Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Tết Hàn Thực của người Việt

Với người Việt, tết Hàn thực mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của người đã khuất; linh hồn của Tết Hàn thực chính là bánh trôi bánh chay.

Tết Hàn thực còn được gọi là Tết Bánh trôi - bánh chay, diễn ra vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm. Tết Hàn thực xuất hiện chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam.Vào ngày Tết Hàn thực, mỗi gia đình đều chuẩn bị bánh trôi, bánh chay thành kính dâng lên bàn thờ, tưởng nhớ ân đức tổ tiên.

Mặc dù bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực tại Việt Nam mang những bản sắc riêng biệt, đậm nét đẹp văn hóa của người Việt. Vào ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và không kiêng đốt lửa. Ở nhiều nơi, dân ta cũng làm bánh trôi bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội. Đặc biệt, trong dịp này người đi xa quê sẽ đoàn tụ cùng gia đình, cùng đi tảo mộ người đã khuất và sum họp bên bữa cơm gia đình.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, bắt đầu từ tháng 3 hàng năm, thời tiết dần nóng lên và đây cũng là thời điểm chuyển giao sang mùa hè.  Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát. Món ăn này vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực.

Theo các chuyên gia văn hoá, việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.

Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Bánh trôi, bánh chay tượng trưng cho đồ ăn nguôi - hàn thực, đồng thời là sản vật từ những mùa lúa bội thu dâng lên ông bà tổ tiên cầu mong mưa thuận gió hòa. Tết Hàn thực của nước ta vẫn mang màu sắc dân tộc riêng và trường tồn qua năm tháng theo quá trình dựng nước và giữ nước ngàn đời. Và linh hồn của Tết Hàn thực chính là bánh trôi bánh chay. Thiếu hai loại bánh này thì không còn dư vị của Tết Hàn thực. Vậy nên, mùng 3/3 âm lịch còn được người Việt gọi là Tết bánh trôi - bánh chay.

Bánh trôi bánh chay không chỉ tôn vinh cội nguồn của nền văn minh lúa nước từ thời xa xưa. Loại bánh này còn gợi nhắc đến truyền thuyết trăm trứng của mẹ Âu Cơ - thủy tổ của người Việt ta. Theo quan niệm dân gian, mọi người thường bày biện ba hoặc năm đĩa bánh trôi. Trong bát bánh chay cũng thường có ba hoặc năm bánh. Trong khi đó, thông thường, nhiều người chỉ bày đĩa bánh trôi truyền thống theo số lẻ, tròn trĩnh, trắng đều, căng mịn nằm cạnh nhau. 

Bánh trôi tròn trịa, mịn đầy, tinh khiết thể hiện cho sự viên mãn, dồi dào. Bởi vậy, ăn bánh trôi vào ngày Tết Hàn thực vừa là một cách tưởng nhớ người đã khuất, vừa là cách chiêu cầu may mắn cho bản thân và gia đình. 

Tục ăn bánh trôi bánh chay từ xa xưa, như tấm lòng hiếu kính thơm thảo của người đời sau nhớ về cội nguồn. Ấy là tục đẹp sẽ còn mãi với thời gian... Tết Hàn thực năm nay rơi vào thứ 7 ngày 22/4 dương lịch (tức 3/3 âm lịch). 

Hương Trà

Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: