Sự kiện hot
13 năm trước

Teen các tỉnh khó hiểu khi teen Hà Nội kêu la vì dậy sớm

Các bạn ấy thấy khó hiểu khi teen Hà thành cứ "than" vì phải đi học sớm.

Các bạn ấy thấy khó hiểu khi teen Hà thành cứ "than" vì phải đi học sớm.

Vào học từ trước 7 giờ sáng và tan học vào thời điểm trời tối mịt vẫn đang gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với học sinh trên địa bàn Hà Nội. Nhiều teen chưa làm quen với lịch học tập, sinh hoạt mới này ra sức... kêu ca, kể khổ vì chuyện đổi giờ, thậm chí có cả những “Hội phản đối”, tỏ rõ thái độ không đồng tình khi tan học quá muộn... Đó là câu chuyện đang diễn ra ở Hà Nội!

Các bạn ở tỉnh, thành khác tuy không chịu cảnh đổi giờ nhưng cũng rất quan tâm và dõi theo câu chuyện "đổi giờ học" ở Thủ đô.

Các teen ngoại tỉnh cũng rất quan tâm đến chuyện đổi giờ học của teen HN

Cả tuần nay, tối nào bạn Nguyễn Thanh Thảo (lớp 10A3 trường THPT Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình) cũng chăm chú theo dõi chương trình thời sự để nắm bắt thông tin. Thảo cho biết: “Mình có quen một số bạn học trên Hà Nội nên cũng nghe các bạn kể về chuyện đổi giờ. Những ngày qua, mình luôn theo dõi báo chí, truyền hình xem việc đổi giờ trên đó thế nào, có gì khó khăn và bất lợi không. Nhiều bạn khác cũng quan tâm đến câu chuyện này".

Khác với Hà Nội, ở các vùng thôn quê, học sinh phải tự túc phương tiện đi lại. Gần như 100% các bạn đều đạp xe tới trường. Có nhiều bạn nhà ở cuối huyện, phải đạp hơn chục cây số đến trung tâm của huyện để học trường cấp 3.

Thanh Thảo cho biết thêm: Ở Ninh Bình học sinh đi học chủ yếu bằng xe đạp chứ không có cảnh cha mẹ đưa đón, hay đi xe ôm, đi taxi như học sinh Hà Nội. Trường Thảo cũng vào học từ 7 giờ kém 15, luôn phải dậy sớm từ 5 giờ 30 để chuẩn bị đi học.

Nhiều bạn ở quê, ngoài giờ học phải phụ giúp ba mẹ

Đã thành thông lệ, cứ bạn học sinh nào thuộc xã Yên Bằng, Ý Yên, Nam Định đỗ vào trường cấp 3 của huyện là được gia đình mua ngay cho một chiếc xe đạp và một bộ quần áo mưa thật tốt. Bởi lẽ trường cấp 3 cách xã tới 12km, mà ở huyện thì không thể có ô tô hay xe bus đưa đón được, chuyện học sinh hàng ngày phải đạp xe đạp mấy tiếng đồng hồ để đi học là đương nhiên.

Bạn Nguyễn Văn Truyền - một học sinh lớp 11, hàng ngày đều phải dậy từ 5 giờ sáng để đi học. Đạp xe tròn 1 tiếng đồng hồ, qua các đoạn đường đất, đường cánh đồng mới tới trường. Mà trường bạn ấy cũng vào học từ 6 giờ 45.

Truyền kể về những khó khăn trên đường đi học: “Mùa này trời mưa phùn, đường trơn và quần áo thì ẩm ướt khiến bạn nào cũng khó chịu. Những ngày mùa đông lạnh, gió mưa táp hết cả vào mặt, sương mù cũng chẳng nhìn thấy đường mà đi thì lại phải mò mẫm từng tí một. Những tai nạn trên đường đi như xe hỏng, bị ngã vì đường trơn quá, ngày nắng có bạn bị ngất... xảy ra thường xuyên. Có khi xe hỏng phải dắt bộ tới mấy km nữa mới có điểm sửa xe. Gian nan như vậy nhưng đi mãi rồi thành quen".

Tại nhiều vùng quê nghèo, ngoài giờ học các teen còn phải về nhà phụ giúp cha mẹ  việc đồng áng, giặt giũ, nấu nướng. Học thêm buổi tối hầu như không có mà các bạn ấy chủ yếu chỉ tự học ở nhà.

Vì vậy, nhiều teen ngoại tỉnh thấy khó hiểu khi các bạn ở Hà Nội cứ kêu la về chuyện phải đi học sớm.

Nhiều teen ngoại tỉnh "khó hiểu" vì sao teen Hà thành ngại dậy sớm

Một teen Đà Nẵng bình luận sau bài báo về chuyện đổi giờ tại Hà Nội: “Chuyện đổi giờ cũng bình thường thôi. Mình ở Đà Nẵng cũng vào học từ 7 giờ, các bạn ở Hà Nội cũng tập dậy sớm cho quen, tốt cho sức khỏe!”

Teen Nghệ An lên tiếng: "Trường mình vào học 7 giờ kém 15, Nghệ An cũng lạnh không kém gì Hà Nội đâu.

Trên vn-zoom.com, một thành viên cho biết quan điểm xoay quanh chuyện đổi giờ học tại Hà Nội: “Riêng mình thì thấy bình thường, học sinh ở quê như tụi mình vẫn học 7 giờ được thì tại sao dân thành phố lại không?”

Phạm Hồng Vân, một teen Thái Bình cũng chia sẻ trên facebook: "Các bạn Hà Nội thử về quê tụi mình đi học thử xem, sẽ thấy việc dậy sớm, đi học trường xa... không khó chút nào!"

Các teen Hà Nội còn đang băn khoăn việc dậy sớm, học sớm ơi, hãy dành một phút suy ngẫm nhé!

MM

Từ khóa: