thụ hết lượng tiền mặt dư thừa và như vậy lạm phát sẽ trở lại.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, trước đây, Chính phủ có đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 12%. Nhưng như đã biết 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng âm, vì vậy nếu giữ nguyên mức này thì 6 tháng cuối năm, mỗi tháng phải đạt kế hoạch 2%, tương đương với việc các ngân hàng phải cung cấp mỗi tháng 50.000 tỷ đồng, tức là tổng cộng 300.000 tỷ đồng. Cộng với ngân sách cung cấp cho đầu tư công khoảng 21.000 tỷ đồng nữa.

Nhưng theo tính toán hiện nay nền kinh tế không hấp thụ được mức tăng trưởng tín dụng 12%. Nếu cứ đẩy mạnh cung tiền thì chắc chắn lạm phát sẽ quay trở lại vào 2013. Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay, phấn đấu khoảng 8-10%, chứ không để cao như trước.

Theo ông Kiêm, 7 tháng vừa qua tín dụng tăng trưởng rất thấp, tính đến ngày 25/7 mới chỉ ở mức 0,57%. Tín dụng tăng trưởng thấp là do nợ xấu cao. Khi chưa giải quyết được vấn đề nợ xấu thì các ngân hàng sẽ chơi bài thắt chặt tín dụng hoặc cho vay với lãi suất cao, khiến tín dụng không thể bung mạnh được.

Từ nay đến cuối năm, còn 5 tháng nữa. Việc giải ngân vốn ngân sách mỗi tháng khoảng 21.000 tỷ đồng cộng với tín dụng được khoảng 20.000 tỷ đồng/ tháng nữa, thì không quan ngại đến lạm phát, ông Kiêm nói.

Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia từ Ngân hàng BIDV, 5 tháng còn lại, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, ước tính mỗi tháng khoảng 1%, cộng với giải ngân đầu tư công trên 100.000 tỷ đồng thì lạm phát chưa thể quay lại.

Vấn đề mà các chuyên gia lo ngại đó là sự "dồn toa" trong giải ngân. Nếu tín dụng vẫn tăng trưởng chậm trong vòng 2 tháng tới, sau đó lại bung mạnh vào 3 tháng cuối năm, thì rất có thể sẽ châm ngòi cho lạm phát quay trở lại.

Trao đổi với VEF, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết, việc giải ngân bao nhiêu cần phải căn cứ vào năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, việc giải ngân phải bảo đảm có hiệu quả, không nên bằng mọi cách "tiêu" hết số tiền trên mà không đảm bảo tính hiệu quả thì lạm phát sẽ cao.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nền kinh tế hiện nay rất khó khăn, nếu không rót tiền sẽ khựng lại, đặc biệt là sản xuất kinh doanh. Khi có tiền, các dự án sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, tạo ra việc làm, tạo ra sức mua giúp DN thực hiện được dự án và vượt qua khó khăn. Khi hàng hóa được tung ra nhiều, giá cả ổn định thì nó còn có tác dụng kìm chế lạm phát. Nhưng nếu rót không trúng, tiền không đưa vào sản xuất mà chạy lòng vòng thì lạm phát sẽ quay trở lại.

Trần Thủy
Theo Vietnamnet

Từ khóa: