Sự kiện hot
5 năm trước

Thái Nguyên: Bộ TN&MT không thông qua ĐTM “đại dự án” triệu đô

Dự án lớn, diện tích trên 50ha, có vốn đầu tư lên đến 350 triệu USD thuộc ngành nghề dệt nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

LTS: Việc Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) không thông qua Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam của Công ty TNHH Interweave Holdings tại KCN Sông Công II, thành phố Sông Công (Thái Nguyên) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong suốt thời gian qua. Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử xin gửi tới bạn đọc những ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về môi trường trong Hội đồng thẩm định Báo cáo ĐTM của dự án này diễn ra vào ngày 29/3/2019 tại Hà Nội.

Bài 1: Đề án phải lấy ý kiến của 6 tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu

Với một dự án lớn diện tích trên 50ha, có vốn đầu tư lên đến 350 triệu USD thuộc ngành nghề dệt nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Sau khi nghe ông Joeg Bauersachs, đại diện Chủ dự án giới thiệu tóm tắt về căn cứ pháp lý thực hiện Dự án, tóm tắt về nội dung, tiến độ thực hiện Dự án, ủy quyền cho đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt nội dung của Dự án, ông Nguyễn Xuân Tùng, đơn vị tư vấn thay mặt Chủ dự án trình bày tóm tắt nội dung báo cáo ĐTM của Dự án.

Báo cáo ĐTM Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2/năm”, gồm các phần mở đầu, 6 chương thuyết minh báo cáo và kết luận, kiến nghị và cam kết. Cấu trúc của Báo cáo đảm bảo các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổng mặt bằng KCN Sông Công II.

Tuy nhiên, với một dự án lớn diện tích trên 50ha, có vốn đầu tư lên đến 350 triệu USD thuộc ngành nghề dệt nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Bởi khối lượng nước thải phát sinh rất lớn (khoảng 14.500 m3/ngày đêm), vị trí đề nghị xả nước thải ra sông Công là nguồn chính cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và Trạm xử lý nước cấp sinh hoạt cho toàn thành phố Sông Công và các Nhà máy cấp nước sử dụng nước mặt trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.

Vì lẽ đó Hội đồng thẩm định ĐTM của dự án đã phải cân nhắc và làm việc rất kỹ lưỡng dựa trên các quy định pháp luật, trên nguyên tắc khách quan, khoa học để không ảnh hưởng đến việc đầu tư của doanh nghiệp tại địa phương. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay, quan điểm ủng hộ đầu tư phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường bằng mọi giá.

PGS.TS. Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường,Ủy viên phản biện, dự án đầu tư vào KCN Sông Công II, vậy việc kết nối hạ tầng của Dự án với KCN Sông Công II (hệ thống đường xá giao thông, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II,...) là như thế nào? Mối quan hệ của Dự án của hạ tầng dự án với các khu vực xung quanh, hiện trạng ra sao?

Nước thải KCN phía trước nhà máy nước sạch TP Sông Công.

Vị trí xả thải nước thải của Dự án ra sông Công ở đâu, tọa độ thế nào? nằm ở vị trí nào so với các công trình hạ tầng, công trình dân sinh của thành phố Sông Công (Nhà máy nước sạch Sông Công,...)

Về hạng mục làm đường ống dẫn lấy nước mặt sông Công và đường cống thoát nước thải của nhà máy ra sông Công vị trí như thế nào, tính pháp lý ra sao? Không hề thấy có thông tin mô tả trong báo cáo.

Dự án có hạng mục lấy nước mặt của sông Công nhưng không thấy có thông tin về Nhà máy xử lý nước cấp này? Không thấy mô tả trong báo cáo.

Cùng quan điểm, ThS. Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam, Ủy viên hội đồng đề nghị làm rõ công nghệ nhuộm của Dự án? Tỷ lệ sử dụng nước là như thế nào? Tỷ lệ tại các công đoạn. Về khí thải, do nhà máy có sử dụng nồi hơi, đề nghị làm rõ vị trí, khoảng cách, thông số kỹ thuật...

Dự án KCN Sông Công II đến nay vẫn chưa hoàn thiện mặt bằng.

ThS.Nguyễn Thế Giang Ủy viên, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên bày tỏ, đối với việc sử dụng nước mặt làm nước sản xuất, có yêu cầu về chất lượng không? Tại sao dự án lại không thực hiện phương án tuần hoàn, tái sử dụng nước thải sản xuất?

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, ThS.Lương Duy Hanh, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, căn cứ pháp lý của dự án, chủ dự án phải làm việc với chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Công II để thống nhất các nội dung thay đổi (điều chỉnh) so với báo cáo ĐTM của Dự án “xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II, diện tích 250 ha” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Chủ đầu tư KCN Sông Công II phải có báo cáo bằng văn bản và chỉ được thực hiện điều chỉnh khi có sự chấp thuận của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo vệ cảnh quan môi trường lưu vực sông Cầu, căn cứ Khoản 3 Điều 24, đề nghị phải lấy ý kiến của 6 tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu.

Liên quan đến công nghệ nhuộm trong báo cáo không nêu rõ, đề nghị cho biết dự án sẽ sử dụng công nghệ nhuộm phun hay nhuộm ngâm?; đề nghị áp dụng công nghệ phun.

Đề nghị làm rõ hơn công nghệ xử lý nước thải, căn cứ nào, đầu vào hệ thống XLNT là bao nhiêu?

Đường, điểm xả nước thải: xem lại phương án xây dựng tuyến xả nước thải, yêu cầu đảm bảo dễ quan sát, giám sát.

ThS. Nguyễn Thị Việt Hồng, Phòng Quản lý lưu vực sông và Bảo vệ tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho rằng Báo cáo ĐTM không đầy đủ các thông tin, do Dự án lấy nước mặt từ sông Công và thải nước thải trực tiếp ra Sông Công với khối lượng rất lớn, do vậy đề nghị làm rõ các công trình quan trọng có liên quan đến dự án là Hồ Núi Cốc và Nhà máy nước sạch Sông Công, trong đó cần mô tả cụ thể về quy mô, công suất, chức năng,...

Trong báo cáo sử dụng số liệu kết quả phân tích nguồn nước thải, số liệu này lấy từ đâu? căn cứ để khẳng định là nước thải ra như vậy đã phù hợp chưa?

Trong khi đó, TS.Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định ĐTM Ủy viên phản biện rằng nội dung báo cáo ĐTM của dự án trình bày hôm nay có gì khác so với nội dung báo cáo ĐTM hồi tháng 10/2018?

Báo cáo ĐTM này với nhiều nội dung làm thay đổi so với báo cáo ĐTM của KCN Sông Công II đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, vậy Chủ đầu tư KCN Sông Công II đã có báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa? Đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận hay không?

Dự án đã tham vấn ý kiến cộng đồng chưa? Dự án xả thải trực tiếp ra Sông Công sẽ có tác động đến rất nhiều đối tượng, vì vậy phải lấy ý kiến tham vấn của các đối tượng bị tác động bởi dự án: cộng đồng dân cư xung quanh, đại diện chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, Công ty nước sạch và những địa phương trên lưu vực sông Cầu.

Văn bản Tổng cục Môi trường gửi công ty TNHH Interweave Holdings.

Về dự án này, rất nhiều chuyên gia nhấn mạnh về nước thải sau khi xử lý. PGS.TSKH.Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ thẩm định ĐTM đặt câu hỏi dung tích, quy cách của hồ sự cố như thế nào? Công nghệ xử lý nước thải nêu trong báo cáo ĐTM này có xử lý được thông số độ màu không? Nước thải sau xử lý còn độc tố gì, có đảm bảo cho nhà máy cấp nước sạch không? ThS.Hoàng Văn Vy-Uỷ viên hội đồng, về phòng ngừa, ứng phó sự cố có 03 trường hợp (vượt quy chuẩn, hỏng thiết bị và sự cố nặng) thì việc hồi lưu nước thải tự động hay thủ công?

Về hệ thống quan trắc tự động có chỗ ghi quan trắc 06 thông số, có chỗ 05 thông số, đề nghị làm rõ; Dự án dệt nhuộm, vậy việc pha màu, thuốc nhuộm, hóa chất tự động hay thủ công? Biện pháp xử lý hơi hóa chất như thế nào?

Nhóm PV
Theo Môi trường  Đô thị

Từ khóa: