Sự kiện hot
10 năm trước

Thâm nhập “vành đai trắng” buôn thuốc lá lậu về Sài Gòn

Dantin - Những con đường vận chuyển thuốc lá lậu từ các của ngõ biên giới về TP. HCM ngày càng trở nên phức tạp. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã hết sức vất vả ngăn chặn vấn nạn này. Nhóm PV Đời sống & Tiêu dùng phía Nam cận cảnh những đường dây buôn thuốc lá lậu tại các khu vực vành đai TP.HCM.

“Cung đường ma quái” và “vành đai trắng”

Không đợi phải là dân…cửu vạn hay lực lượng chống buôn lậu, không ít người dân bình thường ở vùng giáp biên giới Campuchia các huyện Đức Huệ, Đức Hòa thuộc tỉnh Long An, suốt tuyến QL 22 nằm trên địa bàn huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh về đến huyện Củ Chi, Bình Chánh thuộc TP. HCM đều biết rất rõ từ cách đây hơn 10 năm, cung đường này đã là một vành đai vận chuyển thuốc lá lậu mà dân trong nghề gọi là “vành đai trắng”. Để kiểm soát “cung đường ma quái” và cái “vành đai trắng” qui mô này, Bộ Công an đã đặt ở đây một Trạm kiểm sóat liên hiệp (KSLH) Tây Ninh-Long An được gọi dưới cái tên Trạm KSLH Cầu Sắt. Thế nhưng đoàn quân cửu vạn vận chuyển thuốc lá lậu vẫn như những đoàn “âm binh” ẩn hiện theo từng thời điểm, theo mùa…chơi trò chơi “cút bắt” với lực lượng chống buôn lậu bằng các thủ đoạn ranh ma.


Đội quân cửu vạn và con đường bụi mù.

Vẫn cung đường này, khi chúng tôi trở lại vào những ngày gần đây, các đoàn quân cửu vạn vận chuyển thuốc lá vẫn rầm rộ theo “vành đai trắng” mang hàng xuôi về TP. Hồ Chí Minh để chuẩn bị bung ra vào dịp lễ, cuối năm và Tết Nguyên đán. Theo thăm dò, chúng tôi ước tính mỗi ngày trên cung đường này có hàng trăm ngàn gói thuốc lá lậu tuồn vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Miền Đông Nam Bộ, làm thất thu mỗi năm không dưới 2.000 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.

Vào những ngày chúng tôi có mặt ở “vành đai trắng” thì trên các tuyến đường từ cửa khẩu Đức Huệ, Đức Hòa dẫn về xuôi, vẫn thấy từng đoàn xe của dân cửu vạn “đai” (chở) thuốc lá phóng bạt mạng trên đường về các điểm giao hàng. Những chiếc xe “đai” hàng không cần ngụy trang, che giấu gì cả. Cứ “một người, một ngựa”, “đai” hàng nặng trĩu tăng tốc như cuộc đua vô tiền khoáng hậu một cách “ngọan mục”.

Đi theo lối nhỏ


Chuẩn bị tiêu hủy thuốc lá lậu.

Để thâm nhập vào “lãnh địa” của dân buôn lậu, chúng tôi phải giả dạng thường dân, bộ dạng càng giống nông dân càng tốt, cho nên đồ nghề “tác nghiệp” phải giấu kỹ và nhất thiết phải có một “thổ địa” - người địa phương hướng dẫn mới có thể lọt qua nhiều cửa ải “cảnh giới” của dân buôn lậu. Nhờ người bà con thuyết phục mãi, chúng tôi mới được một thanh niên tháo vát tên Hùng nhận lời làm “đề lô”. Hùng trước đây cũng là dân cửu vạn, bây giờ bỏ nghề, nên có nhiều kinh nghiệm, rành đường đi nước bước có thể đưa chúng tôi đi sâu vào lãnh địa của dân buôn lậu, tiếp cận được những điểm tập kết hàng. Đó là “khu vực cấm”, nằm dọc theo con sông Vàm Cỏ, thuộc địa bàn hai xã An Ninh Tây và Lộc Giang của huyện Đức Hòa và xã Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây của huyện Đức Huệ. Từ “khu vực cấm” này nhìn thấu qua bên bờ con sông Vàm Cỏ là địa phận xã Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh.

Vào thập niên 90, còn nhớ nơi đây đã lên cơn sốt buôn lậu thuốc lá, dân cửu vạn “ đai” hàng hầu hết là người địa phương, chủ yếu là thanh niên trai tráng khoẻ mạnh, lỳ đòn. Thời điểm ấy, việc “đai” hàng chỉ nhờ vào…tấm lưng và cuốc bộ vượt qua những chặn đường hiểm trở chứ không “đai” bằng xe máy phóng vèo vèo đường nhựa như bây giờ. Tuy nhiên, cửu vạn vẫn dễ kiếm tiền, có thể kiếm từ 600-700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/ngày, một số tiền lớn so với việc cuốc bẫm, cày sâu của nông dân. Do đó đến 90% thanh niên địa phương đã lao vào nghề cửu vạn làm thuê cho những tay đầu nậu thuốc lá.

Tại thời điểm này, mặt hàng thuốc lá lậu cũng đa dạng hơn thập niên 90 nhưng chủ yếu vẫn là thuốc lá nhãn hiệu Jet, Hero, 555… mỗi “đai” thuốc 50 cây khi được vận chuyển trót lọt từ điểm tập kết về đến TP. Hồ chí Minh có thể lời 300-400 ngàn đồng, đủ thấy dân buôn thuốc lá lậu vẫn cố bám theo nguồn lợi kết sù này cũng là điều dễ hiểu.

Càng đi sâu vào “lãnh địa” của dân buôn lậu chúng tôi càng thấy vai trò và sự hiểu biết của Hùng. Hùng giải thích cho chúng tôi biết: Từ khi con đường lởm chởm đất đá từ thị trấn Hậu Nghĩa huyện Đức Hòa về Tân Mỹ được trải nhựa được lực lượng chống buôn lậu lập các chốt chặn hoặc tuần tra, truy đuổi, dân “đai” đã không theo con đường này nữa mà chọn những con đường nhỏ, lòng vòng, có cực thân nhưng tương đối an toàn.

“Bảo tiêu” và “ghe bay”


Hỏa thiêu thuốc lậu.

Chúng tôi cũng quyết định theo Hùng, men đường nhỏ để vào thị trấn Hiệp Hòa rồi vòng qua An Ninh Tây vốn được xem là địa bàn có nhiều đường dây vận chuyển thuốc lá lậu phải đi qua. Bất ngờ từ phía sau, chúng tôi nghe có tiếng động cơ xe máy nổ ầm ầm, chứng tỏ xe đã được tài kéo hết ga phóng với tốc độ 70-80 cây số/giờ. Theo dấu hiệu của Hùng, chúng tôi dạt xe vào lề đường để tránh đoàn quân cửu vạn, thấy có đến 10 chiếc xe máy “đai hàng” ngất ngưỡng đua qua hết tốc lực, bụi tung mù trời. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi lấy máy ảnh định “chộp” vài kiểu ảnh nóng nhưng Hùng đã nhanh tay gạt đi và lên tiếng cảnh báo: “Muốn nhừ đòn sao mà chụp ảnh. Còn đám “bảo tiêu” hộ tống phía sau kìa, giấu hết máy ảnh, nhanh lên”.

Lại nghe tiếng động cơ xe máy gầm rú. Xuất hiện sau đám bụi mù là một “đội” 4 chiếc Wave Tàu với 4 tay “bảo tiêu” đang rạp người phóng bạt mạng bám theo đoàn 10 chiếc cửu vạn. Hùng giải thích khi toán “bảo tiêu” vượt qua: “Những “yêng hùng” này có nhiệm vụ hộ tống nhóm cửu vạn. Khi gặp sự cố trên đường thì “cản địa” cho nhóm cửu vạn tẩu thóat, dứt khoát không để mất hàng. Nếu bị lực lượng chống buôn lậu bắt giữ thì bằng mọi giá phải giải cứu”.

Khi chúng tôi đến bến xe Cây Xoài xã An Ninh Tây, nơi Hùng cho biết là một trong những điểm tập kết thuốc lá lậu, nhưng thật trái ngược với những gì chúng tôi tưởng tượng. Khung cảnh nơi đây không có vẻ gì là một điểm “tập kết” ồn ào, náo nhiệt mà vắng vẻ như cảnh chợ chiều. Thấy chúng tôi ngơ ngác, Hùng bảo: Bây giờ khác trước nhiều lắm, hồi đó điểm tập kết hàng náo nhiệt như họp chợ. Dân buôn bây giờ rất kín kẽ, họ phân tán hàng nhiều nơi, cất giấu nhiều chỗ nhưng khi có người lấy hàng chỉ cần “di động” cho chủ hàng thì 10-15 phút sau sẽ có “ghe bay” cõng hàng xuyên những con rạch nhỏ ngoằn ngoèo thuộc địa phận xã Phước, vượt sông Vàm Cỏ phóng qua đây. Muốn lấy bao nhiêu cũng có.

Một điểm tập kết thuốc lá lậu nổi tiếng khác mà Hùng đưa chúng tôi đến là ấp Lộc An, xã Lộc Giang. Tại bến đò của ông Ba Đ. ,mà theo lời Hùng nói, đây là điểm tập kết khá an toàn trong “vành đai trắng” của dân buôn lậu. Chúng tôi thấy những tay “đai” hàng trong đoàn quân cửu vạn đang nằm võng lắc lư nghỉ lưng thư giãn. Tại điểm này, thường xuyên có dân cửu vạn tập trung, họ đi từng tốp từ 5-6 xe đai hàng, có 2-3 xe “bảo tiêu” và cứ 10-15 phút có “ghe bay” từ bên kia sông cõng hàng lao qua. Nếu có tín hiệu an toàn thì tấp vào bến đò ông Ba Đ. nhưng hầu hết “ghe bay” đều đề cao cảnh giác, cứ lượn qua bến đò, khi nắm chắc không có lực lượng chống buôn lậu mai phục mới tấp vào chuyển hàng cho dân “đai”. Lúc cao điểm, “ghe bay” qua lại tấp nập khiến hai bờ sông Vàm Cỏ cũng sôi động ồn ào như chợ nổi..

Nhóm PV điều tra

Từ khóa: