Sự kiện hot
7 năm trước

Thị trường thế giới ngày 6/6: Giá dầu giảm sau khi Arab Saudi cắt quan hệ ngoại giao với Qatar

Giá dầu giảm vì căng thẳng chính trị diễn ra ở Trung Đông trong khi giá vàng duy trì ở mức ổn định. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm vì báo cáo kinh tế Mỹ cho kết quả không tốt và giá cổ phiếu của Apple giảm 1% sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua.

Bảng cập nhật tình hình thị trường thế giới (giá dầu, vàng, USD và chứng khoán Mỹ). Tổng hợp: Tố Tố.

Trên thị trường vàng, giá ổn định trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (5/6) sau khi chạm đỉnh 6 tuần vào thứ Sáu tuần trước. Nguyên nhân là vì báo cáo việc làm không tốt ảnh hưởng tới khả năng lãi suất sẽ được nâng liên tiếp trong năm nay, dù nó không cản trở lần nâng lãi trong tháng này của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại trong tháng 5, gợi ý rằng thị trường lao động đang dần mất đi động lực.

Theo quỹ tương lai liên bang, các nhà giao dịch đặt cược vào 96% Fed sẽ nâng lãi suất trong buổi họp diễn ra vào tuần tới. Bên cạnh đó, rủi ro sự kiện tại Mỹ sẽ không giảm đi trước khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhóm họp vào này 14/6. Nguyên nhân là do cựu giám đốc FBI James Comey sẽ đưa ra lời khai của mình trong tuần này, cùng với cuộc bầu cử tại Anh và buổi họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu diễn ra vào ngày 8/6.

Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử quốc gia sẽ diễn ra trong 3 ngày tới. Số phiếu được dự đoán sẽ thấp hơn so với dự báo trước đó.

Trên thị trường dầu, giá dầu thô giảm sau khi Arab Saudi và các quốc gia Arab khác cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, dấy lên lo ngại về việc phá hỏng thỏa thuận toàn cầu nhằm kiềm chế nguồn cung dư thừa.

Giá dầu tăng trước đó vì các nhà đầu tư dự đoán rằng sự gián đoạn nguồn cung có thể củng cố giá dầu sau khi thông tin về nhóm các nước Arab, dẫn đầu là Arab Saudi, kết thúc quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo cuộc quốc gia này ủng hộ khủng bố.

Tuy nhiên, giá tăng lên chỉ trong ngắn hạn vì lo ngại căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông có thể đe dọa tới cam kết nhằm giải quyết nguồn cung dư thừa toàn cầu giữa các quốc gia của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC).

Qatar có năng suất khoảng 600.000 thùng/ngày, là một quốc gia sản xuất dầu nhỏ của OPEC.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng nếu căng thẳng chính trị ở Trung Đông leo thang, Qatar có thể từ bỏ hạn ngạch sản xuất được thỏa thuận trước đó trong cam kết với OPEC. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận kéo dài việc giảm sản lượng cho tới tháng 3/2018.

Sự bất ổn ở Trung Đông diễn ra trong bối cảnh lo ngại về sản lượng dầu của Mỹ tăng có thể làm tình trạng dư thừa nguồn cung trở nên tồi tệ hơn. Nguyên nhân là vì sản xuât của Mỹ đã đạt trung bình hơn 9,3 triệu thùng/ngày trong tuần thứ 4 liên tiếp, và được dự đoán có thể lên đến gần 10 triệu thùng/ngày vào năm 2018.

Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố triển vọng năng lượng trong ngắn hạn vào ngày thứ Ba (6/6).

Trên thị trường tiền tệ USD ổn định so với các đồng tiền chủ chốt khác, phục hồi từ đáy 7 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, vì các nhà đầu tư tập trung vào buổi họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra và cuộc bầu cử tại Anh trong tuần này.

USD tăng so với đồng euro vì các nhà giao dịch nghi ngờ rằng bất kỳ sự thay đổi nào về lập trường của ECB có thể củng cố đồng euro hơn nữa.

Theo Reuters, các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ nhìn nhận ôn hòa hơn về nền kinh tế khu vực khi họ nhóm họp vào thứ Năm này, và thậm chí sẽ thảo luận về việc giảm một vài chính sách kích thích nếu cần thiết.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm sau khi đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua nhưng vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục, vì dữ liệu kinh tế suy yếu đã tạo áp lực cho triển vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong khi cổ phiếu của Apple giảm.

Hoạt động phi sản xuất của Mỹ tăng ở tốc độ chậm trong tháng 5, sau khi Viện Quản lý Cung ứng cho biết chỉ số phi sản xuất giảm 0,6% xuống 56,9 điểm. Trong một báo cáo khác, Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra đơn đặt hàng nhà máy giảm 0,2% trong tháng 4, nằm trong dự báo của các chuyên gia phân tích.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị làm tăng nhu cầu về tài sản an toàn, ngay sau khi Arab Saudi, Các tiểu vương Quốc Arab thống nhất, Bahrain và Ai Cập cắt quan hệ với Qatar, cáo buộc họ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Tố Tố
Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: