Sự kiện hot
12 năm trước

Thị trường lao động cuối năm: Vẫn mất cân đối

Những tháng cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp săn tìm nguồn lao động, đặc biệt là lao động phổ thông (LĐPT). Nếu như năm 2010 chỉ có khoảng 40% nhu cầu tuyển dụng LĐPT thì năm nay con số đó tăng gấp đôi và có một thực tế là xu hướng lao động tự do đang tăng cao.

Những tháng cuối năm là thời điểm nhiều doanh nghiệp săn tìm nguồn lao động, đặc biệt là lao động phổ thông (LĐPT). Nếu như năm 2010 chỉ có khoảng 40% nhu cầu tuyển dụng LĐPT thì năm nay con số đó tăng gấp đôi và có một thực tế là xu hướng lao động tự do đang tăng cao.


Doanh nghiệp phỏng vấn người lao động tại Hội chợ lao động việc làm quận Long Biên. Ảnh: Bá Hoạt

Vào dịp cuối năm, các doanh nghiệp lại "lội ngược dòng" tìm kiếm NLĐ qua các kênh như đăng tuyển dụng trên báo, đài, phát tờ rơi, thậm chí săn tìm số điện thoại trên mạng Internet để gọi trực tiếp cho NLĐ. Một số DN còn "kết thân" với cán bộ phường, xã, cán bộ Hội phụ nữ để tìm kiếm nguồn lao động. Theo thống kê có tới 80% nhu cầu tuyển dụng là LĐPT. Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào một số ngành nghề như sản xuất da giày, may mặc, bán hàng, dịch vụ, phục vụ, kế toán... Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang phải đối mặt với sự biến động lao động nên thường xuyên tuyển dụng lao động để bù đắp số lao động nghỉ việc

Một điểm khác biệt nữa so với năm 2010 là nhu cầu tìm việc của NLĐ rất lớn. Tại phiên giao dịch việc làm kỳ 1 tháng 11 của TTGTVL Hà Nội, lượng LĐPT đến phiên giao dịch này tăng hơn nhiều do lượng lớn LĐ ngoại tỉnh đổ về Hà Nội tìm kiếm các công việc thời vụ trước Tết Nguyên đán. Đồng thời, gần đây một lượng đáng kể công nhân ở các DN từng ở trong nội thành không di chuyển cùng DN ra ngoại thành đã xin nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp hoặc đang nghỉ chờ việc cũng tìm đến các phiên GDVL để kiếm tìm công việc phù hợp. Từ cuối tháng 9-2011, thị trường lao động đã có những dấu hiệu "nóng" dần. Nguồn cung lao động dồi dào hơn vì có một lượng lớn sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và lao động thời vụ từ các vùng quê lên thành phố tìm việc làm trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, do nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung vào nhóm thời vụ, phổ thông nên số lao động có trình độ chuyên môn cao và lao động lành nghề không dễ dàng tìm được việc làm như mong muốn… Do đó, một bộ phận không nhỏ NLĐ có xu hướng thích làm việc tự do với mức tiền công bình quân khoảng 80.000-200.000 đồng/ ngày như làm phụ hồ xây dựng; phụ kho, đóng gói hàng, giao nhận hàng cũng có mức lương khoán từ 120-150.000 đồng/ngày tùy tính chất công việc hay thấp hơn là phát tờ rơi… cũng có mức lương không dưới 80.000 đồng/4 giờ làm việc… Khi được hỏi về nguyên nhân tại sao lại không đi làm khi doanh nghiệp không yêu cầu về bằng cấp cũng như kỹ năng nghề, Nguyễn Trung Kiên (huyện Từ Liêm) cho biết: đi làm công nhân lương thấp lại phải làm ca vất vả. Tuy em không có việc gì làm nhưng ở nhà phụ gia đình bán hàng hoặc đi bán hàng trong siêu thị... lương rủng rỉnh hơn. Lê Anh Dũng (huyện Từ Liêm), sau khi đi XKLĐ ở Hàn Quốc về đã vào làm tại một công ty liên doanh với mức lương 2 triệu đồng/tháng. 6 tháng sau, lương vẫn lẹt đẹt ở mức 2 triệu đồng, áp lực công việc càng nhiều hơn. Do vậy, Dũng đã xin nghỉ việc để làm nghề tự do.

Rõ ràng đã có sự thay đổi trong nguồn cung và cầu lao động cuối năm. Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, thị trường này vẫn chưa thoát khỏi sự mất cân đối cung cầu. Trong tổng số nhu cầu cần tuyển dụng hằng năm, chỉ có khoảng 46% tuyển vào chỗ làm mới, số còn lại chủ yếu là tuyển để thay thế cho sự biến động lao động của doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cùng nhiều bộ, ban, ngành liên quan đang tìm các giải pháp để giảm khoảng cách giữa cung - cầu lao động trong những tháng cuối năm 2011. Một trong những giải pháp đó là phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để điều phối cung - cầu lao động, tạo việc làm tốt hơn cho mọi người, giảm những "khuyết tật" của thị trường lao động trong nước…

Ông Vũ Quang Thành - Phó phòng Thông tin thị trường lao động (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội): Số lượng DN tham gia các phiên giao dịch việc làm định kỳ đang tăng trở lại với 67 DN và trên 1.100 chỉ tiêu. Đáng chú ý, nhu cầu tuyển LĐPT và công nhân tại phiên giao dịch việc làm này chiếm hơn 80% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng của DN. Những vị trí tuyển LĐPT nhiều nhất là nhân viên kinh doanh, phát triển thị trường (chiếm 19,6%); Điện - Điện tử (15,4%); Bán hàng (10,88%); Nhà hàng, khách sạn (3,51%)… và trên 27% lao động giản đơn làm công việc giao hàng, phát tờ rơi. Nhu cầu "săn" tìm LĐPT đã bắt đầu lan tỏa đến các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, hoặc các huyện ngoại thành Hà Nội như các KCN Bắc Thăng Long, KCN Nội Bài - Hà Nội ... Nhiều doanh nghiệp đã thông báo tăng lương và đãi ngộ để tuyển LĐ với số lượng lớn từ tháng 10-2011.

Kim Vũ 
Theo HNM

Từ khóa: