Sự kiện hot
13 năm trước

Teen và mốt đặt biệt danh tây

Những cái tên như: Phương Susi, Alex Lê, Trang Mimi… nghe thật kêu và sành điệu các bạn nhỉ?

Những cái tên như: Phương Susi, Alex Lê, Trang Mimi… nghe có vẻ tây tây, sành điệu các bạn nhỉ?

Trào lưu đặt biệt danh

Kiểu gọi kêu kêu nửa tây, nửa ta ấy lại đang được nhiều bạn trẻ thích thú đấy. Này nhé, từ tên facebook đến nick yahoo, thậm chí là gọi nhau trực tiếp đều có mặt những biệt danh “tây hóa” với đủ mọi kiểu tên.

Có thể tạm khái quát hai "khuynh hướng" như thế này, một là kiểu ghép họ sau một cái tên nước ngoài thật kêu như: Tomy Nguyễn, Rex Trần... và ghép tên trước hoặc sau biệt danh như: Dũng Apple, Minh Lilo ...

Trào lưu này nở rộ ở miền Nam và đang lan rộng ra miền Bắc. Phương Nga (16 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tụi bạn cùng chơi đều có tên gọi tiếng Anh kèm theo tên chính rất kêu. Tớ phải mất mấy hôm mới tìm được cái tên khác hẳn tụi nó đấy". Nhóm của Nga cũng thống nhất phải gọi nhau bằng biệt danh như Nga Alice thì gọi là Alice, hay Hằng Lady thì gọi Lady.

Một số teen cho rằng đặt biệt danh tây mới là đẳng cấp (ảnh minh họa)

Nếu các bạn để ý sẽ thấy, các hotgirl, hotboy tuổi teen hiện nay mỗi cái tên đều kèm theo biệt danh như: Huyền Lizzie (Phan Minh Huyền), Hà Lade (Bùi Thanh Hà), Kelly Tú Anh (Nguyễn Thụy Tú Anh),… Đó có thể do bạn bè đặt, hay các fan gọi nhiều thành quen. Hotboy, MC Nam Hee (Trần Hoài Nam) từng chia sẻ: “Biệt danh này là do các fan đặt cho Nam. Lúc đầu, vì mắt hí của Nam nên mọi người cứ gọi là Nam Hi. Sau này cho giống Hàn Quốc thì đổi lại là Nam Hee”.

Chính vì các "hot" teen đang rất hưởng ứng kiểu biệt danh nửa Việt, nửa Tây này nên các teen nhà mình cũng học theo ngay lập tức. Nhiều teen cho biết kiểu đặt biệt danh này tạo phong cách và đẳng cấp riêng cho chủ nhân của nó. Bởi thế, dù nó chỉ là một cách gọi lái, hay cách lặp từ khác lạ, vô nghĩa cũng bỗng chốc trở thành những cái tên hay.

Không ít bạn còn suy nghĩ rằng phải có biệt danh kiểu như các hot teen thì mới mong được nổi tiếng. Minh Phương (17 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) kể câu chuyện của cô bạn cùng lớp: “Bạn ấy bắt tất cả bạn bè phải gọi mình bằng biệt danh và luôn xem mình là người nổi bật nhất. Tụi mình thấy cũng chẳng ảnh hưởng gì, thích gọi thế nào mình sẽ gọi thế đó".

Những tình huống oái ăm

Những biệt danh tây mang đến cho bạn cảm giác thú vị, niềm vui hay sự mới lạ, nhưng cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối, thậm chí quên mất mình là ai.

Biệt danh đôi khi cũng là vấn đề gây rắc rối cho bạn đấy (ảnh minh họa)

Như chuyện Minh Thùy ở Q1, TP.HCM, ở lớp nhóm chơi của cô quen gọi nhau bằng biệt danh. Trong một lần cả nhóm đến nhà Thúy chơi, quen miệng gọi nhau luôn bằng biệt danh. Thế là Thúy bị mắng cho một trận te tua vì tội “gọi vớ, gọi vẩn”.

Gặp trường hợp oái ăm hơn là Lê Phương Thúy (20 tuổi) ở Tây Hồ, Hà Nội. Với những người quen lần đầu cô bạn đều dùng cái tên kiểu Mỹ là Jenny My. Cho đến một lần, Thúy quên bài luận, hẹn cậu bạn qua nhà cầm hộ lên lớp. Cậu bạn của Thúy khó khăn lắm mới đến được địa chỉ. Nhưng chủ nhà lại nói "nhầm nhà rồi, ở đây không có ai tên như thế. Mãi tới khi Thúy gọi điện nói chuyện với mẹ thì mọi chuyện mới được giải quyết. Lần đó cô không chỉ bị mẹ mắng, mà còn bị cậu bạn giận cả tháng trời.

Với những người quen gọi bằng biệt danh dễ dẫn đến việc bạn bè có thể quên bẳng đi tên thật của mình. Cũng có bạn lại muốn quên đi cái tên không được đẹp của mình để tận hưởng cảm giác mới với biệt danh.

“Tớ nghĩ biệt danh mang lại cảm giác thú vị và không xấu. Quan trọng là chủ nhân của nó dùng nó như thế nào mà thôi". Lê Hùng (19 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ.

Bông Nguyễn

Từ khóa: