Sự kiện hot
4 năm trước

Thị trường bất động sản 2020: Nốt trầm hay sự thăng hoa?

Thị trường bất động sản trong năm 2020 sẽ theo xu hướng sàng lọc mạnh hơn, điều chỉnh hợp lý hơn, tạo điều kiện cho người mua nhà được tiếp cận gần hơn với nhu cầu an cư chính đáng với chất lượng và giá cả phù hợp.

Những năm trở lại đây, có thể nói khắp trong cả nước, người người, nhà nhà đều có sự quan tâm nhất định đến bất động sản với các mức độ khác nhau. Không chỉ được coi là một mảng miếng đầu tư, kinh doanh sinh lời hấp dẫn, mà bất động sản còn là cái gì đó gắn bó, thiết thân với từng gia đình, từng cá nhân vì bất động sản chính là nhà ở, là giấc mơ an cư của người Việt từ “thâm căn cố đế” bao đời nay.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đã từng nhấn mạnh, không giống như những lĩnh vực đầu tư kinh doanh khác, thị trường bất động sản Việt Nam luôn vận động, phát triển theo một chu kỳ tương đối mang tính quy luật là 10 năm. Lấy mốc thời điểm những năm 2007 – 2008 là giai đoạn thị trường bất động sản trong nước thăng hoa, đạt đỉnh, nền kinh tế thịnh vượng và giới đầu cơ làm chủ thị trường, rồi sau đó là thời kỳ “đóng băng” của thị trường.

Vài năm tiếp theo, thị trường tiếp tục trầm lắng, suy yếu dần, phải mãi đến những năm 2015 – 2017, thị trường nhà đất mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại do nhu cầu thực của đại đa số người dân thúc đẩy các chủ đầu tư phát triển sản phẩm. Và qua năm 2018 – 2019, thị trường bất động sản mới dần lấy lại sự cân bằng, do các chủ đầu tư trong nước đã có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính hơn, trong khi một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản không đủ năng lực, làm ăn chụp giật đã bị sàng lọc, đào thải. Điều này đã giúp cho niềm tin của người mua nhà được khôi phục lại, sức cầu tăng lên.

Không đi vào phân tích tính quy luật, chu kỳ của thị trường bất động sản thời gian qua, nhưng TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bất động sản có mối liên hệ rất mật thiết, thậm chí khá nhạy cảm với sức khỏe của nền kinh tế trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Vì vậy, khi tình hình địa kinh tế - chính trị ở một số nước lớn thay đổi, cũng như những cơ chế chính sách trong nước có sự điều chỉnh thì chắc chắn thị trường bất động sản cũng sẽ có sự thay đổi theo. Nền kinh tế có khỏe mạnh, các chỉ số ổn định thì các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới có môi trường, cơ hội thuận lợi để phát huy.

Thông qua những con số cụ thể, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra nhận định, trong 2 năm gần đây thị trường bất động sản TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Trong đó, không ít dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Cụ thể năm 2018, thị trường bất động sản TP.HCM bị sụt giảm mạnh, chỉ có 19 dự án được công nhận chủ đầu tư, 59 dự án được chấp thuận đầu tư và 53 dự án được cấp giấy phép xây dựng, với tổng số 39.959 căn hộ, giảm 42% số lượng dự án, giảm 40% về số lượng căn hộ. Đến nay, thị trường bất động sản thành phố vẫn tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư.

Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng do “tổng cầu” quá lớn nhưng nguồn cung ít, đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư, nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và thấp nên rất khó tạo lập nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thị trường bất động sản thành phố hiện nay chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Thị trường bị rơi vào tình thế khó khăn chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản thường có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh, trong năm qua tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định và dự báo trong năm 2020 sẽ tiếp tục có nhiều điểm sáng với nhiều kỳ vọng đặt ra khi kinh tế được dự báo tăng trưởng khá cao, khoảng 6,8%/năm, lạm phát  tiếp tục được kiểm soát ( 3 – 3,5%), thu hút FDI, kiều hối có xu hướng gia tăng... Đặc biệt, thị trường bất động sản trong năm 2020 sẽ theo xu hướng sàng lọc mạnh hơn, điều chỉnh hợp lý hơn, tạo điều kiện cho người mua nhà được tiếp cận gần hơn với nhu cầu an cư chính đáng với chất lượng và giá cả phù hợp. Đây là những yếu tố cần có để hướng tới một thị trường bất động sản ổn định, minh bạch và phát triển bền vững trong tương lai.

Minh Tuyết
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: