Sự kiện hot
5 năm trước

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức

“Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn, những thay đổi tích cực của thị trường đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, cung cấp. Điều này mở ra nhiều cơ hội cũng như các thách thức đối với thị trường bán lẻ trong nước”.

Đó là nhận định của PGS.TS. Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo tại “Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam” vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội.

Với mong muốn tìm ra những giải pháp giúp các nhà đầu tư và định hướng phát triển cho tương lai đối với thị trường bán lẻ tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức “Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam”. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VIETINBANK) và Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (PINACO).

Thị trường bán lẻ trong nước

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo 2020 là 179 tỷ USD.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hàng nội chiếm hơn 80% trên các hệ thống bán lẻ, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...).

Toàn cảnh diễn đàn
Toàn cảnh diễn đàn

Thời gian gần đây, có thể thấy thị trường bán lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế được phục hồi và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao. Số lượng doanh nghiệp tăng cao, ngành sản xuất phục hồi, kiều hối tăng, lãi suất cho vay giảm… là những nhân tố chính góp phần làm tăng thu nhập khả dụng của người dân. Kết quả của nó là một làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục “đổ” vào ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập như thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi…

Thách thức và cơ hội mới phía trước

Cùng với những tiềm năng, thách thức của hệ thống bán lẻ nước ta cũng không ít bởi nền kinh tế Việt Nam hiện nay có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 60% doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ này còn cao hơn, nghĩa là tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong bán lẻ là siêu nhỏ. “Các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh như khả năng tiếp cận nguồn vốn, mức thuế và phí cao; thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao do giá bất động sản cao” - bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

“Hơn ai hết, nhà đầu tư bán lẻ hiểu mình phải thay đổi, phải linh hoạt trong việc đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng và có cách tiếp cận năng động để làm mới cơ cấu hoạt động và chăm sóc khách hàng lẫn nhóm người chưa phải khách hàng. Việc khai thác các dữ liệu lớn (Big Data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI) … nếu được ứng dụng và khai thác đúng cách, sẽ không những giúp nhà bán lẻ cập nhật hơi thở thị trường, mà còn tối ưu hóa đầu tư dựa vào các quyết định đúng đắn từ cơ sở số” - bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc (Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam) bày tỏ.

Để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra ở trên đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ, hệ thống các giải pháp cơ bản toàn diện. Cụ thể, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững; Chú trọng tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ; Cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán lẻ trong nước; Đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online và phát triển mạnh thương mại điện tử…

Hỗ trợ cho doanh nghiệp bán lẻ phát triển trong giai đoạn này, bà Lê Việt Nga cho hay, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đặt ra về phát triển thương mại bán lẻ là tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 đạt khoảng 10,7%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 9%/năm.

Vũ Dinh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: