Sự kiện hot
10 năm trước

Thanh tra giao thông sẽ được dùng súng?

Bộ GTVT đang soạn thảo dự thảo thông tư liên tịch “Quy định về trang bị, quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng Thanh tra giao thông vận tải (TTGT)”. Theo dự thảo này, lực lượng TTGT sẽ được trang bị các công cụ hỗ trợ, trong đó có cả súng bắn đạn cao su.


Lực lượng TTGT thường được hỗ trợ bởi các lực lượng cảnh sát có trang bị công cụ hỗ trợ. Ảnh minh họa: C.Tâm

Hàng loạt đơn vị của Bộ GTVT sẽ được cấp súng?


Theo đơn vị soạn thảo, thông tư liên tịch (TTLT) áp dụng cho đối tượng là lực lượng TTGT ngành GTVT và tổ chức, cá nhân liên quan đến việc trang bị, quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ.


Cụ thể, công cụ hỗ trợ được quy định trong dự thảo TTLT này bao gồm: Các loại súng dùng để bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu và các loại đạn dùng cho các loại súng này; Các loại phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê; Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su; Áo giáp, găng tay bắt dao. Về đối tượng được trang bị, TTLT quy định rõ gồm: TTGT Bộ GTVT; TTGT các Sở GTVT địa phương; Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; Cảng vụ Hàng hải; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Cảng vụ Hàng không; Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục quản lý đường bộ I, II, III, IV trực thuộc Tổng cục; Cục Đường sắt Việt Nam; Cục Đường thủy nội địa; Chi cục Đường thủy nội địa; Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc.


Định danh các đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ nêu trên, dự thảo TTLT cũng “khoanh vùng” rõ người sử dụng công cụ hỗ trợ phải thuộc lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành GTVT gồm: Thanh tra viên; Công chức thanh tra chuyên ngành; Viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra. Theo Bộ GTVT, những người dự kiến được giao sử dụng công cụ hỗ trợ nêu trên phải đáp ứng các điều kiện như “có phẩm chất đạo đức tốt; Có sức khỏe phù hợp với công việc được giao, được cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên chứng nhận; Được huấn luyện về chuyên môn, tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng công cụ hỗ trợ”. Cũng theo dự thảo, kinh phí trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng TTGTVT do ngân sách nhà nước cấp.

 

Phức tạp nên phải có… “hàng nóng”


Lý giải với báo giới, lãnh đạo TTGT Bộ GTVT cho rằng rất cần thiết phải trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng TTGT các cấp, ngành thuộc Bộ. Tính cấp thiết xuất phát từ thực tế Bộ GTVT đang “siết” mạnh các hoạt động thực pháp và chấp pháp liên quan đến giao thông vận tải. Do đó, song hành với việc cơ quan quản lý nhà nước “mạnh tay xử lý” thì các đối tượng bị xử lý cũng manh động, liều lĩnh hơn. Từ thực tế cho thấy, các lực lượng TTGT thường xuyên phải làm việc ở các điểm nóng là nhà ga, bến tầu, bến xe… Từ xưa tới nay, các địa điểm này vẫn là “điểm đến” của nhiều thành phần bất hảo, bảo kê, xã hội đen. Thêm vào đó, chính các lái, phụ xe vận tải hành khách và cả lái xe tư nhân thuộc nhóm có trình độ cao, có điều kiện kinh tế nhưng khi phạm luật thường có biểu hiện chống đối. Gần đây, khi ngành GTVT siết mạnh về mảng quá khổ, quá tải trên phạm vi toàn quốc đã vấp phải sự chống chế, chây ì không nhỏ của lái, phụ xe vi phạm. Báo chí đã nhiều lần nêu việc tài xế hất lực lượng công quyền lên nắp capo hoặc đâm thẳng vào trạm cân, vào lực lượng thực thi công vụ. Dựa trên thực tế ngày càng nóng này, đơn vị soạn thảo TTLT của Bộ GTVT cho rằng cần thiết phải trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng TTGT.


Tuy nhiên, đứng trên góc độ khác, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn với đề xuất nêu trên. Nhóm ý kiến này cho rằng, liệu tình hình đã “nóng” đến mức các lực lượng thanh tra chuyên ngành giao thông phải cần đến công cụ hỗ trợ, trong đó có cả súng? Vụ Pháp chế (Bộ Công an) đưa ra lập luận cho rằng, ngay cả cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân từng xin cấp công cụ hỗ trợ đã không được chấp thuận, lý do được đưa ra là “chưa cần thiết”. Còn trên thực tiễn, khi lực lượng TTGT thực hiện các chuyên đề kiểm tra đều được sự hỗ trợ của tổ liên ngành gồm các lực lượng như CSGT, cảnh sát trật tự, công an các cấp và Kiểm soát quân sự. Những lực lượng trong tổ, đội liên ngành này đều được phép sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, tính thực sự cần thiết phải sử dụng đối với một đơn vị thanh tra chuyên ngành về GTVT trong trường hợp này cần xem xét kỹ.

Phải được phép của Thủ tướng Chính phủ

Công cụ hỗ trợ được trang bị cho các đối tượng theo quy định của pháp luật; Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với Công an nhân dân; chủ trì phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc trang bị công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng khác.

(Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011)

Minh Anh
theo GĐ&XH

Từ khóa: