Sự kiện hot
9 năm trước

Thêm quy định về phòng, chống rửa tiền và dịch vụ trung gian thanh toán

(ĐS&TD) - Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành hai Thông tư quan trọng nhằm tăng cường quản lý trong lĩnh vực phòng chống, rửa tiền và dịch vụ trung gian thanh toán gồm: Thông tư sửa đổi và bổ sung Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền; Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, quy định các loại dịch vụ trung gian thanh toán. Các Thông tư này sẽ có hiệu lực trong thời gian tới đây.

Chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo

Thông tư 31/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/12/2014 quy định, đối với khách hàng cá nhân có rủi ro cao, yêu cầu các tổ chức tài chính thu thập bổ sung thông tin về mức thu nhập trung bình hàng tháng trong vòng ít nhất 3 tháng gần nhất của khách hàng, so với quy định trước đó tại Thông tư 35/2013/TT-NHNN là 6 tháng gần nhất. Đồng thời, bổ sung thêm thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở nơi làm việc hoặc có thu nhập chính của khách hàng.

Đối với khách hàng là tổ chức, Thông tư yêu cầu thu thập bổ sung thông tin về tổng doanh thu trong 2 năm gần nhất; Tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của công ty mẹ (nếu khách hàng là công ty con) hoặc danh sách tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của chi nhánh, công ty con, văn phòng đại diện (nếu khách hàng là công ty mẹ).

Bên cạnh đó, phải giám sát các giao dịch của khách hàng để đảm bảo giao dịch của khách hàng phù hợp với bản chất, mục đích thiết lập mối quan hệ và hoạt động của khách hàng; kịp thời phát hiện các giao dịch bất thường và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ khi có đủ cơ sở hợp lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cập nhật thông tin định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần hoặc khi đối tượng báo cáo (tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan) biết thông tin về khách hàng đã có sự thay đổi.

Thông tư cũng sửa đổi quy định về báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử. Theo đó, tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có mức giá trị từ 1.000 đô la Mỹ trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Tuy nhiên, 2 giao dịch chuyển tiền điện tử sau không phải báo cáo, gồm: Giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

Đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước thì tổ chức tài chính phát lệnh chuyển tiền phải báo cáo và có trách nhiệm thu thập đầy đủ thông tin về cá nhân, tổ chức phát lệnh chuyển tiền. Tổ chức tài chính phục vụ người thụ hưởng có trách nhiệm thu thập đầy đủ thông tin về cá nhân, tổ chức thụ hưởng theo quy định và báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền khi được yêu cầu.

Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung các quy định liên quan đến phân công, kiểm toán và đào tạo, bồi dưỡng về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố.

Hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán

Thông tư số 39/2014/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2015 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán quy định, các loại dịch vụ trung gian thanh toán gồm: Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (gồm dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, dịch vụ cổng thanh toán điện tử) và dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (gồm dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử, dịch vụ Ví điện tử).

Thông tư nêu rõ, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ và tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác.

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, phải tuân thủ các quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

Tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng các dịch vụ này. Số dư trên tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số tiền đã nhận của khách hàng mà chưa thực hiện thanh toán cho đơn vị chấp nhận thanh toán (đối với dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ) hoặc tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng (đối với dịch vụ Ví điện tử) tại cùng một thời điểm.

Tài khoản đảm bảo thanh toán chỉ được sử dụng vào việc thanh toán tiền cho các đơn vị chấp nhận thanh toán; hoàn trả tiền cho khách hàng sử dụng dịch vụ khi có yêu cầu.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép phát hành hơn 1 Ví điện tử cho 1 tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng và cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử.

Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát theo thời gian thực hiện tổng số tiền của khách hàng trên các Ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tại các ngân hàng.

Công Minh

Từ khóa: